- Giới giáo dục rỉ tai nhau về sự "không may" của 11 tỉnh miền Tây Nam Bộ với sự cố “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 môn ngữ văn”. Khi đi hỏi một số chuyên gia có tiếng về bình luận giáo dục, phóng viên nhận được cái lắc đầu từ chối không bình luận về tỉ lệ thi tốt nghiệp. Lý do: họ đã chán nói về điều đó.


Phụ huynh bên ngoài phòng thi chờ con trong kỳ thi tốt nghiệp năm học 2010 - 2011. Ảnh: Văn Chung

Có chuyên gia nhận định, sự cố biên bản thống nhất của 11 tỉnh miền Tây Nam Bộ là do cách làm không khôn khéo nên mới bị "bại lộ", chứ tỉnh nào chẳng chạy đua về tỉ lệ tốt nghiệp, vì có quá nhiều thứ chi phối kết quả này.

Một giáo viên lâu năm tâm sự thật: Hiện tượng thả lỏng có ngay từ khâu coi thi, chứ chấm thi nhằm nhò gì. Kỳ thi đại học mỗi giáo viên đều ý thức được sự nghiêm túc nên họ làm rất chặt chẽ, nhưng với học sinh thi tốt nghiệp THPT, họ lại có tâm lý trái ngược hoàn toàn: "thương" học trò, dù biết là tình thương ấy không đúng chỗ. Nhiều giáo viên trả lời họ đã để cho học sinh thoải mái hỏi nhau để các em "thoát" kỳ thi tốt nghiệp.

"Tôi thấy rằng, áp lực vào đại học của các em vô cùng lớn, đó mới là kỳ thi sống còn quyết định cuộc đời các em. Tôi có con đi thi đại học nên biết, sức học những năm sát lớp 12 cực kỳ căng thẳng, các em hầu như chỉ có sức học ba môn thi đại học, sáng học, chiều học, tối học, đêm học, hơn công chức đi làm. Thế nên, không chỉ cha mẹ, giáo viên mà xã hội cũng thừa nhận rằng các em đang phải chịu áp lực quá lớn, vậy thì tâm lý "thả lỏng" cho các em qua kỳ thi tốt nghiệp là điều dễ hiểu", một giáo viên cho biết.

'Nếu nhà báo phỏng vấn tôi mà nêu đích danh thì tôi sẽ nói kiểu khác, nhưng nếu giấu tên thì tôi sẽ nói thật: Tỉ lệ tốt nghiệp năm sau cũng sẽ cao bằng hoặc hơn năm nay chứ không xuống được đâu!' - Một giám đốc Sở GD-ĐT  vùng Tây Nam Bộ

Một giám đốc Sở GD-ĐT vùng Tây Nam Bộ cho biết: Nếu chỉ nhìn vào con số, sẽ không thể lý giải tại sao các vùng miền núi phía Bắc có tỉ lệ tốt nghiệp cao hơn cả thành phố và đồng bằng.

'Nếu nhà báo phỏng vấn tôi mà nêu đích danh thì tôi sẽ nói kiểu khác, nhưng nếu giấu tên thì tôi sẽ nói thật: Tỉ lệ tốt nghiệp năm sau cũng sẽ cao bằng hoặc hơn năm nay chứ không xuống được đâu!' - ông thổ lộ.

"Chúng ta chỉ có một nền giáo dục thực chất khi chương trình sách giáo khoa ngoài chuẩn kiến thức bắt buộc học sinh cả nước phải học thì phải dành một phần nửa kiến thức có chú ý đến đặc trưng văn hoá vùng miền. Nước ta có 54 dân tộc, rồi địa hình, tập quán văn hoá mỗi nơi một kiểu, nếu tất cả cùng học một chương trình thì ai dám đảm bảo tất cả sẽ thẩm thấu chương trình như nhau?

Năm nay, đề thi tốt nghiệp môn Địa lý có chú ý đến tất cả các vùng miền, nhưng đề Ngữ văn không hề đơn giản đối với các em ở vùng miền Tây, nơi có phần lớn dân cư là dân tộc Khơ-me, sống ở vùng sâu vùng xa, thậm chí có nhiều nơi các em chỉ học một buổi/ngày, ngoài ra phải lao động kiếm sống với gia đình, làm sao thấm một tác phẩm ở một vùng lạ hoắc?", vị giám đốc bộc bạch.

Ông Bùi Văn Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang vẫn giữ vững quan điểm của mình là vẫn cần một biên bản hướng dẫn chấm văn để bảo toàn điểm cho các em học sinh, vì cách diễn đạt, hành văn của em nơi sông nước miền Tây khác với các vùng khác, mộc mạc, chân chất hơn.

