- Trong nỗ lực tìm mọi cách để săn đón thí sinh vào học trường mình từ nguyện vọng 2, ngoài các giải pháp học bổng lớn, tiền khủng, các trường ĐH còn không ngần ngại tặng điểm, và phổ biến nhất là bám vào chiếc phao "điều 33" của quy chế tuyển sinh. Có trường ĐH mang tên quốc tế đề nghị được vận dụng tiêu chuẩn chỉ dành cho "vùng sâu, vùng xa" này.

Theo phản ánh của báo Sài Gòn Giải Phóng, Trường ĐH Quốc tế Miền Đông (EIU) tổ chức tư vấn xét tuyển NV2 tại TP.HCM và chính thức công bố được Bộ GD-ĐT cho áp dụng Điều 33 đối với thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bình Dương.

Báo phân tích, tỉnh này không chỉ có mỗi EIU mà còn 3 trường ĐH khác gồm ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Bình Dương, ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương.

"Thật khó thuyết phục khi Bộ GD-ĐT cho EIU được áp dụng Điều 33 chỉ vì đảm trách nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà. Hơn nữa, trên đất Bình Dương còn có cả ĐHQG TP.HCM và rộng hơn là hàng trăm trường ĐH khác tại TP.HCM" - nhà báo Thanh Hùng viết.

Trong 4 trường ĐH đóng ở tỉnh Đồng Nai gần đó, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai và Trường ĐH Lạc Hồng cũng được áp dụng "điều 33 ".

Ghi nhận thêm ởi khu vực ĐBSCL, hàng loạt trường xin Bộ GD-ĐT cho áp dụng điều này. Lần đầu tiên trong lịch sử tuyển sinh “3 chung”, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH An Giang phải xin Bộ GD-ĐT cho trường được áp dụng "tiêu chuẩn vùng sâu, vùng xa" để hạ điểm chuẩn cho 3 ngành Khoa học cây trồng, Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản. Theo lý giải của nhà trường, một vùng đồng bằng có thế mạnh sản xuất nông nghiệp rất cần nhân lực kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt nhưng tiếc thay thí sinh ít ai chọn.

Hôm qua 22-8, rất đông thí sinh đến nhận giấy chứng nhận kết quả thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011.

Chiếc phao "điều 33"

Báo Người Lao Động cũng nêu hiện tượng "Điều 33 (điểm ưu tiên cho các khu vực)của Quy chế tuyển sinh vô tình đã trở thành “phao” giúp các trường tự hạ điểm sàn và không hiệu quả trong đào tạo. Tinh thần của điều 33 Quy chế tuyển sinh là áp dụng cho các thí sinh vùng sâu, vùng xa, theo đó, sẽ cho phép giãn mức điểm ưu tiên cho thí sinh rộng hơn so với quy định.

Ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho rằng điều 33 là kẽ hở bởi các trường dựa vào tiêu chí “đào tạo nhân lực cho địa phương” để xin Bộ GD-ĐT cho phép nới điểm sàn.

Nói với Người lao động, ông Nguyễn Văn Thư, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, cho rằng, Bộ GD-ĐT cần xem lại việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho những trường không thể tuyển đủ chỉ tiêu, tránh tình trạng các trường phải “than, xin, cho, nới…”.

Đứng trước thực trạng đó, nhiều trường đã "xé rào”, bất chấp quy chế của Bộ đưa ra. Bởi một tâm lý chung là "thà chịu bị xử lý, chứ quyết không để đóng cửa ngành”, nhiều trường tự ý đặt ra lịch nhận hồ sơ NV2, tung ra hàng loạt các chiêu quảng cáo, nhằm thu hút thí sinh, tặng học bổng, ưu tiên ktx, tặng điểm khi nộp hồ sơ  sớm…

Tặng tiền, tặng điểm
Ngày mai, 25/8, cuộc đua xét tuyển nguyện vọng 2 vào đại học bắt đầu. Những diễn tiến sôi động nhằm săn đón thí sinh vào trường đã được các báo ra hôm nay dành 'nhiều đất'.
Bên cạnh việc dùng tiền và học bổng "khủng" để thu hút thí sinh, nhiều trường còn bỏ qua quy định về quy chế tuyển sinh, thưởng điểm cho thí sinh, theo phản ánh của báo Tuổi Trẻ. Báo này cho biết, Trường ĐH Đông Á ở Đà Nẵng tặng 0.5 điểm cho TS nếu có phiếu ưu tiên xét tuyển của nhà trường.

Còn Trường ĐH Đại Nam ở Hà Nội thì nhận đăng ký xét tuyển NV2 từ cuối tháng 7, khi chưa có điểm thi. Trường tuyển NV2 cho tất cả các hồ sơ có tổng điểm ba môn trên mức điểm sàn được Bộ GD-ĐT công bố. Tại Trường ĐH Cửu Long, trong thông báo xét tuyển NV2 ghi “thí sinh NV2 có tổng điểm ba môn (kể cả ưu tiên khu vực và đối tượng) bằng điểm sàn trở lên nhanh chóng đến trường để được hướng dẫn thủ tục xét tuyển và nhập học”.

Một ghi nhận khác của báo Sài Gòn Giải Phóng, rất đông thí sinh đến Văn phòng tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, Sở GD-ĐT và các trường nhận giấy chứng nhận kết quả thi tuyển sinh (phiếu điểm) ĐH-CĐ 2011 để chuẩn bị nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, NV3 vào các hệ ĐH, CĐ bắt đầu từ ngày 25/8.

Nhiều TS, phụ huynh đã liên tục thắc mắc với các nhân viên tuyển sinh của Bộ GD-ĐT về việc các trường ĐH không gửi phiếu báo điểm. Trong đó, rất nhiều TS thi vào Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM rớt NV1 hệ ĐH đã được nhà trường tự ý cấp giấy báo trúng tuyển và không gửi phiếu điểm để TS tham gia xét tuyển NV2.


Quy định đã phù hợp chưa?

Trao đổi với VietNamNet, GS. Hoàng Xuân Sính, Hiệu trưởng ĐH Thăng Long cho rằng, việc hút thí sinh bằng những ưu đãi như các trường đang làm là quyền của mỗi trường và là việc tốt, không có gì đáng lo.

Lâu nay, không theo dõi tình hình thực tế, nhưng qua miêu tả của báo chí về cách hút thí sinh của các trường ngoài công lập, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT  nói: “Họ có cái lý của họ”.

Cái đáng lo là không chỉ các trường ngoài công lập mà nhiều trường ở công lập cũng khó đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Ông khẳng định: “Bộ không thể làm ngơ trước việc đó. Chuyện các trường vi phạm hay có những mẹo vặt để thu hút thí sinh cũng cần xử lí, nhưng cũng nên xem xét những quy định đó đã phù hợp chưa?”

Theo GS Lâm Quang Thiệp, Nguyên vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT: “Chuyện hút thí sinh mà để chất lượng quá thấp là điều không nên. Để các trường phải làm rơi vào tình trạng như vậy là không hay. Họ buộc phải xoay xở để tồn tại. Nhìn vào thực tế, nhiều trường công lập vì muốn tăng thu nhập cho giảng viên mà mở rộng ngành nghề, đào tạo cả hệ không chính quy nhưng tuyển thí sinh chỉ đủ điểm sàn đã “vét” hết thí sinh của trường ngoài công lập. Bộ cần có biện pháp để phân tầng các trường ĐH.

  • Vân Phong (tổng hợp)