Theo con số mới nhất của một tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới, Nga đã trở thành nước mua sắm vũ khí lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Tổng chi tiêu toàn cầu cho vũ khí đạt hơn 1,7 nghìn tỉ USD.

Ảnh: theriseofrussia

Trong khi phí tổn quân sự năm ngoái giảm ở hầu hết các nước phương Tây, gồm cả Mỹ, vì thâm hụt ngân sách, Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng đáng kể chi tiêu cho vũ khí với hơn 9% và 6% tương ứng trong năm ngoái.

Mỹ tiếp tục là nước chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới với ngân sách quốc phòng 711 tỉ USD năm ngoái và ngay sau họ là Trung Quốc. Nước này vào năm 2011 đã chi xấp xỉ 143 tỉ USD cho lực lượng vũ trang, theo thống kế của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (Sipri). Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự lên 170% về giá trị thực kể từ 2002.

Nga chi gần 72 tỉ USD cho vũ khí trong năm ngoái, vượt qua mức của Anh (62,7 tỉ USD) và Pháp (62,5 tỉ USD). Sipri nhấn mạnh rằng, Nga có kế hoạch gia tăng chi tiêu quân sự hơn nữa, với ngân sách dự thảo tăng 53% tới năm 2014. Tuy nhiên, theo Sipri, có nhiều nhà phân tích hồ nghi rằng, liệu ngành công nghiệp vũ khí nước này có thể đáp ứng các kế hoạch tham vọng như vậy sau nhiều thập niên trì trệ kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng đã khiến các nước láng giềng cũng như cả cường quốc Thái Bình Dương là Mỹ lo ngại. Theo Sipri, tuyên bố gần đây của Mỹ khi quyết định "xoay trục" về phía châu Á là một phần phản ứng của những lo ngại ấy.

Tổ chức nghiên cứu nhấn mạnh: "Quan hệ thương mại không ngừng phát triển và mở rộng của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng đã bị xói mòn vì các tranh chấp - tranh chấp biên giới với Ấn Độ, tranh chấp quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) với Nhật Bản và tranh chấp biên giới hàng hải với các nước Đông Nam Á ở Biển Đông - tất cả đều khiến căng thẳng gia tăng".

Tuy nhiên, Sipri khẳng định, nói có "cuộc chạy đua vũ trang" trong khu vực có thể là vội vàng khi cả dữ liệu và phân tích đều thể hiện những xu thế trái ngược trong chi tiêu quân sự và mua sắm vũ khí với Trung Quốc còn cách xa vị trí trở thành nhân tố dẫn dắt.

Ấn Độ đã tăng chi tiêu quân sự lên 66% kể từ 2002. Các nước Trung Đông tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng trong khi Algeria với những lo lắng về Mùa xuân Ảrập và các cuộc nổi dậy ở Tunisia cũng như Libya đã rất "bạo chi" cho quân sự trong năm ngoái với tỉ lệ gia tăng 40%.

Thái An (theo Guardian)