- Đầu năm học 2011-2012, sự kiện đau lòng khi 11 học sinh chết đuối chưa qua thì ở Thanh Hóa nổi lên việc "đình công" của hàng loạt giáo viên trường mầm non xã Mậu Lâm (Như Thanh, Thanh Hóa). Cùng với tiền lệ "trên bảo dưới không nghe" trong tuyển sinh khiến công việc của ngành đầu năm thêm căng thẳng.


Hình minh họa.
Dự thảo Luật GD ĐH vẫn bị chê

Hôm qua (8/9) tại TP.HCM, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức tọa đàm “Góp ý xây dựng Luật giáo dục ĐH”. Báo Tuổi trẻ khái quát ý kiến của nhiều đại biểu cho răng, dự thảo Luật giáo dục ĐH lần 4 vẫn cần phải bổ sung nhiều nội dung, cụ thể hóa nhiều điều trước khi trình Quốc hội. Đồng thời, cần có luật để điều chỉnh tình hình giáo dục ĐH đang “lộn xộn” hiện nay.

Tuy nhiên, một số đại biểu khẳng định không vì thế mà vội vàng luật hóa cả tồn tại mà chúng ta đang cảm thấy bất ổn.

Báo này dẫn lời GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân: “Luật giáo dục ĐH chỉ nên ban hành khi nó đặt nền tảng pháp lý rõ ràng để giải quyết các yếu kém bất cập kéo dài và thể hiện sự đổi mới về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này”.

Theo GS.VS Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, dự thảo Luật giáo dục ĐH vẫn chưa có điều khoản về phân tầng ĐH (theo chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học). Việc phân tầng này sẽ kèm theo các chính sách ưu tiên, giao quyền tự chủ nhiều hơn và cũng là động lực để các trường phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo.

Việc dự thảo luật không có điều khoản về hội đồng trường khiến các đại biểu không đồng tình. Liên quan đến vấn đề tự chủ, nhiều đại biểu cũng cho rằng luật cần có điều khoản để thống nhất quản lý nhà nước với hệ thống giáo dục ĐH - tức cần xóa bỏ cơ chế chủ quản trực tiếp của các bộ ngành đối với trường ĐH.

Số đông đại biểu đề nghị không nên sử dụng thuật ngữ ĐH hai cấp (như cách gọi đối với các ĐH quốc gia, ĐH vùng hiện nay) bởi điều này không đúng thực tế.

Theo ông Ngô Kim Khôi - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), dự thảo Luật giáo dục ĐH lần 4 đã có nhiều điểm mới so với dự thảo trước đây.

"Trên bảo dưới không nghe"

Cũng trên báo Tuổi trẻ số ra hôm nay có bài viết "Biến tướng tuyển sinh ngoài ngân sách" phản ánh thực trạng "Bộ quy định một đằng, trường thực thi một nẻo" dẫn đến tiền lệ "trên bảo dưới không nghe" đã không còn thuốc chữa?

Vì trước đó, Bộ GD-ĐT khẳng định năm 2011 không có hệ đào tạo theo nhu cầu xã hội. Thế nhưng trên thực tế vẫn có nhiều trường tìm cách lách quy định để tuyển sinh hệ này với những mức thu học phí khá cao.

Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông công bố điểm chuẩn NV1 và điểm sàn xét tuyển NV2 vào trường. Bảng công bố ghi rõ học viện có hai mức điểm chuẩn áp dụng cho một đối tượng đóng học phí như các trường công lập và một đối tượng tự túc học phí đào tạo. Điểm chuẩn giữa hai đối tượng này cách nhau rất xa.

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dù công bố điểm chuẩn là 22 điểm nhưng lại chia ra hai mức khác nhau dành cho diện trong và ngoài ngân sách. Cụ thể, những thí sinh đạt từ 23,5 điểm trở lên sẽ trúng tuyển diện ngân sách. Những thí sinh từ 22-23 điểm trúng tuyển vào diện ngoài ngân sách. Trong tất cả quyết định về điểm chuẩn, danh sách trúng tuyển, giấy báo nhập học trường đều sử dụng cụm từ “ngoài ngân sách”. Và học phí cho học kỳ 1 của diện này là 11 triệu đồng.

Nhiều trường ĐH khác chuyển hướng sang vận dụng, khai thác chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng như một hướng thay thế cho hệ đào tạo ngoài ngân sách. Trong đó, Trường ĐH Trà Vinh thông báo tuyển 500 chỉ tiêu bậc ĐH đào tạo theo địa chỉ cho bảy ngành. Tuy nhiên, điểm đào tạo là tại Trường CĐ Cộng đồng Sóc Trăng, Viện Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ chi nhánh Long An và Trường trung cấp Kỹ thuật công nghiệp Đồng Nai.