Theo dự đoán của nhiều giáo viên, nếu Bộ GD-ĐT có chấm lại môn văn của 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì cũng chỉ chấm được một phần rất nhỏ. Quan trọng đằng sau kết quả tốt nghiệp ấy là mong ước của quá nhiều người: thành tích của tỉnh, sự cảm thông của giáo viên, mong ước của cha mẹ và học sinh. Tuy nhiên, chỉ cần thay đổi chương trình giáo dục phổ thông thiết thực với đời sống và phù hợp văn hoá vùng miền, sẽ thay đổi được phần lớn tỉ lệ tốt nghiệp đẹp như mơ.

  • Tú Uyên

HỌ ĐÃ NÓI GÌ TRÊN CÁC BÁO?

Bà Lâm Thị Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu, chủ tịch hội đồng chấm thi tỉnh Bạc Liêu (Tin tức)

Dư luận trên là hoàn toàn không có cơ sở. Tại Bạc Liêu, khi chấm thi tốt nghiệp chúng tôi đã luôn chấm theo đáp án và bảng điểm của Bộ GD-ĐT...thực tế, cuộc họp chỉ nhằm trao đổi, thống nhất cách hiểu đáp án để khi triển khai chấm không có sự chênh lệch. Không hề có chuyện nới lỏng hay bắt tay nới lỏng đáp án khi chấm thi nhằm nâng điểm cho thí sinh như dư luận mấy ngày qua."

Ông Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp (Tin tức)

"Căn cứ vào vào đáp án của Bộ GD-ĐT đối với các môn tự luận, các sở GD-ĐT thống nhất vận dụng đáp án hầu hết các môn trong phạm vi cho phép bởi vì nhiều thí sinh làm bài rất đa dạng và có những tư duy rất sáng tạo, do đó cần có sự thống nhất của các sở GD-ĐT để cho điểm thi không chênh lệch nhiều giữa các tỉnh.


Việc chấm thi phải đảm bảo quyền lợi của thí sinh, có nghĩa các em làm đúng theo đáp sán thì việc chấm diễn ra bình thường, nếu các em làm bài chỉ 2/5, 3/5 câu, hoặc các em làm bài với ý tưởng khác thì sẽ thống nhất cách cho điểm của câu đó.


Không chấm quá chặt hoặc quá lỏng dẫn đến tỷ lệ tốt nghiệp thấp hoặc cai sẽ không phản ánh đúng thực chất. Tôi cho rằng dư luận họp tại Cần Thơ để thỏa thuận đáp án, nới rộng đáp án là không chính xác, cần phải nhìn nhận lại.

GS, NGND, ĐBQH Nguyễn Lân Dũng (Thanh niên)

Tôi thấy thật khôi hài về kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay. Nếu làm thực chất, chỉ trung bình khoảng 70% học sinh tốt nghiệp là phản ánh tương đối đúng thực tế. Thi tốt nghiệp thực ra không quan trọng và không phải làm căng thẳng. Nguyên tắc để đảm bảo chất lượng giáo dục không phải là kỳ thi cuối cấp mà là của từng ngày đi học. Nếu tự tin vào chất lượng dạy và học thì thi tốt nghiệp sẽ rất nhẹ nhàng. Thi theo cụm, chấm chéo chỉ là sự đối phó quá tốn kém mà không giải quyết được vấn đề gì.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT  (Pháp luật TP.HCM)

So sánh kết quả thi với kết quả xếp loại học lực trong năm của học sinh, Sở GD-ĐT đều nắm được địa phương mình có bao nhiêu % học sinh đạt học lực từ trung bình trở lên, báo cáo con số đó lên Bộ, Bộ so sánh con số đó với tỷ lệ điểm tốt nghiệp xem có tương ứng không. Lãnh đạo Bộ cũng đã có ý kiến về việc chấm thanh tra ở một số địa phương. Theo tôi, việc so sánh nói trên có thể là căn cứ để chọn địa phương tiến hành thanh tra.

GS Hồ Ngọc Đại (Pháp luật TP.HCM)

Về lâu dài, theo tôi, việc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT là không cần thiết. Chỉ cần học sinh hoàn thành 12 năm học thì cấp cho các em một giấy chứng nhận, vậy là đủ. Ai nghĩ rằng thi mà kiểm tra được chất lượng giáo dục thì người đó hoàn toàn nhầm. Việc học của các em là quá trình trong suốt 12 năm, làm sao chỉ thi ba, bốn ngày mà phản ánh đúng được. Thi thì có thể gian dối chứ 12 năm học thì không thể gian dối. Chi bằng ta cứ chăm chút cho suốt 12 năm đó để kết thúc quá trình học thì trình độ của người học là một kết quả tất yếu.


  • Nguyễn Hường (tổng hợp)