Các nhà lãnh đạo cần hiểu rằng nếu an sinh xã hội cho người dân không được đảm bảo thì mục tiêu về kinh tế, chính trị cũng khó bền vững - Trưởng ban tổ chức Diễn đàn Nhân dân ASEAN nói.
  
Một cuộc họp báo trong khuôn khổ diễn đàn
 
“Có ít nhất 30 triệu lao động nhập cư có giấy tờ ở khắp Đông Nam Á, nhưng số không có giấy tờ chắc chắc nhiều hơn thế. Trong đó có những người làm giúp việc gia đình, phần nhiều là phụ nữ. Họ bị phân biệt đối xử và không được bảo vệ, vì chưa quốc gia ASEAN nào đưa giúp việc gia đình vào luật lao động”, ông Sammy Dorai Sinapan đến từ Singapore, nói.

Ông Nathanlel Don E.Marquex (Philippines) thì đề cập đến việc “nông dân ở nhiều nước ASEAN không được hưởng lợi từ đất đai vì bị các doanh nghiệp khai thác, lợi dụng, nhiều người bị mất đất cho mục đích công nghiệp và khai thác tài nguyên”.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều vấn đề dân sinh bức xúc mà các nhà hoạt động xã hội nêu ra tại Diễn đàn Nhân dân ASEAN trong ba ngày 29-31/3 tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Họ còn nêu tình trạng bất công và phân biệt đối xử đối với các nhóm thiểu số khác trong xã hội như người dân tộc ít người, người khuyết tật, người giới tính thứ ba… vẫn đang diễn ra phổ biến ở ASEAN.
Một góc trưng bày kêu gọi hòa bình và đoàn kết ở ASEAN

Những vấn đề này, theo họ, là mối lo, nguy cơ thực sự mà người dân phải đối mặt hàng ngày, nhưng lại gần như không được bàn đến trong chương trình nghị sự chính thức của các hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Hội nghị lần thứ 20 sẽ diễn ra ngày 3-4/4 ở Trung tâm hội nghị Peace Palace của Phnom Penh.

Khởi đầu năm 2005 ở Malaysia để dần trở thành hoạt động bên lề thường xuyên của Hội nghị ASEAN, năm nay Diễn đàn Nhân dân ASEAN bước sang năm thứ 8 bằng việc làm nóng thủ đô của nước chủ nhà với sự tham dự của hơn 1.200 đại diện các tổ chức xã hội dân sự và các phong trào nhân dân đến từ 10 quốc gia thành viên.

Diễn đàn được coi là nơi thảo luận ý tưởng và trao đổi kinh nghiệm một cách dân chủ và xây dựng, để soạn thành các kiến nghị đưa lên Hội nghị chính thức. Từ lúc bắt đầu, diễn đàn đã luôn chọn mục tiêu là đưa nhân dân các nước thành viên gắn bó với nhau hơn. Chủ đề của năm nay là “Biến ASEAN thành một cộng đồng với người dân là trung tâm”.

Dưới chủ đề chung này là một loạt thảo luận về các vấn đề từ cải thiện kinh tế, nhân quyền, dân chủ, người khuyết tật, biến đổi khí hậu, đập thủy điện, rừng, nông nghiệp, người tị nạn, bầu cử, phát triển bền vững, phụ nữ, trẻ em, thanh niên, lao động di cư, công nhân, ngư dân và nông dân… Câu hỏi chung đặt ra là “Làm thế nào người nghèo trong ASEAN được hưởng lợi từ sự hội nhập khu vực?”

ASEAN từ trước đến nay vẫn được biết đến với hình ảnh quen thuộc của các lãnh đạo bắt chéo tay nhau tại những cuộc họp trang trọng và ngắn ngủi, thể hiện cơ chế liên chính phủ mà tổ chức vẫn hoạt động lâu nay.
 
Nhưng chính các lãnh đạo này đã xác định ba trụ cột của ASEAN là kinh tế, an ninh và văn hóa - xã hội, cũng như đặt ra mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 - bà Thida Khus, người Campuchia, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn Nhân dân ASEAN nói. Bà cho rằng các chương trình nghị sự chính thức tập trung vào kinh tế và an ninh mà chưa có chỗ đứng xứng đáng cho các vấn đề xã hội.

“Các nhà lãnh đạo cần hiểu rằng nếu an sinh xã hội cho người dân không được đảm bảo thì các mục tiêu về kinh tế và chính trị cũng khó bền vững”, bà Thida nói.

Mục tiêu của các nhà hoạt động xã hội này là đưa các vấn đề dân sinh bức xúc của các quốc gia thành viên, liên quan đến nhiều quốc gia thành viên và của chung cả khu vực lên bàn để các lãnh đạo ASEAN phải bàn bạc về chúng.

Sau mỗi lần tổ chức, đều có tuyên bố chung với những kiến nghị cụ thể gửi đến Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra sau đó. Tuyên bố chung của diễn đàn năm nay tập trung vào tình trạng chiếm dụng đất đai và lao động nhập cư.

“Sau 7 năm tổ chức, thành tích lớn nhất của chúng tôi là một câu ghi nhận về các kiến nghị của Diễn đàn Nhân dân ASEAN trong Tuyên bố chung của hội nghị tại Hà Nội năm 2010 và Jakarta năm 2011”, bà Yuyun Wah Yuningrum, người Indonesia, thành viên ban tổ chức, cho biết.

“Chúng tôi xác định nhiệm vụ của mình bây giờ là cụ thể hóa các kiến nghị thành những nguyên tắc để có thể lồng ghép vào các văn bản chính thức của Hội nghị ASEAN”, bà Yuningrum hy vọng việc này sẽ đưa đến những chính sách và hành động thực tiễn.

  • Thủy Chung (từ Phnom Penh)