Chỉ trong một vài năm, việc mua lại đất nông nghiệp nước ngoài của một số quốc gia đã trở thành vấn đề có nguy cơ bùng nổ lo ngại về môi trường và an ninh.

Dẫn đầu cuộc đua là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và các nền kinh tế dầu lửa vùng Vịnh. Họ đã chớp thời cơ mua đất ở nước ngoài nhằm đảm bảo nguồn cung cấp lương thực. Các quốc gia phương Tây cũng nhanh chân nối gót với mục tiêu đáp ứng nhu cầu cho sản xuất nhiên liệu sinh học.

Ảnh: Reuters

Theo tài liệu dự án Land Matrix, 203 triệu ha đất đã được chuyển giao cho nước ngoài kiểm soát từ năm 2000-2010 hoặc thông qua các hợp đồng mua, thuê dài hạn. Con số này gấp tám lần kích cỡ của Anh.

Châu Phi với các nước Ethiopia, Liberia, Mozambique, Sudan... chiếm khoảng 66% số lượng chuyển giao, châu Á là 14%.

Nhưng ai đang mua đất ở những nơi này, và họ đang làm gì với nó? Có thể không bao giờ có câu trả lời toàn diện vì rất nhiều cuộc chuyển giao không được tuyên bố công khai.

Paul Mathieu, một chuyên gia của Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) cho biết, đỉnh điểm của phong trào tậu đất ở nước ngoài là vào 2008 - 2009, khi thế giới đứng trước nguy cơ khủng hoảng lương thực và có thể đã giảm dần từ đó tới nay. Tuy nhiên, về dài hạn, nhu cầu vẫn cao, do dân số thế giới tăng mạnh, giá cả nhiên liệu hoá thạch leo thang và nhu cầu lương thực lớn.

Quả bom thời gian

"Tôi thấy vấn đề đất đai nổi lên trước khi tôi tới FAO cách đây 15 năm. Nó là một quả bom có thể phát nổ nếu không được giải quyết", Paul Mathieu nói.

Đất đai luôn gắn liền với vấn đề tình cảm và sự gắn bó, cho dù các nhà kinh tế học có xu hướng cho rằng, nó nên được nhìn nhận giống như bất kỳ loại tài sản nào - xe tải, máy bay, hay nhà máy - tồn tại để kiếm tiền.

Và về mặt lý thuyết, các giao dịch đất đai đem lại cho một nước nghèo với không gian lớn, mật độ dân số thấp cơ hội tuyệt vời để sở hữu những kỹ thuật mới, công nghệ và nguồn vốn.

Tuy nhiên, theo nhiều kết quả điều tra công bố cho dù chưa đầy đủ cho thấy, có rất ít loại đầu tư này thực sự được tiến hành. Và từ tham nhũng cho tới "lạm dụng" môi trường, còn có rất nhiều chuyện khác đáng lo lắng.

Trong một báo cáo năm 2010, Ngân hàng Thế giới tiến hành điều tra ở 14 quốc gia và phát hiện ra rằng, hoạt động nông nghiệp trên thực tế chỉ bắt đầu với 21% đất đai trong các giao dịch.

Đan xen với các câu hỏi về việc sở hữu đất là nước được sử dụng thế nào trong các giao dịch lớn. Báo cáo Phát triển nước thế giới lần thứ tư của LHQ đưa ra hai tuần trước đây mô tả đó là điều rất khó đoán biết. Báo cáo đặc biệt cảnh báo các khu vực khô của Tây Phi rằng, nhiên liệu sinh học có thể "tàn phá đặc biệt" nơi này. Để làm ra một lít ethanol từ cây mía sẽ mất 18,4 lít nước và 1,5m².

Khai thác

Nguy cơ từ sự quản lý lỏng lẻo trong giao dịch mua bán đất là một nền kinh tế giàu có thể xuất khẩu nguồn nước sang một nơi khác, Anders Jaegerskog của Viện Nước quốc tế Stockholm (SIWI) nói. Nếu thiếu biện pháp bảo vệ toàn diện và lỏng lẻo trong quản lý ở nước bán đất, các quốc gia giàu hơn có thể thu được gạo, ngũ cốc và những sản phẩm khác ở mức giá rẻ, nhưng lại đè nặng chi phí khi nguồn nước địa phương bị căng thẳng, ông cho biết.

"Đây là mối nguy hiểm lớn, điểm yếu trong hệ thống của các nước này đã bị khai thác", ông nhấn mạnh. Bên lề hội nghị khí hậu LHQ tháng 12 trước ở Durban, Bộ trưởng Nông, lâm, ngư nghiệp Nam Phi Tina Joemat-Pettersson cho rằng, việc mua đất "là một hình thức mới của thực dân". Bà trích dẫn quốc gia mới Nam Sudan, nơi 40% đất nông nghiệp đã được bán cho các lợi ích nước ngoài.

"Họ mang tới lao động của họ, các thiết bị của họ, hạt giống, họ sử dụng đất của nước chủ nhà, sau đó ra đi. Họ để lại rất ít phía sau hoặc có thể là những mảnh đất đã cạn kiệt". Một số nhà phân tích cho rằng, việc trồng cây cho người nước ngoài có thể có nguy cơ bùng nổ căng thẳng nếu các thỏa thuận bị tham nhũng, lợi ích địa phương bị bỏ qua và áp lực với tài nguyên ngày một lớn.

"Mua sắm đất đai gây tranh cãi là một trong những nhân tố chính dẫn tới bùng nổ nội chiến ở Sudan, Liberia và Sierra Leone, có rất nhiều lý do để lo lắng rằng, nó có thể là điều kiến cho các cuộc xung đột mới ở rất nhiều nơi khác", Jeffrey Hatcher thuộc Sáng kiến quyền lợi và tài nguyên - tổ chức ở Washington nói.

Thái An (theo News24)