- Việt Nam phản đối việc một số quan chức Đài Loan đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.

Giàn khoan khủng Trung Quốc đã khoan ở Biển Đông
Giàn khoan Trung Quốc đe dọa an ninh Biển Đông

Tại cuộc họp báo chiều nay (10/5), trước câu hỏi của Thông tấn xã Việt Nam đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc một số quan chức Đài Loan đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định "Việt Nam phản đối việc này".

"Đây là hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông", ông Lương Thanh Nghị nói. "Việt Nam yêu cầu Đài Loan chấm dứt các hoạt động sai trái đó".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị.
Ảnh: Chung Hoàng

Cũng liên quan đến vấn đề chủ quyền trên biển, báo Thanh Niên đề nghị người phát ngôn cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc bản đồ Google Maps thể hiện sai lệch về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ông Lương Thanh Nghị nói: "Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các thông tin không phản ánh đúng điều này là sai trái và vô giá trị. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với các nhà xuất bản, các công ty in ấn, những tài liệu, bản đồ và dữ liệu chính xác về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông".

Người phát ngôn cũng cho biết vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện của Google nêu quan điểm của phía Việt Nam về việc từ khoá trên bản đồ Google Map đã thể hiện sai lệch chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Google đã sửa chữa những lỗi này.

Trước các thông tin gần đây về việc Trung Quốc tuyên bố đẩy mạnh khai thác dầu khí trên Biển Đông và đưa giàn khoan khổng lồ ra khu vực này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay (10/5) khẳng định "Việt Nam rất quan tâm tới thông tin này".

"Chúng tôi cho rằng hoạt động của các nước tại Biển Đông phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, phù hợp với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và không xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia khác, đóng góp cho hoà bình, ổn định của Biển Đông", người phát ngôn Lương Thanh Nghị nhấn mạnh.

Được biết, sáng nay, giàn khoan nước sâu đầu tiên của Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động tại Biển Đông. CNOOC 981, giàn khoan bán chìm thế hệ sáu do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) sở hữu và điều hành, đã bắt đầu hoạt động tại khu vực biển cách Hồng Kông khoảng 320 km về phía đông nam và có độ sâu khoảng 1.500m.

Chung Hoàng