Có những nghề khiến nhiều người khó chấp nhận như mại dâm, sư giả, ăn mày... lại có mức thu nhập khủng khiến nhiều người không ngờ tới.

TIN BÀI KHÁC

Choáng với thu nhập của gái mại dâm


Kết quả khảo sát về tình hình mại dâm ở Việt Nam do Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB-XH công bố mới đây khiến nhiều người choáng vì thu nhập khủng từ hoạt động mại dâm. Theo đó, thu nhập trung bình từ hoạt động mại dâm là 8,6 triệu đồng/tháng. Trong đó, nam giới là 6,55 triệu đồng/tháng; gái mại dâm có thu nhập cao hơn nhiều, đạt 10,6 triệu đồng/tháng. Mức này cao hơn thu nhập trung bình của dân cư ở Việt Nam khoảng 2,5 lần, cao hơn thu nhập trung bình của nhóm 20% người có thu nhập cao nhất. Đặc biệt, có khoảng 5% có thu nhập từ hoạt động mại dâm khoảng 20 triệu đồng trở lên.

Nghiên cứu được thực hiện tại 3 địa phương là Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM, trên 388 đối tượng hành nghề mại dâm (189 nam và 199 nữ). Khi được hỏi nguyên nhân bước vào hoạt động mại dâm, hơn một nửa số người (53,3%) trả lời rằng vì đó là nghề có thu nhập cao, trong khi bản thân họ lười lao động, lại thích hưởng thụ.

Choáng với thu nhập của gái mại dâm (Ảnh minh họa)

Một nửa số người hành nghề mại dâm cho biết họ nhận thức được tác hại của công việc mình làm. Song, khi được hỏi về dự định lâu dài trong khoảng 3 năm, tỷ lệ người mại dâm vẫn muốn tiếp tục công việc là 34,9%. Bởi theo họ, đây là “nghề” ổn định, thu nhập cao nên họ không muốn bỏ.

Theo đánh giá, thu nhập cao có thể là một trong những nguyên nhân khiến tệ nạn mại dâm ngày càng phát triển và biến tướng tinh vi, phức tạp. Cả nước hiện có hơn 73.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” với trên 48.000 nữ nhân viên phục vụ, trong đó có 2.788 cơ sở và 3.212 nữ nhân viên nghi hoạt động mại dâm. Dịch vụ mại dâm dành cho người già hiện cũng “nở rộ".

Việc điều hành các hoạt động mại dâm đã được “công nghệ hóa” qua các phương tiện thông tin hiện đại như: điện thoại di động, internet. Hình thức ký hợp đồng lao động trá hình cũng là chiêu thức che giấu hoạt động mại dâm hiệu quả.

Ăn xin kiếm bạc triệu mỗi ngày


Ăn xin là một nghề được coi là "dưới đáy" của xã hội. Nhưng thật khó tin, cái nghề "mạt hạng" này có thể mang lại cho nhiều người mức thu nhập khủng mà nghe ra không ít người phải sốc. Chuyện ăn xin kiếm được tiền triệu/ngày không còn là chuyện hiếm ở những đền, chùa nổi tiếng ở các thành phố lớn.

Vào mùa lễ hội, thu nhập của các "cái bang" ở những nơi này có thể lên đến mức 1-2 triệu đồng/ngày. Thậm chí, thu nhập trung bình của một người ăn xin tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) có thể lên tới 4,5 triệu đồng/ngày. Đây quả là một con số đáng mơ ước đối với nhiều người dân Việt Nam hiện nay.

Nhiều người ăn xin kiếm được bạc triệu mỗi ngày (Ảnh: VietNamNet)

Nhờ nghề này mà không ít người ở Bái Đính "giàu" lên. Sau một thời gian hành nghề, nhiều người đã có nhà cao, cửa rộng, xe ôtô riêng, nuôi con học Đại học... Cũng chính vì thu nhập cao mà nó trở thành nghề cha truyền con nối ở một số gia đình. Có gia đình đã bỏ hẳn nghề làm nông để chuyển sang chuyên tâm với cái nghề "ngả mũ" này.

Điều đáng nói, ăn mày ở đây có ăn mày giả và ăn mày thật. Ăn mày thật là những người già, người khuyết tật thực sự. Còn ăn mày giả là những người còn lành lặn nhưng giả dạng khổ sở để xin tiền quan khách.