Tại Học viện Tài chính, trong ngày nhập trường, thông báo về mức học phí phân chia rõ ràng hai đối tượng hệ có ngân sách và hệ ngoài ngân sách, được nhà trường mở ngoặc ghi chú rõ chính là hệ đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Trong đó, mức học phí của hệ có ngân sách là 150.000 đồng/tín chỉ, hệ đào tạo theo địa chỉ sử dụng là 620.000 đồng/tín chỉ, cao hơn gấp bốn lần.

Giáo viên chờ giảm tải

Năm học mới đã bắt đầu nhưng nhiều nơi vẫn chưa nhận được tài liệu chính thức hướng dẫn điều chỉnh nội dung chương trình - sách giáo khoa (gọi tắt là tài liệu giảm tải) của Bộ GD-ĐT.

Đến chiều 8/9, nhiều giáo viên tại TP.HCM cho biết vẫn chưa nhận được tài liệu hướng dẫn giảm tải chính thức của Bộ GD-ĐT.

Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, cô Võ Thu Hà - giáo viên môn toán Trường THPT Phú Hòa, TP.HCM  - nói: “Chúng tôi xem trên mạng mới thấy nhiều bài giảm tải nằm ngay trong chương đầu tiên, như phần hình học lớp 11 và phần đại số lớp 10 - tức là dạy ngay trong những ngày đầu năm học. Thời điểm này mới quyết định, mới tiến hành giảm tải đã quá trễ và có vẻ cập rập, bị động. Đáng lẽ tài liệu giảm tải phải cung cấp cho giáo viên ngay từ trong hè vì đây là thời điểm chúng tôi soạn đề cương cho năm học mới”.

Theo ông Nguyễn Hoài Chương - phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đến tuần sau sở mới có hướng dẫn cụ thể từng bộ môn thông qua cuộc họp chuyên môn đầu năm học.

Đến thời điểm này, theo ghi nhận của báo Thanh Niên, tại Hà Nội, giáo viên bậc THPT đã nhận được tài liệu giảm tải từ đầu tháng 9 nhưng giáo viên tiểu học, THCS thì chưa hề biết “mặt mũi” tài liệu này ra sao.

Giáo viên đồng loạt nghỉ dạy

Đúng ngày khai giảng, gần 40 giáo viên ở một số trường mầm non công lập của huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hoá) đã nghỉ việc. Nguyên nhân là chế độ tiền lương quá thấp.
Bà Hoàng Thị Chung, Hiệu trưởng trường mầm non xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh cho biết, sáng 5/9, trường tổ chức lễ khai giảng năm học mới theo kế hoạch, nhưng bất ngờ 20 cô giáo không đến dự lễ. Đến sáng 6/9, toàn bộ giáo viên hợp đồng không vào nhận lớp mà kéo lên phòng hội đồng yêu cầu giải quyết chế độ tiền lương.

Lý do nghỉ dạy được giáo viên phản ánh, với mức lương thực nhận trên dưới 500.000 đồng một người một tháng (sau khi trừ các khoản đóng góp như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn... hết 30,5%), họ không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Trung bình mỗi ngày công của giáo viên mầm non chỉ được 15.000 đồng trong khi họ phải đứng lớp cả hai buổi.

Cũng trong những ngày đầu năm học này, các báo liên tục phản ánh vấn đề lạm thu ở một số địa phương với nhiều khoản tăng đến chóng mặt. Nhưng xem ra phụ huynh không đóng thì chỉ còn nước cho con nghỉ học bởi tất cả các khoản đều được các trường quy về "tự nguyện" có ký cam kết của phụ huynh.

  • Nguyễn Hiền (tổng hợp)

Giảm tải, thế nào cho phải?
Những người vẫn hàng ngày đưa đón con tới trường, kèm cặp con học tối và thấm thía sự vất vả của chính mình, của con cái và của cả những người thầy, liệu mục tiêu tốt đẹp của giảm tải có phi thực tế?
 
Giảm tải sách giáo khoa ở 5 nhóm nội dung
Bộ GD-ĐT cho biết, việc giảm tải chương trình SGK sẽ được thực hiện ở 5 nhóm nội dung chính như kiến thức bị trùng lặp, kiến thức quá sâu so với khả năng học sinh, kiến thức địa phương và sắp xếp lại bài học hợp lý.
 
Thôi thúc giảm tải
"Giảm tải, quá tải, cần lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH"..,những vấn đề không mới lại xuất hiện nhiều trên báo chí  gần đây, cho dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT  khẳng định phải có lộ trình, không thể nóng vội.