- Có lẽ mong muốn lớn nhất của người dân là cơ chế dân chủ phải bắt đầu ngay từ bầu cử Quốc hội sắp tới.

>> Tân TBT: Kiên định độc lập tự chủ, phát huy dân chủ


Trong diễn văn ra mắt sau khi được bầu làm người đứng đầu Đảng khóa XI, tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã long trọng cam kết trước toàn Đảng, toàn dân “kiên định độc lập dân tộc, phát huy dân chủ”.

Trong cuộc họp báo sau đó, không ít lần, ông Nguyễn Phú Trọng nhắc đến từ dân chủ và nhấn mạnh phải xây dựng cơ chế như thế nào để có dân chủ thực chất chứ không phải là dân chủ hình thức, là “trình diễn cho có dân chủ”.

Điều cốt yếu là làm. Dân chủ đã có nhiều người viết và nói rất hay. Tuy nhiên để đi vào cuộc sống lại không đơn giản. Người dân chỉ mong muốn giản dị là được quyền nói chính kiến của mình, nói đúng nguyện vọng của mình, nói thật thực trạng mình đang chứng kiến, làm những điều gì có lợi cho mình, đồng bào mình, dân tộc mình. Và đó là bản chất nhất của dân chủ. Bác Hồ diễn đạt điều này thật nôm na dễ hiểu “Dân chủ là người dân được quyền mở miệng”.
Cử tri huyện Cái Nước, Cà Mau xem xét kỹ tiểu sử của các ứng cử viên để lựa chọn đúng đắn người có đủ đức, tài bầu vào đại biểu Quốc hội khóa XII. Ảnh: baoanhdatmu
Vấn đề đúng như Tổng bí thư nhấn mạnh chính là xây dựng cơ chế. Chừng nào chưa có cơ chế thì dân chưa dám nói ra những điều mình nghĩ mình tâm huyết, vẫn lo sợ “đấu tranh, tránh đâu”.

Có lẽ mong muốn lớn nhất của người dân là cơ chế dân chủ phải bắt đầu ngay từ bầu cử Quốc hội sắp tới. Chúng ta thường nói bầu cử Quốc hội của ta là dân chủ, mọi người đều có quyền ứng cử, bầu cử song quyền đó thực hành thế nào mới là điều quan trọng.
Quốc hội ta đã có những bước tiến dài trong thực hành dân chủ. Mỗi kỳ đều có những đổi mới phù hợp với nguyện vọng của đông đảo cử tri. Nhiều đại biểu của dân đã thay mặt dân nói lên nguyện vọng chính đáng của mình.
Dân vẫn mong nhiều hợn những tiếng nói như vậy. Và kỳ bầu cử Quốc hội tới là kỳ thể hiện được mong mỏi này của người dân cũng như chỉ đạo của tân Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội.

Bầu cử Quốc hội làm sao thật sự dân chủ. Nó không chỉ là ước nguyện của cử tri mà còn là thể hiện một tầm cao mới của đất nước. Bởi vì suy cho cùng mỗi bước đi phù hợp với thực tiễn là mỗi bước biết vượt qua chính mình đi về phía tương lai. Chúng ta phải nhìn thấy những hạn chế của những kỳ trước mà vượt lên.

Về vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nhận xét rất sâu sắc: “Tôi đã 75 tuổi rồi, đi bầu cử rất nhiều lần, đã thấy chúng ta bầu Quốc hội như thế nào. Đến ngày bầu cử, chúng ta vào phòng bỏ phiếu; chúng ta được xem một danh sách ứng cử viên; chúng ta cũng đọc lý lịch ông này, bà kia; rồi chúng ta chọn... như thế là dân chủ quá rồi còn gì nữa. Nhưng thực ra đó cũng chưa phải là dân chủ, ở chỗ cái danh sách đó: Ai đưa ra? Đó là Mặt trận Tổ quốc, là Ban bầu cử; Nhưng danh sách đó ở đâu ra?.... Nhiều khi hỏi anh em, anh em cũng giật mình, bản thân mình cũng giật mình, là khi sáng bầu xong, tối vui miệng hỏi nhau bầu cho ai thì không mấy ai còn nhớ”.
Có lẽ cái băn khoăn của nhiều người là: Làm thế nào để cử tri thực sự tìm ra, bầu ra đại biểu để mình xứng đáng chứ không phải có người nào đó làm thay dân, như nguyên Bộ trưởng Tư pháp đã chỉ ra.

Giải pháp thực hiện dân chủ trong bầu cử hay cơ chế thực hành dân chủ trong bầu cử chính là công khai, phải bắt đầu đột phá để từ bỏ những hạn chế, yếu kém nêu trên. Nghĩa là người dân biết thực chất những người mình bỏ phiếu, những người đại diện cho mình chứ không phải đọc được mấy dòng tiểu sử hay thành tích. Tranh cử ở các nước cũng là bài học tốt, vì người đứng ra tranh cử phải có cương lĩnh rõ ràng. Nhiệm kỳ của anh dự định làm được gì, giúp gì cho dân, thực hiện ý nguyện cử tri thế nào…tất cả đều được công khai để người dân giám sát.

Và vai trò của Mặt trận phải là thực chất. Nói như Tổng thư ký Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc VN Vũ Trọng Kim: Nếu Đảng đứng độc lập mà không phát huy được Mặt trận thì không khác gì Đảng bị cô lập, chuyên quyền, độc đoán. Chính vì vậy mà Đảng cần Mặt trận thực sự, chứ Mặt trận không phải là cây cảnh, lúc cần thì trưng lên. Phát huy tốt Mặt trận bao nhiêu thì vai trò của Đảng sẽ lên bấy nhiêu.

Như vậy, bài học công khai không chỉ ở trong bầu cử mà nó là chìa khóa để thực hành dân chủ trong mọi lĩnh vực. Công khai để người dân thấy thực chất tình hình đất nước. Công khai là cầu nối giữa người dân với những người đại diện cho mình, với lãnh đạo. Trong thực tiễn, nếu chúng ta công khai thì sẽ không có những vụ việc lùm xùm tổn thất nặng nề phải giải quyết hậu quả.

Có thể thấy quyết tâm của Đảng về thực hành dân chủ là tín hiệu vui khi đất nước bước vào một thập niên mới, bắt đầu bằng mùa xuân mới. Làn gió dân chủ đã được Đảng đưa lên một tầm mới bắt đầu từ cương lĩnh khi chúng ta đưa mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh dân chủ công bằng văn minh. Và quyết tâm của người đứng đầu Đảng không chỉ được những đảng viên mà toàn xã hội đồng tình. Ý Đảng lòng dân thuận thì như Bác Hồ nói “việc gì cũng xong”.

Nguyễn Đăng Tấn