- Buổi nói chuyện chuyên đề về biển đảo của Trường ĐH Luật TP.HCM thu hút 300 sinh viên và hầu hết giáo viên toàn trường tới dự.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Biển đảo Việt Nam theo pháp luật quốc tế
Thạc sĩ Ngô Hữu Phước, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết: Đi dạy từ năm 1999 đến nay, năm nào tôi cũng hỏi sinh viên một câu hỏi: Vịnh Bắc Bộ nằm từ đâu đến đâu, thế nhưng có nhiều sinh viên trả lời không biết.

Việt Nam có bao nhiêu hòn đảo, các tỉnh ven biển Việt Nam gồm những tỉnh nào chắc không phải học sinh, sinh viên ai cũng nắm được.

1.500 đoàn viên thanh niên tham gia nắm tay nhau xác lập kỷ lục Guiness về xếp hình bản đồ Việt Nam trên bãi biển Nha Trang (Khánh Hòa) ngày 5/6 (Ảnh Trần Công Thi)

Những kiến thức cơ bản về lãnh thổ được trang bị ở chương trình địa lý ở bậc phổ thông, thế nhưng để hiểu rõ về biển đảo Việt Nam cũng như vấn đề luật pháp liên quan thì sách giáo khoa ở bậc phổ thông chưa có điều kiện đề cập tới.

Buổi nói chuyện chuyên đề đã cho sinh viên luật cái nhìn khái quát và chính xác về vụ việc tàu dân sự Trung Quốc vi phạm ở vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, giúp họ hình dung tốt hơn khi đọc báo chí.

Lê Văn Đại, sinh viên năm thứ 2, Khoa luật hình sự cho biết: Các bạn em ai cũng háo hức quan tâm đến việc tàu hải giám Trung Quốc vi phạm luật ở vùng biển của Việt Nam. Vì thế, khi trở về ký túc xá sau buổi nói chuyện chuyên đề, các bạn em đã chờ sẵn để nghe truyền đạt lại nội dung của buổi nói chuyện. Em thấy các bạn sinh viên rất quan tâm nhưng không tìm được thông tin chính thức và đầy đủ về việc này.

Việt Nam nên phản ứng thế nào với vụ việc tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh, thạc sĩ Ngô Hữu Phước cho biết: Cách thứ nhất là Việt Nam đưa hành vi của tàu Trung Quốc ra các diễn đàn ngoại giao quốc tế, ví dụ diễn đàn an ninh châu Á, diễn đàn Liên Hợp quốc...Thứ hai là kiên trì thương lượng và thương lượng. Hiện nay Việt Nam chưa thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì cả Việt Nam và Trung Quốc hiện chưa chấp nhận thẩm quyền giải quyết tranh chấp của tòa án quốc tế. Việt Nam đang chấp nhận hình thức giải quyết tranh chấp quốc tế bằng thương lượng ngoại giao, đàm phán trên cơ sở độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Đại cho biết, sau buổi nói chuyện, em mới biết một cách khái quát về Công pháp quốc tế (em mới học năm thứ hai nên chưa biết gì về Luật pháp quốc tế), Luật biển 1982, được giải thích các khái niệm về lãnh hải, đường cơ sở, đặc quyền kinh tế...dù trước đây em cũng có học địa lý, cũng biết rồi nhưng chưa thật rõ. Một số tờ báo có nói là tàu hải giám Trung Quốc vi phạm ở vùng lãnh hải Việt Nam nhưng khi được các thầy giải thích, em mới hiểu chính xác là vi phạm ở vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo Đại và nhiều sinh viên luật, cách thức phản đối và thể hiện bất bình về vụ việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 của sinh viên là nên tìm hiểu và trang bị kiến thức về luật pháp quốc tế liên quan đến biển đảo Việt Nam, phổ biến những thông tin chính xác về luật biển quốc tế và Việt Nam tới các diễn đàn của giới trẻ. Hiểu rõ vấn đề, hiểu rõ mảnh đất Việt Nam chính là thể hiện lòng yêu nước. Theo Đại, cần có một buổi nói chuyện chuyên đề như thế này cho tất cả sinh viên ở các trường ĐH Việt Nam.

Minh Hậu, sinh viên năm thứ 3, Khoa luật Quốc tế cho biết: Em cảm thấy rất bất bình trước hành động cắt cáp thăm dò tàu Bình Minh của tàu hải giám Trung Quốc, vì đi ngược lại với quy định của pháp luật quốc tế. Vụ việc này xảy ra ở vùng thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Hậu cho biết em đã quan tâm về vấn đề này từ trước khi diễn ra buổi nói chuyện chuyên đề. Tuy nhiên, sau buổi nói chuyện em sẽ nói rõ cho những ai muốn biết về vấn đề này, chia sẻ kiến thức đã được học trên diễn đàn mạng.

Theo các sinh viên trường luật, sự thành công của buổi nói chuyện là trang bị cho người chưa học biết thông tin cơ bản nhất Luật quốc tế về biển, củng cố tầm quan trọng về luật quốc tế nói chung và luật biển đảo nói riêng, được trình bày theo cách sống động và phong phú, có hình ảnh minh họa dễ hình dung hơn là bài học trong chương trình.

Thạc sĩ Ngô Hữu Phước nói: Hơn bao giờ hết, môn địa lý phổ thông phải làm rõ vấn đề địa lý về biển đảo, Nhà nước phải có thống kê chính thức Việt Nam có bao nhiêu hòn đảo, tên của từng hòn đảo, chẳng hạn như Vịnh Hạ Long có rất nhiều đảo không có tên. Chúng ta cần phải có Hải đồ về biển để phát hành rộng rãi cho học sinh và người dân.

TIN BÀI KHÁC

  • Hương Giang