- Những tâm sự rất thật của một nhóm học sinh THCS ngay trước cổng trường hé lộ những nguyên nhân đẩy các cô bé, cậu bé tuổi teen trong sáng, vô tư đến ý nghĩ chết chóc, dại dột.

Một ngày chỉ nói ba câu với bố mẹ

Trống tan học đã lâu mà Thanh (HS lớp 8) vẫn còn lầm lũi trước cổng trường. Mọi hôm, em đã vội vã xách cặp về nhà cho kịp giờ ăn trưa vì về muộn sẽ bị mẹ mắng. Nhưng hôm nay, Thanh không còn tâm trí nào nữa. Dường như mọi chuyện xảy ra trong hai ngày hôm nay đều chống lại Thanh.

“Em đang muốn đi chết đây…” – cô bé cười mà như mếu, kể lại sự việc.

“Trong giờ thể dục môn nhảy xà sáng hôm qua, em đã đâm mặt vào xà ngay trước mặt cả lớp. Tất cả các bạn đều cười chế nhạo, hỏi em “mày yêu cái xà như thế à?” khiến em cảm thấy mất hết danh dự.


 

Chán quá nên em quyết định bỏ học tiết sau để đi đâu đó. Vừa đi xuống sân trường thì em gặp ngay bạn là… con cô giáo chủ nhiệm. Thế là ý định bị bại lộ, em bị cô phạt phải về nhà viết bản kiểm điểm xin chữ ký bố, hôm nay mang đến nộp. Nhưng khổ nỗi, hôm nay là sinh nhật bố em, nên tối qua em đắn đo mãi mà không dám nói vì sợ bố buồn.

Sáng nay cứ tưởng thoát vì không thấy cô hỏi đến, thì lại bị mắc giờ trả bài môn Công nghệ, cô giáo nghi ngờ em chép bài bạn, cho em 1 điểm, yêu cầu em phải viết bản kiểm điểm, xin chữ ký giáo viên và chữ ký phụ huynh cô mới xem xét lại. Đã bế tắc càng bế tắc hơn!”

Phương bảo, chưa lúc nào em thấy chán đời, tăm tối như bây giờ. Em không biết sẽ nói chuyện với bố ra sao, và xoay xở như thế nào với cái “án” viết 2 bản kiểm điểm cùng một lúc.

Không dám nói với bố, cô bé càng chẳng dám nói với mẹ. Vì: “Mẹ em nghiêm lắm nên em cũng rất sợ. Mẹ là giáo viên, nên luôn bảo em con giáo viên thì phải thế này, thế nọ... Còn bố thì, hầu như em chẳng bao giờ tâm sự. Trong nhà, ngày nào em cũng chỉ nói được với bố 3 câu:

Sáng: - Con chào bố; Bố: - Ừ, con đi đi!

Trưa: - Con mời bố ăn cơm; Bố: - Con ăn đi!

Tối: Con mời bố ăn cơm; Bố: Con ăn đi...” là hết chuyện.

Bố em quá bận nên hầu như em không nói chuyện nhiều với bố, mà cũng chẳng biết nói gì”.

Nhiều bạn bè của Phương cũng thú nhận, sổ ghi đầu bài và bản kiểm điểm cá nhân là nỗi ám ảnh của các em. Vì bị ghi vào sổ, bị viết bản kiểm điểm là đồng nghĩa với việc bị bố mẹ, thầy cô mắng mỏ, trách phạt.

Cậu bé 2 lần tìm đến cái chết

Nếu không quan tâm hoặc thiếu sự tinh ý thì người lớn sẽ rất khó hiểu được cảm giác thấy cuộc đời “đen tối, thê thảm” và những lý do tưởng chừng rất nhỏ bé mà dẫn đến tâm trạng buồn bã, chán sống của trẻ.

TS Nguyễn Thị Kim Quý – một chuyên gia tâm lý kể lại câu chuyện: “Cách đây không lâu, có trường hợp một cháu học sinh lớp 10 hai lần tự tử bất thành, tìm đến tư vấn.

Cháu bé sinh ra trong một gia đình công chức, bố mẹ bận rộn công việc, lại làm thêm kiếm tiền nên đi suốt ngày. Cháu bé sáng đi học, tối về nhà, thời gian còn lại mê mải vùi mình vào game online. Ở cấp 2, cháu học khá giỏi, nhưng lên cấp 3, một phần vì kiến thức nặng hơn, phần vì thiếu phương pháp học, lại mải chơi nên lực học của cháu yếu dần.

Vì học kém, kết quả suy giảm, bố mẹ lại không tiếc lời mắng mỏ nên cháu bé càng tỏ ra chán nản, bất cần, tiếp tục chơi game như một cách để giải tỏa. Càng chơi, lại càng lún sâu vào thế giới ảo, cháu bé bỏ bê học hành.

Cho rằng con hư đốn, bố mẹ hết mắng phạt, lại dọa nạt. Cháu giận dỗi, chọn cái chết cho mình bằng cách cắt cổ tay tự tử. Rất may, bố mẹ cháu phát hiện, kịp thời cấp cứu.

