- Nhiều sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội sắp tốt nghiệp bức xúc khi nhận được quyết định phải đóng 450.000 đồng “lệ phí tốt nghiệp” với nhiều nội dung khó hiểu cùng những cái lắc đầu không biết khi đem thắc mắc đi hỏi thầy cô.

Chuẩn bị ra trường, một số em nhận được một quyết định sinh viên phải đóng 450.000 đồng tiền lệ phí tốt nghiệp.


Cụ thể trong “Kế hoạch thu lệ phí tốt nghiệp” của trưòng quy định 3 mức đóng đối với mỗi sinh viên hệ trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đằng nghề, cao đẳng, liên thông, liên thông trung cấp chuyên nghiệp - cao đẳng và đại học, liên thông trung cấp chuyên nghiệp - đại học, liên thông cao đẳng - đại học  lần lượt là 250.000 đồng, 350.000 đồng, 450.000 đồng mỗi sinh viên.

“Điều đặc biệt là thi tốt nghiệp xong ngày 21/5còn quyết định được đưa ra ngày 30/5.


Ngày 16/6, VietNamNet đã nhận được văn bản trả lời số 297/ĐHCN-TCHC từ hiệu trưởng nhà trường giải thích về bức xúc của sinh viên.

Nhiều sinh viên thi tốt nghiệp xong ngày 21/5 đã đóng số tiền 410.000 đồng (do đã nộp 40.000 đồng tiền làm phôi bằng tốt nghiệp) theo thông báo của nhà trường.

Theo lí giải của nhà trường: Dù là cơ quan công lập nhưng ngân sách hàng năm của Bộ cấp chỉ đáp ứng 7-10% nhu cầu chi thường xuyên và phát triển nhà trường. “Do đó, có một số hoạt động nhà trường phải có chủ trương thu thêm từ người học và tất cả các khoản thu tập trung quản lí, công khai minh bạch thông qua phòng Tài chính Kế toán và cơ quan quản lí tài chính cấp trên”.

Về khoản “lệ phí tốt nghiệp”, theo giải thích của nhà trường thì đây là “tiền phục vụ cho các hoạt động tốt nghiệp của HS-SV” và chủ trương này “đã được bàn bạc công khai từ Hội nghị CBVC, được Đảng ủy, Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn Thanh niên nhà trường thông qua, được đa số HSSV thông qua Hội sinh viên, Đoàn Thanh niên nhất trí ủng hộ” (?!)


Các khoản thu trên, theo nhà trường, được dung vào các nội dung:

1. Mua phôi bằng, các loại chứng chỉ theo quy định.
2. In bằng tốt nghiệp, chứng chỉ các loại theo quy định.
3. Cấp bảng điểm, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời để sinh viên kip xin việc làm ngay.
4. Trang phục cho SV tại buổi lễ tốt nghiệp
5. Tổ chức lễ tốt nghiệp, phát bằng (trang trí hoa, văn nghệ, liên hoan nhẹ,...)
6. Tổ chức Hội chợ việc làm, Hội thảo kĩ năng tìm việc, phối hợp với các doanh nghiệp tạo mọi điều kiện thuận lợi và cơ hội cho SV tìm kiếm việc làm

Trả lời thắc mắc của sinh viên về khoản “lệ phí tốt nghiệp”, theo nhà trường, trong quá trình thu qua hệ thống phần mềm nên “còn một vài nhầm lẫn”. “Cụ thể, trong phiếu thu, khoản tiền cho hoạt động tốt nghiệp do thực hiện theo phần mềm cũ, sử dụng cụm từ “lệ phí tốt nghiệp” dẫn đến SV hiểu sai chủ trương của trường”.


Và “quyết định trên có hiệu lực từ 01/05/2011 nhưng do việc triển khai thông báo, triển khai của một số đơn vị và một số giáo viên chủ nhiệm chưa kịp thời, đặc biệt là một số lớp đã thi xong tốt nghiệp các em hiểu lệ phí tốt nghiệp là tiền phục vụ thi tốt nghiệp”.


Cũng theo trả lời từ phía nhà trường, hiện trường đã thực hiện ngay việc: “Rà soát tất cả các khóa, các lớp chuẩn bị tốt nghiệp, kiểm tra kết quả thu tiền của Phòng Tài chính Kế toán để có kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp”.


Văn bản trả lời thắc mắc của lãnh đạo trường.

Nói rõ hơn về điều này, bà Nguyễn Thu Hương, Phó Phòng Tổ chức Hành chính nhà trường bổ sung: “Các trường hợp đã thi xong tốt nghiệp trước ngày triển khai thực hiện quyết định trên (30/5) sẽ chỉ phải đóng 40.000đ lệ phí làm phôi bằng. Nếu đã đóng thêm 410.000 đồng, các em sẽ được trả lại tiền”.

Từ đây, nhà trường cũng chỉ đạo “sửa ngay phiếu thu, ghi đúng nội dung tiền thu (trong phần mềm quản lí tài chính”, và ban hành Thông báo số 949/TB-ĐHCN ngày 14/6/2011 để triển khai cụ thể các nội dung liên quan đến chủ trương thu tiền phục vụ cho các hoạt động tốt nghiệp.


Muốn làm trang trọng nên tốn kém

Mình cũng từng là SV nên thông cảm và hiểu rằng không ai muốn đóng tiền cả. Nhưng nhà trường muốn tổ chức lễ tốt nghiệp cho SV cho trang trọng vì ngoài số lượng các em học tại Hà Nội, trường còn nhiều cơ sở đào tạo trực thuộc khác, các em ít có cơ hội về đây nên mình muốn làm cho thật chu đáo.


Hiện nay chỉ nguyên tiền thuê bộ áo cử nhân cho “tươm tươm” cũng đã 150.000đ. Mức thu 450.000đ cũng được trường tính toán và tham khảo ở nhiều nơi rồi.


Về những thắc mắc của SV, chúng tôi nhận đã có thiếu sót, nhầm lẫn như trên. Tuy nhiên, nếu sinh viên có thắc mắc các em rất nhiều kênh để phản ánh như: Hội sinh viên, Hội nghị lớp trưởng, Phòng công tác HS-SV, Ban thanh tra nhà trường,...Nhà trường trân trọng, tiếp thu các ý kiến đó. Không ai trù dập hoặc có quyền giữ bằng của các em cả.


(Bà
Nguyễn Thu Hương, Phó phòng Tổ chức Hành chính, ĐH Công nghiệp Hà Nội).
  • Văn Chung