- Ở TP.HCM và Hà Nội hôm qua đã diễn ra hai hội nghị cực nóng về giáo dục: Trường ĐH nơi có "người giàu thứ 3 Việt Nam trên sàn chứng khoán" Đặng Thành Tâm làm chủ tịch hội đồng quản trị, đã tổ chức hội nghị cán bộ công nhân viên chức. Câu chuyện đô thị hóa chóng mặt dẫn tới thiếu trường học lại nóng bỏng giữa phiên chất vấn trong kỳ họp HĐND Hà Nội. Đây là những thông tin giáo dục đáng lưu ý được đề cập trong ngày hôm nay, 15/7.



Nữ sinh ĐH Hùng Vương. Ảnh: webisite trường
Bất ổn

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, Cục Thuế TP.HCM vừa ra quyết định xử phạt vi phạm pháp luật về thuế đối với Trường ĐH Hùng Vương TPHCM 1,742 tỷ đồng. Để khắc phục hậu quả, Cục Thuế TP.HCM tiến hành truy thu tiền thuế của trường số tiền 3,759 tỷ đồng.

Trước những bất đồng giữa lãnh đạo nhà trường với chủ tịch hội đồng quản trị và các nhà đầu tư mới trong thời gian vừa qua, ngày 14-7, trường đã tổ chức hội nghị với 151 cán bộ công nhân viên.

“Tôi chỉ quan tâm đến những người lao động làm công ăn lương. Chúng tôi sẽ ra sao khi trường bị một cá nhân nào đó thâu tóm rồi ngày nào đó, tất cả chúng tôi sẽ bị thất nghiệp?” - Ông Phạm Ngọ, Phó trưởng Phòng Thiết bị ĐH Hùng Vương/Theo Sài Gòn Giải Phóng
Nơi đây đang diễn ra vụ tranh chấp con dấu giữa người được Thành ủy mời làm bảo trợ (ông Đặng Thành Tâm) và hiệu trưởng, là một trong 19 trường ĐH dân lập thuộc diện chuyển đổi sang mô hình ĐH tư thục.

Trước đó, giãi bày trên VnExpress, ông Tâm cho rằng Hội đồng quản trị đang bị hiệu trưởng vô hiệu hóa và sở dĩ đại hội cổ đông tới nay chưa thể triệu tập là do không có con dấu để đóng vào hồ sơ. 

Còn tại hội nghị 14/7,  Hiệu trưởng Lê Văn Lý cho biết: Từ khi có quyết định  chuyển đổi loại hình thì chủ tịch hội đồng quản trị, nhà đầu tư mới đã ngộ nhận khi cho rằng trường đã hoàn toàn chuyển sang tư thục.

Từ đó, hoạt động của chủ tịch hội đồng quản trị trước đây  và hoạt động của nhà trường, hiệu trưởng lấn sân nhau.

Tại hội nghị, đại diện ban kiểm soát, đại diện cổ đông nhà trường cũng đồng ý rằng ĐH Hùng Vương khi chuyển sang tư thục đã làm không đúng luật.

Cử tri "quay" tân lãnh đạo về thiếu trường mầm non

Bao giờ 21 khu đô thị mới có đủ trường mầm non, khi hiện nay mới có 13 trường; trách nhiệm của thành phố như thế nào lúc nhận bàn giao khu đô thị mới từ các nhà đầu tư khi chưa hoàn thiện nhà trẻ, mẫu giáo, các công trình phúc lợi, chỗ gửi con cho công nhân khu công nghiệp... là những chất vất cử tri đặt ra với tân Phó chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc tại phiên chất vấn ở kỳ họp HĐND sáng 14/7.


Chầu trực chờ đến sáng để đăng ký học cho con. Ảnh: Văn Chung

"Lòng tin của người dân vào trường công là điều đáng mừng nhưng cũng là thách thức khi liệu có đáp ứng hết lòng tin ấy" -Chủ tịch HĐND Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh /Theo VnExpress
Theo tường thuật của VnExpressDân Trí, nhận được nhiều câu hỏi nhất từ phía các đại biểu, bà Ngọc khẳng định, hiện 100% học sinh mầm non có nhu cầu học tập đều có chỗ học, trong đó 85,5% học trường công lập.
Ngoài ra, thành phố đã xin phép Bộ GD-ĐT chuyển 507 trường dân lập thành công lập; nâng tầng các trường ở nội thành, siết chặt khi duyệt dự án khu đô thị

Hà Nội có 837 trường mầm non, trong đó có 683 trường công lập, chiếm 81,6%. Năm nay số trường mầm non công lập tăng 16.

Chủ tịch HĐND Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh thông tin, có 3 vấn đề cần quan tâm là mạng lưới trường, dự báo tăng dân số ở các phường và xem xét việc tăng số trường mầm non tại khu vực mật độ dân số cao. UBND thành phố cần xem lại chuẩn dân số khi nhiều phường ở Hà Nội đã có số dân vượt 20.000 chứ không chỉ 10.000 như trước.

Tập trung cho giáo dục ĐBSCL

Báo Pháp luật TP.HCM cho biết: Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010 tổ chức ở Cần Thơ ngày 14/7, ông Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Thường trực - Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, lưu ý các tỉnh tập trung đầu tư cho giáo dục để tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cho vùng.

Một trường hợp cụ thể tại Sóc Trăng được Dân Việt phản ánh, cô giáo Mai Nhị ở Trường THPT Phú Tâm khiếu nại ngành giáo dục vì để mất 1 bậc lương trong suốt hơn 30 năm qua mà không giải quyết.


Thí sinh tiếp tục chinh chiến cao đẳng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hơn 300 ngàn thí sinh thi cao đẳng

Thông tin về diễn tiến chấm thi đại học, kỳ thi cao đẳng tiếp tục cập nhật. Qua chấm thi, ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã có thí sinh được 9,5 điểm môn Toán. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thành lập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Nội vụ Hà Nội.

Hôm nay (15/7), hơn 300.000 thí sinh thi các môn đầu tiên gồm Ngữ văn, Vật lý và Sinh học.

  • Tú Uyên (tổng hợp)