Dân "cái bang" cũng có trăm phương nghìn kế, diễn đủ các chiêu trò để xin được tiền. "Chiêu" phổ biến là ăn mặc rách rưới, lăn lê bò toài trên mặt đất, hoặc trưng ra những chỗ què, cụt của mình cho mọi người thấy với mục đích đánh vào lòng hảo tâm, trắc ẩn của du khách để xin được càng nhiều tiền càng tốt. Một "chiêu" khác là đeo bám các khách du lịch. Họ sẽ níu áo, kéo tay, chạy theo cầu xin một cách khá quyết liệt. Nếu không được bố thí, các "cái bang" nãy sẵn sàng buông ra những lời nói không mấy lọt tai với du khách. Do đó, nhiều du khách vì không muốn bị làm phiền đã miễn cưỡng cho tiền...

Để có được mức thu nhập khủng, trong quá trình "hoạt động", những "cái bang" tại khu vực đền, chùa cũng phải tuân theo những nguyên tắc, ăn chia riêng. Nếu không tuân theo những quy tắc đó thì dù có là ăn mày thật hay giả cũng đều phải "giải nghệ" sớm. Đáng lên án là hiện tượng những tên "cò ăn mày" chuyên đi chăn dắt những người già, trẻ nhỏ, biến họ thành những người ăn xin để bóc lột sức lao động của họ.

Giả làm sư để kiếm tiền

Thời gian trước, dư luận xôn xao về chuyện "sư giả" ở Bắc Ninh. Thủ phủ của nghề "sư giả" ở Bắc Ninh là làng Vũ Dương, xã Bồng Lai, huyện Quế Võ. Không ai biết cái “nghề” này xuất hiện ở đây từ bao giờ. Chỉ biết rằng, một số phụ nữ trong làng lấy chồng ở Miền Nam khi về thăm quê mang theo cả nghề này về. Lúc đầu, những người "đi sư" còn thấy xấu hổ. Trước khi "đi làm", họ vẫn mặc bình thường, chỉ khi đến điểm hành nghề họ mới "lột xác" để khoác lên mình áo quần nhà chùa bắt đầu quá trình "khất thực". Lâu dần, họ chẳng còn cảm thấy ngại ngần nữa. Họ ăn mặc chỉnh tề ngay từ nhà, ung dung mang túi rồi đi hành nghề công khai, đông vui như đi hội.

Ở làng này, có đầy đủ các loại sư, từ sư trẻ đến sư già; sư nam đến sư nữ. Những nhà "sư" ở Vũ Dương vào "nghề" một cách khá chuyên nghiệp. Họ làm một chiếc thẻ giả đeo trước ngực, do một ngôi chùa có tiếng nào đó cấp. Họ cũng mặc áo quần nhà chùa, trai cũng cạo đầu trọc, nữ chít khăn... Những người này chủ yếu đi bán hương với giá cao, xin tiền ủng hộ xây dựng chùa để lừa đảo. Bên cạnh đó, để dễ bề hành nghề, họ cũng "học thêm" ít kiến thức về Phật pháp hoặc bói toán.

Vì thu nhập khủng mà nhiều người sẵn sàng làm "sư giả" (Ảnh: Bee.net.vn)

Hàng ngày, họ tung hoành khắp các miền quê như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình... Thậm chí, ở đây, có hẳn một đội quân xe ôm chuyên đi phục vụ các "sư" giả này. Sáng sáng, họ đến nhà thân chủ đón từ rất sớm, chiều đưa về. Tính ra mỗi ngày, cánh xe ôm cũng bỏ túi cả trăm nghìn đồng. Một số "sư" đi làm ăn lớn hơn thì đi từ đầu tuần đến cuối tuần mới về một lần. Cuối tuần, họ bắt xe ô tô, xách va li như những cán bộ đi xa về thăm nhà.

Nhờ cái nghề "đi sư", làng Vũ Dương đã trở nên giàu có, nhà cao tầng mọc lên san sát chẳng khác gì ở một thị trấn. Nhiều người nhờ "đi sư" mà xây được nhà, mua xe máy xịn, ô tô riêng. Một số người còn có tiền tỷ, xây cả biệt thự...

Song, cái gì cũng có giá của nó. Nghề "sư giả" đã giúp cho một số gia đình ở Quế Võ... thoát nghèo. Nhưng không phải cứ ai "đi sư" là lừa được tiền thiên hạ. Nó cũng khiến cho nhiều người sa vào vòng lao lý.

Vài năm trở lại đây, liên tiếp nhiều vụ đóng giả nhà sư ở đây đã bị phát hiện. Nhiều người đã bị bắt và bị xử phạt hành chính, phạt tù. Những vụ việc trên là lời cảnh tỉnh cho những ai muốn kiếm được nhiều tiền từ cái nghề thất đức ấy.

Thu An
(Tổng hợp)