Một quan chức Mỹ tuyên bố, nước này sẵn lòng giúp Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác tăng cường khả năng để bảo vệ lãnh thổ của họ.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell. Ảnh: forbes
Một đoàn đại biểu Mỹ do trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell, quan chức hàng đầu phụ trách vấn đề châu Á dẫn đầu đã thoả thuận với Philippines việc xây dựng các nhóm làm việc để nghiên cứu những biện pháp khả thi gia tăng hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ lãnh thổ và an ninh hàng hải.

Động thái trên nằm trong các nỗ lực của Mỹ nhằm xác nhận lại vai trò vượt trội ở châu Á, nơi Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc. Trung Quốc năm qua đã đưa ra tuyên bố cứng rắn về chủ quyền Biển Đông và đụng chạm tới một số quốc gia Đông Nam Á khác.

Ông Campbell nhấn mạnh, Mỹ có kế hoạch thảo luận hợp tác lớn hơn với các nước Đông Nam Á.

Ở một tin tức khác, Lầu Năm Góc cho hay, Mỹ đang xem xét việc củng cố sự hiện diện quân sự tại Đông Á để đối mặt với những hành động gây hấn khác có thể xảy ra từ Triều Tiên hoặc bất kỳ đối thủ nào trên cơ sở dài hạn.

Chúng tôi có 28.500 quân trên bán đảo Bình Nhưỡng”, người phát ngôn Geoff Morrell nói với báo giới. “Tôi nghĩ là chúng tôi có 50.000 quân ở Nhật Bản. Nên chúng tôi có những tài sản đáng kể ở đó. Về mặt bố trí lực lượng dài hạn ở Thái Bình Dương, chúng tôi đang tìm cách thậm chí là tăng cường nó, không cần thiết là ở Triều Tiên hay Nhật Bản, mà là dọc vành đai Thái Bình Dương, đặc biệt ở Đông Nam Á”.

Morrell trả lời câu hỏi về thông tin rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Washington rằng, Mỹ có thể phải sắp xếp và tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Bắc Á trừ phi Bắc Kinh gia tăng áp lực với Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như các hoạt động quân sự khác.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng nhấn mạnh rằng, vũ khí tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên sẽ là mối đe dọa với Mỹ trong vòng năm năm tới. Trong cuộc họp báo, người phát ngôn Lầu Năm Góc đã nhắc lại chủ đề này.

“Đó là mối quan ngại thực sự với chúng tôi”, Morrell nói. “Nó giải thích vì sao chúng tôi làm việc với Trung Quốc, với Nhật Bản và những quốc gia khác để khẳng định với Triều Tiên rằng, chúng tôi sẽ ngăn chặn sự gây hấn của họ và họ sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng nếu theo đuổi vũ khí hạt nhân”.

Trong Thông điệp Liên bang đưa ra hôm thứ Ba, Tổng thống Mỹ đã thúc giục Bình Nhưỡng tuân thủ cam kết giải trừ hạt nhân. “Trên bán đảo Triều Tiên, chúng ta đứng bên cạnh đồng minh Hàn Quốc và khẳng định rằng, Triều Tiên cần giữ cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân”, ông Obama nhấn mạnh.

Suốt năm 2010, Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều căng thẳng quân sự. Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành tập trận chung ở Hoàng Hải và Bắc Kinh đã phản đối mạnh mẽ việc Washington đưa tàu sân bay tới vùng biển này. Mỹ cũng cam kết bảo vệ quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông theo thoả thuận với đồng minh Nhật Bản. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo này mà họ gọi là Điếu Ngư. Vào tháng 9, quan hệ Bắc Kinh với Tokyo trở nên căng thẳng sau vụ va chạm giữa một tàu cá Trung Quốc và hai tàu tuần tra Nhật Bản ở gần quần đảo tranh chấp.

Quan hệ Trung - Mỹ bắt đầu trắc trở sau quyết định của Washington trong việc bán vũ khí trị giá hơn 6 tỉ USD cho Đài Loan. Đặc biệt, tại Diễn đàn Khu vực ASEAN tổ chức ở Hà Nội vào tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tập trung vào vấn đề tranh chấp hàng hải và khẳng định Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Trước đó, Bắc Kinh không ngại ngần tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ.

  • Thái An (Theo AP, Yonhap)