Tuy nhiên, thay vì quan tâm hỏi han con hơn, thì bố mẹ cậu bé đã không tiếc lời mắng mỏ, kết tội cháu sau đó. Bế tắc vì không tìm được sự cảm thông, xoa dịu từ gia đình, cậu bé càng nung nấu ý định tự tử bằng được. Tiếp đó, cháu bé tích trữ thuốc ngủ để “chết lần hai” thì lại bị bố mẹ phát hiện…

Theo TS Kim Quý, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên, trong đó gia đình và nhà trường phải chịu trách nhiệm nhiều nhất: Nhiều bậc cha mẹ cha mẹ mải kiếm ăn, buông lỏng quản lý con nhưng lại đặt áp lực quá lớn lên con trẻ.

Còn nhà trường của chúng ta hiện nay thì chỉ lo nhồi nhét kiến thức sách vở “quên” dạy kỹ năng sống, dạy cách làm người cho trẻ, khiến trẻ chông chênh trong cuộc sống. Thầy cô vẫn còn xa lạ, khô cứng không gần gũi với học sinh. Về các tổ chức đoàn đội trong nhà trường, chưa tạo điều kiện để trẻ được hoạt động vui chơi để xả bớt những áp lực, bức xúc trong lòng...

Đừng chỉ nhìn ở hành vi cuối cùng!

Bà Trần Hồng Điệp, Giám đốc điều hành Trung tâm Phòng chống Khủng hoảng tâm lý PCP, trung tâm phòng chống tự tử đầu tiên ở Việt Nam, cho biết nguyên nhân dẫn đến các vụ tự tử không dừng lại ở những sự việc nhỏ nhặt như thế mà nó là cả một quá trình trẻ bị áp lực tâm lý lâu dài.

Bà Điệp nói: “Tự tử vì yêu, vì bị thầy mắng, vì bị bạn bè trêu, tự tử theo thần tượng. Nếu ta chỉ nhìn sự vụ ấy ở đúng cái hành vi cuối cùng thì thực ra không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước cũng có sự việc như vậy. Tuy nhiên khi chúng ta đưa ra kết luận nguyên nhân của vụ tự tử là bị thầy mắng hay áp lực học hành thì thực ra chúng ta đang cắt vụ việc ấy ở mỗi cái hành vi trước khi xảy ra vụ việc thôi. Nó chỉ là một lát cắt, một giọt nước làm tràn ly.

Với người có ý định tự tử thì cái ý định ấy đã được nuôi dưỡng rất là lâu, sau đó thêm 1 sự kiện, nó gọi là các cú hích thì dẫn người ta đến hành vi tự tử. Tại sao chúng ta không nhìn rộng ra là có rất nhiều vấn đề, có thể một thời gian dài các em chịu áp lực, cảm thấy cô độc, cảm thấy bị xao nhãng, cảm thấy không được chia sẻ với người khác. Có thể các em đã hình thành ý định tự tử nhưng không ai để ý, không có người chia sẻ”.

Theo bà Điệp, có ba nhóm nguyên nhân chính dẫn đến hành vi tự tử. Nhóm 1 - yếu tố thuộc về cá nhân: cá nhân thiếu kỹ năng ứng phó với thảm họa, khó khăn trong cuộc sống, người ít nói, ít chia sẻ chuyện riêng với người khác, bản thân mắc bệnh mãn tính, nghiện rượu, ma túy, kích thích cũng là nguy cơ.

Nhóm 2 - môi trường gia đình: gia đình ly tán, thiếu hụt một bên bố hoặc mẹ là nguy cơ cao, người chứng kiến người thân của mình mất, mất bị bệnh hoặc mất vì tự tử, vấn đề kinh tế gia đình, cách các thành viên trong gia đình tương tác với nhau.

Nhóm 3 - môi trường xã hội: xã hội có các dịch vụ hỗ trợ về tâm lý không, có các dịch vụ hỗ trợ về phòng chống ý định tử tự không. Nhóm đối tượng di cư từ nông thôn lên thành thị cũng là nhóm có nguy cơ cao vì sự thay đổi về môi trường sống, hội nhập, hòa nhập với cộng đồng mới họ cảm thấy bị cô lập, buồn chán và xuất hiện ý định tự tử.

"Thêm nữa có rất nhiều trường hợp tự tử liên quan đến bệnh lý về tâm thần. Trước đây chúng ta nghĩ người tâm thần là người điên, người xé quần xé áo chạy rông ngoài đường. Nhưng thật ra khái niệm về tâm thần rất là rộng, ví dụ như trầm cảm cũng là một dạng của tâm thần. Người trầm cảm vẫn sinh hoạt ăn uống học hành bình thường, nhưng người ấy mắc bệnh trầm cảm kéo dài không được điều trị thì rất dễ dẫn đến hành vi tự tử.

Bà Điệp cũng cho biết, với vai trò của truyền thông, thay vì giật tít theo lỗi riêng của cá nhân như tự tử vì yêu, tự tử vì thầy mắng cần khơi lên được trách nhiệm của cộng đồng. "Khi chúng ta nhìn nguyên nhân ở các cấp độ thì chúng ta sẽ thấy là gia đình, xã hội, cộng đồng có trách nhiệm, và có khả năng giúp người đó", bà Điệp nói.

  • Quỳnh Anh - La Hoàn