- Trao đổi với VietNamNet bên lề hội nghị tập huấn về bầu cử, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội Nguyễn Xuân Điệp khẳng định, “cánh cửa tự ứng cử mở rộng với mọi người dân”.

Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội hôm nay (18/2) đã tổ chức tập huấn về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu QH và HĐND nhiệm kỳ mới.

Không phân biệt đối xử

Như phản ánh của lãnh đạo thành phố tại hội nghị toàn quốc về công tác bầu cử đầu tháng qua, thì các thành phố lớn, đặc biệt TP.HCM và Hà Nội luôn có số người tự ứng cử ĐBQH cao nhất cả nước.

  Ông Nguyễn Xuân Điệp: Quy trình làm việc với người tự ứng cử và người được cơ quan giới thiệu phải công bằng, dân chủ. Ảnh: Lê Nhung
Ông Nguyễn Xuân Điệp cũng chia sẻ, trước hội nghị, nhiều quận huyện cũng đã phải “a lô” cho Mặt trận để hỏi cách thức triển khai công việc với những người tự ứng cử.

Tự ứng cử là quyền tự do công dân của mỗi người. Vai trò của MTTQ các cấp là vận động, tuyên truyền để người dân phát huy trách nhiệm và nhiệt tình tham gia tự ứng cử”, ông Điệp nói trước hội nghị.

Theo ông các khâu lấy ý kiến cử tri nơi sinh sống cũng như lấy ý kiến nơi làm việc sẽ được làm nhanh chóng. Bởi lẽ, khi nộp hồ sơ tự ứng cử, họ đã là những ứng viên nhiệt tình và rất tích cực.

Tại hội nghị, đại diện MTTQ các cấp quận, huyện cũng nêu nhiều phân vân.

Có đại biểu hỏi: “Trong quy trình, sẽ có một khâu là lấy phiếu tín nhiệm cử tri nơi cư trú. Nhưng sẽ phải làm thế nào trong trường hợp các ứng viên ứng cử tự do thao túng hết các cử tri nơi cư trú, dẫn đến kết quả không thực sự minh bạch”… Rồi, các ứng viên tự ứng cử sẽ có nhiều cách thức để vận động cử tri rất khác so với các ứng viên được giới thiệu.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Điệp, các quy trình làm việc với người tự ứng cử và người được cơ quan, đoàn thể giới thiệu phải công bằng, dân chủ, theo đúng pháp luật, không nên có sự phân biệt đối xử.

“Phát huy dân chủ, để cho cánh cửa tự ứng cử mở rộng ra với mọi người dân. Số người tự ứng cử bao nhiêu còn phụ thuộc vào quá trình thực tế tiến hành”, ông Điệp nhấn mạnh thêm.

Cũng theo quy định, những người tự ứng cử ĐBQH mà có lý do chính đáng không đến dự hội nghị được thì ủy quyền cho người đại diện đến dự.

Khi đó, người được ủy quyền sẽ báo cáo các nội dung liên quan về người tự ứng cử. Không được lợi dụng diễn đàn để tuyên truyền các nội dung trái với chính sách, pháp luật của nhà nước hoặc tuyên truyền cho lợi ích cá nhân của người đã ủy quyền.

Cung cấp mọi thông tin về ứng viên

Nhiều vướng mắc cụ thể, chi tiết liên quan đến công tác bầu cử đã được trao đổi,,giải đáp trong hội nghị như cách tổ chức lấy ý kiến ở những nơi đông dân, cơ chế tài chính…

Trao đổi nhiều vướng mắc trong công tác bầu cử. Ảnh: Lê Nhung
Phó Chủ tịch MTTQ TP Nguyễn Xuân Điệp cho rằng, quy trình hiệp thương, việc lấy ý kiến cử tri phải được làm thực chất, tránh qua loa, hình thức.

Theo ông, việc lấy ý kiến của cử tri nơi công tác là để phát huy quyền làm chủ của người dân, giúp cơ quan bầu cử lựa chọn để giới thiệu người xứng đáng bầu vào các cơ quan dân cử. Với tầm quan trọng như vậy nên việc tổ chức hội nghị cử tri phải đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng pháp luật, chu đáo và nghiêm túc.

Ông Điệp khẳng định, những người phụ trách công tác bầu cử phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ mọi thông tin về ứng viên để người dân hiểu, từ đó sáng suốt lựa chọn, tìm ra người xứng đáng nhất. Việc lựa chọn phải đảm bảo đúng cơ cấu đại diện, song quan trọng hơn cả là phải dựa trên các tiêu chuẩn để lựa chọn tìm ra những người xứng đáng nhất.

Việc cung cấp thông tin về ứng viên cũng nhằm hạn chế tình trạng ứng viên do ít sinh hoạt chung trong tổ dân phố nên chưa được cử tri biết đến rộng rãi.

Diễn ra vào ngày 22/5/2011, cuộc bầu cử lần này có quy mô lớn nhất, do kết hợp cả bầu cử đại biểu QH và HĐND.

Theo quy trình, từ ngày 4/3, các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ra ứng cử ĐBQH. 17h ngày 18/3 là hạn chót để các ứng viên nộp hồ sơ.

  • Lê Nhung