Mỹ tuyên bố sẽ nới lỏng một số hạn chế về đầu tư với Myanmar và nhanh chóng bổ nhiệm một đại sứ khi họ tìm kiếm khả năng thúc đẩy các nhà cải cách ở quốc gia Đông Nam Á - những người cho phép tổ chức cuộc bầu cử lịch sử vừa qua, sự kiện chứng kiến phe đối lập giành nhiều ghế trong quốc hội.

Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố nới lỏng một số hạn chế với Myanmar. Ảnh: aljazeera

Trong một động thái mới nhất hướng tới Myanmar, Mỹ tuyên bố sẽ tăng cường viện trợ và cho phép một số quan chức (có chọn lựa) tới thăm Mỹ.

Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đưa ra các thông tin trên tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Bà nói cuộc bầu cử hôm chủ nhật "sẽ mang một thế hệ mới những nhà cải cách vào chính phủ".

"Đây là một bước đi quan trọng trong quá trình chuyển đổi của đất nước", bà nói và chúc mừng cả những nhà cải cách của chính phủ Myanmar cũng như người từng giành giải Nobel Hòa bình vừa thắng cử vào quốc hội - bà Aung San Suu Kyi.

"Trong khi còn rất nhiều việc phải làm và những cuộc thử nghiệm quan trọng ở phía trước, chúng tôi hoan nghênh tổng thống và các cộng sự của ông vì sự lãnh đạo và lòng can đảm của họ. Và chúng tôi cũng chúc mừng Aung San Suu Kyi vì thắng lợi của bà", Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Ngoài việc đề cử một đại sứ - lần đầu tiên Mỹ sẽ có tại Myanmar kể từ khi hạ cấp quan hệ hai bên năm 1988, bà Clinton cho hay, Washington sẽ cho phép có chọn lựa một số quan chức Myanmar tới thăm Mỹ và nới lỏng các hạn chế trong việc xuất khẩu những dịch vụ tài chính. Mỹ cũng sẽ mở một văn phòng của Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ ở quốc gia Đông Nam Á.

Đồng thời, bà Clinton cũng cảnh báo, các biện pháp trừng phạt đối với những người và các cơ quan ở Myanmar do cố gắng cản trở tiến trình dân chủ vẫn còn giữ nguyên. Rất nhiều trong số các biện pháp cấm vấn của Mỹ được áp dụng sau khi đảng của bà Suu Kyi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 1990 nhưng chính quyền quân sự bác bỏ.

Và bà khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy Myanmar cải cách hơn nữa, như trong vấn đề quan hệ với Triều Tiên, thả tù chính trị và chấm dứt xung đột với các nhóm dân tộc thiểu số.

Theo các quan chức Mỹ, không có thời gian cụ thể để tiến hành những thay đổi mà bà Clinton tuyên bố cho dù việc đề cử một đại sứ có thể diễn ra khá sớm và một số quan chức cấp cao Myanmar đã được mời tới thăm Mỹ.

Myanmar có cả nửa thế kỷ dưới sự lãnh đạo của chính quyền quân sự và có nhiều thập niên hứng chịu các lệnh cấm cận cứng rắn của Mỹ. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu xem xét lại chính sách với nước này và đề xuất một số sáng kiến để đổi lấy cải cách. Năm ngoái, chính quyền quân sự đã chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự và cam kết đi tới dân chủ.

Tháng 12 trước, Ngoại trưởng Clinton đã tới thăm Myanmar và trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ viếng thăm nước này trong hơn 50 năm. Lúc đó, bà cam kết rằng, các hành động tích cực của chính phủ Myanmar sẽ nhận được phản ứng tích cực từ Mỹ.

Bà Clinton, người đã gặp gỡ lãnh đạo phe đối lập ở Myanmar Suu Kyi trong chuyến thăm tháng 12, đã thận trọng khi phát biểu rằng, "tương lai chưa rõ ràng và chắc chắn" nhưng cam kết các tiến triển tiếp theo sẽ được "đền đáp" xứng đáng.

Sớm hôm qua, lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã kêu gọi phương Tây lập tức dỡ bỏ cấm vận với Myanmar - quốc gia đang tiến hành những cải tổ lớn.

Thái An (theo AP, mysinchew)