- Trong hơn nửa thế kỷ, chính quyền quân sự của Myanmar được cho là đồng nghĩa với tham nhũng - vấn nạn khiến quốc gia từng nằm trong số thịnh vượng nhất Đông Nam Á tới bờ vực sụp đổ kinh tế.


Một năm trước đây, các nhà lãnh đạo quân sự đã bước sang một bên, chuyển giao quyền lực vào tay chính phủ dân sự trên danh nghĩa được hình thành từ phần lớn các tướng tá cũ để bắt đầu cải cách chính trị, ký kết ngừng bắn với hầu hết các nhóm dân tộc thiểu số, cam kết hiện đại hoá kinh tế. Và đây là bốn lý do vì sao giới quân sự thay đổi hướng đi của họ:

Tự bảo vệ

Tướng Than Shwe, người lãnh đạo Myanmar cho tới năm ngoái, có thể đã nhìn vào lịch sử khi ông chuyển giao quyền lực. Theo truyền thống, một nhà quân sự chuyên quyền của Myanmar khi chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm chuyên quyền tiếp theo sẽ sớm thấy bản thân bị tống giam hoặc bị quản thúc, người thân thì bị tước đoạt tài sản.

Bằng cách mở đường cho một chính phủ dân sự trên danh nghĩa, Than Shwe chắc chắn rằng, quyền lực không thể còn được nắm giữ trong tay người có đủ sức mạnh lật đổ ông. Thay vào đó, quyền lực ở Myanmar giờ đây dàn trải trong quân đội, các phe nhóm khác nhau trong chính phủ và một quốc hội ngày càng hoạt động tích cực hơn.


Phe đối lập tại Myanmar đã giành thắng lợi ấn tượng trong cuộc bầu cử quốc hội hôm 1/4. Ảnh: Reuters

Than Shwe giờ đây khá lặng lẽ, có thể là tận hưởng thành quả những gì ông có được khi làm lãnh đạo Myanmar và đã quyết định ai nên có được những hợp đồng kinh doanh béo bở ở quốc gia giàu tài nguyên này.

Giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Bị cô lập với hầu hết thế giới phương Tây vì cách hành xử và bởi những lệnh cấm vận kinh tế, Myanmar buộc phải trông chờ ngày càng nhiều vào người láng giềng khổng lồ là Trung Quốc. Bắc Kinh đã có những nỗ lực ngoại giao tốt nhất để ủng hộ Myanmar trên diễn đàn quốc tế và trở thành đồng minh không thể thiếu được của quốc gia Đông Nam Á: các tướng tá đều trang bị vũ khí từ Trung Quốc, thực hiện 35% giao dịch thương mại của họ với Trung Quốc, giúp các hãng Trung Quốc xây dựng đập thủy điện ở Myanmar để đáp ứng nhu cầu thủy điện của người Trung Quốc.

Những năm gần đây, doanh nhân Trung Quốc đã tràn vào phía bắc Myanmar và không được lòng dân địa phương.

Chính phủ Myanmar quyết định rằng, cách duy nhất để họ giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc là tìm kiếm sự cạnh tranh từ các nước phương Tây. Nhưng để làm được điều này, họ phải thuyết phục Mỹ và EU dỡ bỏ cấm vận. Cách tốt nhất là bắt đầu một nền chính trị cởi mở, và thuyết phục thế giới rằng, Myanmar đã bắt tay vào con đường dân chủ.

Chấm dứt sự trừng phạt từ phương Tây và nghèo đói

Khi các nỗ lực mở cửa kinh tế sản sinh ra chút quả ngọt và ngày càng có nhiều quan chức cấp cao Myanmar thăm viếng quanh Đông Nam Á, thì đất nước này đã thấu hiểu họ tụt hậu thế nào. 50 năm trước, Myanmar là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Ngày nay, họ là quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á. Và họ thấy đây là nỗi xấu hổ quốc gia.

Myanmar cam kết gia nhập thị trường chung (ASEAN) năm 2015; và để làm được điều này, họ cần có sự hỗ trợ quốc tế từ nhiều hướng nhất có thể. Nó đồng nghĩa với việc chấm dứt cấm vận từ phương Tây và có nghĩa là quá trình dân chủ hóa phải diễn ra ít nhất đủ để khiến phương Tây hài lòng.

Không hẳn là “mùa xuân Ảrập”

Những gì đang xảy ra ở Myanmar không hẳn là phiên bản châu Á của “mùa xuân Ảrập”. Những tướng lĩnh tự mình đi vào con đường cải tổ chính trị từ vài năm trước đây, dù rất chậm chạp - nghĩa là khá lâu trước khi họ có thể cảm thấy sợ hãi vì những sự kiện diễn ra ở Trung Đông.

Và quan trọng hơn, cải cách không phải là kết quả từ những cuộc nổi dậy. Thay vào đó, tiến trình cải cách được áp dụng từ trên xuống.

Dĩ nhiên, nhìn vào “mùa xuân Ảrập” với những bất ổn lan khắp Trung Đông, những tướng lĩnh quân sự rời quyền lực có thể tự chúc mừng vì khả năng tiên đoán tốt.

Thái An (theo csmonitor)