- Đám cưới không có lối đưa đón dâu, đám ma không có đường đưa xác, cáng cứu thương không thể vào đưa người ốm đau đi viện... đó là tình cảnh chung của người dân sống trong những con ngõ nhỏ, sâu hun hút ở phố cổ Hà Nội.

Phố cổ nổi tiếng là nơi phồn hoa, đô hội nhất Hà Nội. Nhưng đằng sau những cửa hiệu, những gian hàng lộng lẫy sắc màu là cuộc sống chật chội, bí bách. Ở trong nhà phải bật điện cả ngày, đi lại khép nép, đi vệ sinh phải xếp hàng, có tiền không dám sắm đồ, từ đám cưới đến đám ma đều phải nhờ nhà người khác, cuộc sống ở những con ngõ nhỏ, nhà chật là như thế!

Có tiền cũng không dám sắm đồ

Nhà nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở phố Đồng Xuân, vừa tối vừa sâu hun hút, mỗi lần đi đâu xa mà không có chồng ở nhà là chị Nguyễn Thị Thanh lại phải gọi xe ôm vì không dắt được xe máy ra khỏi ngõ.

Chị Thanh bảo, ngõ nhỏ, vừa sâu vừa tối nên chuyện mang xe máy vào nhà là cả một cực hình. Lúc đầu chị cũng nghĩ đến chuyện mang xe ra ngoài gửi cho tiện nhưng xót tiền gửi xe nên lại bảo chồng cố gắng xoay xở. Lúc nào cần kíp lắm mới mang xe ra.

"Từ khi con bé lên cấp hai, đi học xa nên mới phải mua xe máy để đưa đón cho tiện chứ bình thường hai vợ chồng bán hàng ngay chợ Đồng Xuân, chả cần đến xe cộ làm gì. Ngõ nhỏ ngại nhất là cái khoản dắt xe ra vào, có khi vứt chỏng chơ trong ngõ cũng chả có tên trộm nào thèm lấy ấy chứ.

Ngõ nhỏ, chật hẹp, ngại nhất là cái khoản dắt xe ra vào nhà.

Ngõ nhỏ nhà chật bất tiện lắm. Không có tiền thì không nói, có tiền mà muốn sắm đồ gì cũng phải cân nhắc xem có mang lọt được cái ngõ hay không. Bàn ghế giường tủ thì còn tháo ra rồi lắp vào được chứ tivi, tủ lạnh thì chịu. Mùa hè năm ngoái nóng quá muốn mua cái tủ lạnh mà nghĩ nhà chật, rồi ngõ nhỏ khó mang vào rồi lại thôi", chị Thanh nói.

Chị Thanh bảo, vừa ngại nhà chật chội, vừa lo ngõ nhỏ chẳng có chỗ để xe nên nhà chị chẳng bao giờ dám mời khách đến nhà chơi.

"Chuyện đi đứng là một đằng. Chuyện đi vệ sinh cũng khó. Ba nhà chung nhau một cái nhà vệ sinh, buổi sáng là cứ phải xếp hàng gõ cửa "sắp xong chưa". Có khách đến nhà chơi sợ nhất là khoản này. Vừa sợ ngồi bệt người ta không quen, vừa sợ bốc mùi", chị Thanh nói thêm.

Còn vợ chồng anh Xuân - chị Xuyến sống trong ngõ 44 Hàng Buồm không dám sinh thêm con mặc dù con trai lớn đã học lớp 9 vì sợ không có nơi ở.

Ngôi nhà anh chị ở là một cái gác rộng chưa đầy 6m2, chiều cao chưa đầy 1m. Trong nhà, ngoài một số vật dụng thiết yếu như tivi, quạt, nồi cơm điện, gia đình anh chị không dám sắm thêm bất cứ thứ gì vì không có chỗ để.

Ra khỏi ngõ mới được phép... chết

Được mệnh danh là con ngõ nhỏ nhất Hà Nội với chiều rộng chưa đến 60 cm, ngõ 14 Ngõ Gạch là nơi sinh hoạt của hàng chục con người. Không chỉ ẩm thấp, chật chội mà người dân ở đây còn chịu nhiều cảnh sinh hoạt tréo ngoe đến khó tin.

Ngõ nhỏ, đến người béo còn phải đi nghiêng nên chuyện cưới xin, rước dâu ở con ngõ này cũng thật lắm gian nan. Hầu hết mọi người đều chọn cách thuê địa điểm ngoài để tổ chức. Có làm cũng chỉ là mâm cơm cúng trên bàn thờ.

Nhiều người chịu cảnh ở nhà chật ngõ nhỏ vì tiện đường làm ăn.
Cưới xin không được tổ chức ở trong nhà đã đành, đến khi gần đất xa trời cũng phải ra ngoài ngõ để chết. Cụ Ân, một người sống trong ngõ này cho biết, tất cả những người sống trong ngõ này đều phải ra ngoài chết vì ngõ nhỏ quan tài mang không lọt.

Gia đình nào trong ngõ có người ốm đau, bệnh tật có nguy cơ không qua khỏi là gia đình phải mang người ốm đến nhà tang lễ Phùng Hưng để chuẩn bị hậu sự. Ai mà đột ngột qua đời tại nhà thì phải cõng xác ra nhà tang lễ mới cho vào quan tài được.

Thế nên cụ Ân mới nói đùa rằng, sống ở cái ngõ này, muốn chết cũng phải ra khỏi nhà, ra khỏi ngõ mới được phép chết.

Hầu hết người sống trong nhà hẹp ngõ nhỏ đều là dân buôn bán, cả ngày ở ngoài đường chỉ đến đêm mới về nhà nghỉ ngơi nên họ vẫn chịu ở cạnh nhà chật vì tiện đường làm ăn.

La Hoàn