Cơ chế đặc biệt nào để xử lý những vụ án oan sai là vấn đề mà các ĐBQH tập trung thảo luận trong phiên họp sáng nay (25/11) về dự án Luật Tố tụng dân sự.

Ngay Chánh án Toà án nhân dân tối cao Trương Hoà Bình cũng khẳng định, nếu cứ để thực trạng hiện nay thì không bảo vệ được quyền công dân. Do đó phải có cơ chế sửa sai của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

ĐB Nguyễn Đăng Trừng. Ảnh LAD
Nhiều vụ án, mặc dù Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử rồi, nhưng dư luận không đồng tình, các cơ quan giám sát, các cơ quan có trách nhiệm, công dân nói đều "kêu" oan. Bản thân Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng thừa nhận đó là oan, sai. Vì vậy, đến lúc phải có cơ chế đặc biệt sửa sai.

Ông Trương Hoà Bình cho hay, có 4 chủ thể được quyền yêu cầu kiến nghị xem xét các bản án oan sai là Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị với Chánh án, Viện trưởng đề nghị Chánh án, Chánh án tự mình nếu thấy sai đề nghị với hội đồng.
Theo ĐB Phan Trung Lý (Nghệ An) trong tố tụng và công lý phải có điểm dừng.

"Còn nếu như chúng ta không có điểm dừng, không qui định điểm dừng cụ thể này thì sẽ mất lòng tin của nhân dân, lòng tin của xã hội đối với bản án quyết định của tòa án đối với công lý, đối với ngành tư pháp nói chung".

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng phân tích, lâu nay vẫn tồn tại 2 quan điểm: Một là việc đến đâu cũng phải dừng chứ không thể kéo dài mãi, cho nên đến Hội đồng thẩm phán là phải kết thúc dù việc đó là sai. Quan điểm thứ hai là đã có sai là phải có sửa.

"Trong chế độ chúng ta không thể thấy việc rõ ràng sai, thiệt hại cho công dân mà lại bảo đến đó là dừng. Lần này chúng ta quyết định chấp nhận quan điểm thứ hai tức là có sai thì phải sửa, cho nên dù đó là quyết định của Hội đồng thẩm phán, nhưng nếu sai thì phải sửa. Nhiều năm nghiên cứu, lần này chúng ta quyết định tìm ra cơ chế này là hợp lý", ông Vượng nói.
Tuy nhiên, Luật nên thiết kế "chặt" hơn theo hướng, chỉ có trường hợp Ủy ban Thường vụ QH hoặc Ủy ban tư pháp giám sát thấy có vấn đề sai thì lúc đó mới tiến hành việc Tòa án nhân dân tối cao sẽ xem xét lại.

Theo ĐB Trần Đình Nhã (Bà Rịa - Vũng Tàu), vì đây là cơ chế đặc biệt nên rất hạn chế những người có quyền yêu cầu kiến nghị.

Ông Nhã cho hay, không nên mở rộng thành 4 nguồn, tức là không nên mở rộng cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nữa, như vậy tôi nghĩ là tràn lan làm khổ cho những người này, bởi vì khi có thông tin này rồi thì rất nhiều bản án Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì chắc sẽ được khiếu nại bằng nhiều nguồn khác nhau, gây ra tình trạng lộn xộn.

Nên chăng, bản án chỉ xem xét lại trong trường hợp có đề nghị theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội và theo kiến nghị của Ủy ban tư pháp.

Dự án luật sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh, tiếp thu và thông qua vào kỳ họp QH năm sau.

  • Ngọc Lê