- Thông tin giáo dục trên các báo ra ngày 16/7 vẫn nóng quanh chuyện mầm non ở Hà Nội, kết quả thi vào lớp 10 tại TP.HCM và các kết quả mới từ những vụ án, vụ việc liên quan tới nhân vật trong ngành giáo dục.


Hà Nội đang treo trường mầm non trên giấy

Tân phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết đã có thêm bốn trường mầm non được xây dựng mới và đưa vào sử dụng từ năm học 2010-2011. Nhưng trong bài viết "Trường... trên giấy", phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận, cả bốn dự án xây trường mầm non Thanh Nhàn, Trung Liệt, Láng Thượng và Phương Mai chưa có trường nào khởi công.

Ảnh minh họa trên báo Tuổi Trẻ 

Cụ thể, kế hoạch xây trường mầm non Thanh Nhàn bị ngáng trở do xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất, sự việc mới được phân xử xong.

Kết thúc kỳ họp HĐND TP. Hà Nội ngày 15/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho hay, để đảm bảo quy chuẩn, từ nay tới 2030, thành phố cần xây dựng thêm 1.014 trường mầm non


Còn trong số 3 trường trên địa bàn quận Đống Đa, Trường Láng Thượng sớm nhất sẽ khởi công cuối năm nay, hai trường còn lại "không thể gọi là dự án xây trường" vì đất còn chưa có. Đất quy hoạch cho các trường này hiện đang do một công ty nhựa của Bộ Y tế, cơ sở sản xuất mây tre đan tọa lạc. Bởi vậy, các trường khác trên địa bàn phải gồng gánh đỡ.

"Với kiểu phải choàng gánh này, nhiều trường mầm non, không chỉ của Đống Đa, Hai Bà Trưng, mà cả những nơi khác trong thành phố đều bị quá tải" - bài báo trên Tuổi Trẻ kết luận.

Những mức án cho hành vi phản giáo dục

Hai cái án cho các nhân vật liên quan tới giáo dục, cả cô giáo lẫn học sinh, được nhiều báo thông tin. Đó là án treo cho học sinh đánh cô giáo ở Ninh Thuận và 4 năm tù cho bảo mẫu hành hạ trẻ trong thang máy ở TP.HCM.

Cậu học sinh lớp 11, do tức giận cô giáo nhắc nhở việc mình không làm bài trong giờ kiểm tra môn hóa nên buổi trưa cùng ngày đã chặn xe máy trên đường về nhà của cô, đánh vào đầu và mặt, khiến cố bị thương tật 12% tạm thời, báo Thanh Niên cho biết.

Cô bảo mẫu Xuân Nữ ở TP.HCM, do không dỗ bé ăn, đã đưa bé vào thang máy dùng vận chuyển thức ăn và bé bị va đập dẫn tới thương tật 38% vĩnh viễn, thông tin được nhiều báo thuật lại.

Nữ sinh CTD, người tố cáo giảng viên gạ tình. (Ảnh: Dân Trí)

Cô N.T.K, Hiệu phó trường THCS Cần Đốt (thành phố Tân An, Long An) do “dựng chuyện” lãnh đạo ngành nhận tiền để chuyển công tác cho giáo viên đã bị cách chức, theo thông tin từ Người lao động Online.
Biết cô giáo P.A đang xin chuyển công tác về Tân An, cô K đã buộc cô giáo này chi 4 triệu đồng "dẫn lãnh đạo đi nhậu", sau đó chi thêm 4,7 triệu đồng để mua máy lạnh tặng lãnh đạo. Trót lọt, cô K đòi thêm chi phí mua rượu ngoại nhưng không được. Sau khi bị phát hiện, cô K thừa nhận chỉ lấy tiền tiêu xài chứ không chi cho ai - Theo NLDO


Vụ việc giảng viên bị tố gạ tình sinh viên ở Trường ĐH Tây Nguyên đến ngày 15/7 có thêm diễn biến mới, nữ sinh tố cáo thủ phạm là trưởng phòng tài vụ -kế toán cho biết sẽ làm đơn đề nghị công an khởi tố vụ án nếu Hội đồng kỷ luật Trường ĐH Tây Nguyên không đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng. Dân Trí đưa tin, Phòng Tài vụ - Kế toán của trường đã họp kiểm điểm và đề xuất hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với giảng viên này vì lý do không quản lý điện thoại cá nhân, làm mất uy tín của nhà trường.


