- Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội nêu hàng năm tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

Cụ thể, các chức danh chịu sự đánh giá tín nhiệm hàng năm là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Đại biểu QH bấm nút tại hội trường. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo dự thảo đề án do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đọc trước Thường vụ QH chiều nay (23/3), kết quả bỏ phiếu được công bố công khai.

"Người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xây dựng quy chế quy định cụ thể quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định", ông Phúc nói.

Trước đề xuất này, các thành viên Thường vụ cho rằng nên thận trọng và có lộ trình cụ thể.

Ông Phúc cho biết, việc thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm này là theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Việc thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng đã được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Hoạt động giám sát.

Quốc hội sẽ họp trực tuyến?

Thường vụ chiều nay cũng tranh luận việc tổ chức các kỳ họp Quốc hội.

Phương án tăng thành 3 kỳ họp mỗi năm không được ủng hộ do tốn kém về tổ chức, đi lại. Theo phương án này, kỳ họp thứ nhất chủ yếu về công tác xây dựng pháp luật và một số vấn đề kinh tế xã hội cấp bách, tổ chức vào tháng 3; hai kỳ họp tiếp theo chủ yếu để thảo luận, quyết định các vấn đề kinh tế xã hội và một số nội dung khác, tổ chức vào nửa đầu tháng 7 và nửa đầu tháng 11 mỗi năm.

Phương án giữ nguyên 2 kỳ họp nhưng đổi mới cách làm để tiết kiệm chi phí, giảm thời gian họp mà vẫn đảm bảo chất lượng làm luật được các thành viên Thường vụ ủng hộ hơn.

Để rút ngắn thời gian mỗi kỳ họp xuống còn 20-25 ngày so với 30-35 ngày như hiện nay, đề án cho rằng cần chuyển một phần công việc tại kỳ họp sang hoạt động của ĐB chuyên trách, Thường vụ QH và các uỷ ban QH.

Việc lấy ý kiến lần đầu đối với các dự án luật có thể được thực hiện tại các hội nghị trực tuyến của tất cả ĐB hoặc chỉ các ĐB chuyên trách, có mở rộng cho các nhà khoa học, nhà chuyên môn tham gia.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao hình thức này song một số thành viên Thường vụ lo ngại về giá trị pháp lý và tính khả thi. Nhiều ý kiến cho rằng dù làm hình thức nào thì yếu tố quyết định vẫn là chất lượng của công tác soạn thảo và thẩm tra.

Cùng với đó là tăng chất vấn và giải trình của các cơ quan Chính phủ ở các uỷ ban của QH, ở Thường vụ QH, trước các ĐB chuyên trách... Ngay trong phiên họp này, ngày 26/3 tới, Thường vụ QH sẽ chất vấn Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Nội vụ.

Chung Hoàng