- Họ là những người phụ nữ, vì cuộc đời bất hạnh mà trôi dạt về đây để mưu sinh bằng những công việc khổ cực, không những thế, họ còn là nạn nhân của những trận đòi roi, của những sự lăng mạ, khinh rẻ, và coi thường...

Những mảnh đời trôi dạt

Tại chợ đầu mối Long Biên, mỗi khi màn đêm buông xuống, cảnh những người phụ nữ oằn lưng ra để đẩy hàng, gánh hàng hay bốc vác thuê... đã trở nên quá quen thuộc với bất cứ ai đã từng đến đây. Thế nhưng, ít ai biết rằng, đằng sau cái dáng liêu xiêu của những người phụ nữ bé nhỏ ấy còn là những câu chuyện đầy nước mắt, những mảnh đời đầy éo le và bất hạnh...

Họ là những người phụ nữ đến từ những miền quê khác nhau, những hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng dạt theo dòng đời đến sinh sống tại bãi Phúc Xá ven sông Hồng (Hà Nội) và mưu sinh tại khu vực chợ Long Biên.


Trong số những người phụ nữ ấy, có những người, vì cuộc sống quá khó khăn mà tự tìm đến đây, nhưng cũng có những người phải ở lại đây như là cái duyên trời định như trong câu chuyện của N.T.L (Phú Thọ).

“Nhà tôi trọng nam khinh nữ, nên khi còn nhỏ, dù có 7 em trai nhưng gia đình cứ bắt tôi lội xuống sông lấy rau cho lợn ăn. Một lần, trời mưa phùn, vì sợ đỉa, không lấy được rau nên về nhà, tôi bị ăn đòn đến gẫy cả xương bánh chè, nhưng chẳng ai cho tôi đi viện mà đẩy xuống thuyền cho trôi đi. Khi ấy, tôi mới 13 tuổi. Tôi dạt một mạch từ Phú Thọ về đến Hà Nội. Sau đó, tôi làm đủ nghề kiếm sống qua ngày".

Cũng là một số phận éo le, bị dòng đời xô đẩy, và trôi dạt về đây kiếm sống, nhưng câu chuyện của chị KTV (Phú Xuyên) - làm nghề gánh thuê tại khu vực chợ đầu mối Long Biên thì lại thê thảm hơn.

Cuộc sống khó khăn, chồng lại cờ bạc, gái gú, nên 2 vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn. Mỗi lần cãi nhau là bấy nhiêu lần chị bị chồng tát, rồi lấy dép cao su đánh vào đầu, vào mặt gây thương tích. Không dừng lại ở đó, trong khoảng thời gian chị rời quê lên Hà Nội kiếm sống, chị còn bị chồng đón mất đứa con gái đã được tòa ly hôn giải quyết cho chị nuôi.

Những trận đòn vô cớ

Bất hạnh là vậy, khổ cực là vậy, nhưng dường như, những bất công trong cuộc sống vẫn cứ đeo đẳng, bám riết lấy những người phụ nữ này. Không ít lần, họ bỗng dưng trở thành nạn nhân của những trận đòn vô cớ, bị đánh đập đến chảy cả máu mắt, máu mũi, chỉ vì cái sự không thuận mua vừa bán như trong câu chuyện của người phụ nữ chuyên làm nghề thu mua phế liệu có tên T.T.H (Thái Bình).

“Tháng 10 vừa rồi, tôi đi qua chợ Long Biên, có người một người gọi để bán bếp dầu cũ. Ông ta đòi bán giá bếp, nhưng tôi bảo chỉ mua với giá sắt vụn. Thế là ông ta xông vào đánh tôi chảy máu mắt, máu mũi. Tôi chẳng biết làm gì, chỉ biết chạy đi thật nhanh khỏi chỗ đó".

Không những thế, những trận đòn còn tiếp tục giáng xuống đầu những người phụ nữ xấu số này ngay khi họ chỉ muốn làm một người tốt:

“Có lần đang kéo xe, nhìn thấy người chở hàng bị đứt dây chun, nhưng không biết đó là do bọn trộm cắt để lấy hàng, nên tôi gọi để họ biết mà chằng lại hàng thì bị một bà xông ra đấm 2 cái vào mặt đau điếng mất mấy ngày” - P.T.X (Vĩnh Phúc) – làm nghề đẩy xe kể lại.

...và một “Đêm sáng” giữa lòng Thủ đô

Trên đây chỉ là một vài trong số muôn vàn những bất hạnh mà những người phụ nữ nhập cư này đã phải trải qua. Tuy nhiên, họ không vì thế mà mất đi niềm tin vào cuộc sống. Những con người ấy vẫn luôn mơ ước và tràn đầy khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Với sự chung tay, giúp đỡ nhiệt tình của cộng đồng nơi cư trú, và các tổ chức xã hội trong và ngoài nước, những người nhập cư đã dần tự tin hơn, có thêm hiểu biết và kỹ năng ứng phó với vấn đề bạo lực trong gia đình, ngoài xã hội.

Đây cũng chính là giá trị nhân văn từ thông điệp của triển lãm mang tên “Đêm sáng” đang được diễn ra tại bảo tàng phụ nữ Hà Nội.

Những tác phẩm trưng bày tại triển lãm chính là những lời tự sự, những hình ảnh chân thực về những mảnh đời bị số phận xô đẩy, phải di cư ra Hà Nội mưu sinh bằng đủ mọi công việc vất vả.

Vũ Lụa