Có 100 tỷ mới được mở trường cao đẳng

Chiều 15/7, Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10, ghi nhận từ kết quả này là điểm các trường đều giảm; trong số hơn 49.000 thí sinh dự thi, có hơn 9.000 đã không còn cơ hội vào các trường công lập.

Kỳ thi cao đẳng đang diễn ra được các báo Tuổi Trẻ, Dân Trí, Tiền Phong đăng gợi ý giải đề và ghi nhận "đề dễ thở".

Bình nước được nhà trường đặt trước cửa các phòng thi tại trường CĐ Nội Vụ Hà Nội (Ảnh: Phạm Thịnh, VTC News).

Một "quy định lạ" trong mùa thi ở Trường CĐ Nội vụ Hà Nội là việc thu thêm 10.000đồng/thí sinh (gần 64 triệu đồng) để phục vụ nước uống và giấy nháp, sau đó là chuyện hỗ trợ 20.000đ/thí sinh nếu thi đủ 3 môn vừa được thông tin trên VTC News.

Hiệu trưởng nhà trường cho rằng việc thu thêm tiền:“Trong quy chế hướng dẫn cũng không quy định rõ điều này”?. Còn chuyện hỗ trợ thí sinh là cách nhà trường quảng bá thương hiệu của mình, để các thí sinh biết đến nhà trường nhiều hơn. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Đối với các khoản thu không đúng thì phải trả lại cho thí sinh”.

Liên quan tới cao đẳng, Bộ GD-ĐT vừa đưa dự thảo điều lệ trường Cao đẳng với các quy định như diện tích học tập tối thiểu phải đạt 6m²/sinh viên, có 100 tỷ vốn điều lệ mới được mở trường...

Thí sinh sau giờ thi ĐH (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Trong khi hơn 300.000 thí sinh tiếp tục thi nốt môn cuối kỳ thi CĐ vào hôm nay thì công tác chấm thi các môn thi ĐH năm nay đã có kết quả sơ bộ. Sau 2 ngày chấm bài thi ĐH môn Văn và Toán một số giáo viên cho biết chưa có điểm tuyệt đối. Môn Toán điểm cao nhất là 8 còn môn Văn điểm cao nhất mớidừng ở 7. Lãnh đạo một số trường top đầu như Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế Quốc dân hay ĐH Kiến trúc Hà Nội dự đoán điểm chuẩn vào trường ít nhất sẽ không giảm so với năm ngoái.

Nỗi lo chất lượng học kỳ quân đội

Chuyện bỏ ra từ 5-7 triệu đồng/khóa học ngắn hạn trong quân đội với nhiều phụ huynh không đáng lo ngại bằng việc chất lượng của khóa học không được kiểm chứng. Thông tin được đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị trong tuần.

Học kỳ quân đội được đón chào vì nhiều bậc cha mẹ hy vọng rằng trong môi trường giả lập quân ngũ, con mình không chỉ học được kỹ năng sống mà còn tập nhiễm những tính cách tích cực. (Ảnh: TL nhà văn hoá Thanh Niên/Sài Gòn Tiếp Thị).

Một số ý kiến của các phụ huynh được báo trích đăng băn khoăn như việc thầy huấn luyện với trẻ có biểu hiện “trên mức tình cảm”, trẻ bị cô lập trong trung đội dẫn tới trầm cảm, phạt bằng cách hút thuốc, ngậm bài, chương trình học như “cưỡi ngựa xem hoa”.

Báo trích trả lời của lãnh đạo trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên miền Nam (thuộc Trung ương Đoàn): “Các chương trình do nhiều đơn vị khác nhau đứng ra tổ chức với nhiều tên gọi khác nhau nhưng hầu hết đều cóp nhặt từ giáo trình nước ngoài, na ná về nội dung và thêm chút ít cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Một số nơi tự liên hệ với đơn vị quân đội để mượn tên gọi, thật ra nội dung chẳng dính dáng gì đến quân đội cả”.

Và rằng: “Học kỳ quân đội không phải là cây đũa thần để biến những thiếu niên khiếm khuyết trở thành con ngoan trò giỏi”.
Vân Phong - Phong Đăng (tổng hợp)