- Quy hoạch cho một thành phố đang đô thị hóa nhanh không thể là một tầm nhìn ngắn hạn - ông Christian Jacob nói tại  diễn đàn Kinh tế - Tài chính Việt - Pháp với chủ đề "Phát triển bền vững vùng ven các đô thị tại Việt Nam", ngày 20/3 ở Hà Nội.

Đồng chủ trì diễn đàn, ông Christian Jacob, nguyên Chủ tịch UB Phát triển bền vững và Quy hoạch lãnh thổ tại Quốc hội Pháp nhận định "Hà Nội may mắn vì đang ở giai đoạn đầu đô thị hóa, có thể 'đi tắt đón đầu', học tập kinh nghiệm từ các nước, trong đó có Pháp".

Các tham luận tại diễn đàn đưa ra nhiều kiến nghị giúp Hà Nội kiểm soát quá trình đô thị hoá. Ảnh: Chung Hoàng

Xôi đỗ và xin - cho

Viện trưởng Viện kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (VIAP) Ngô Trung Hải chỉ ra ở nội đô, các khu vực hiện tại ngày càng gia tăng mật độ dân số, các khu vực còn trống cũng đã được lấp đầy. Trong khi đó ở ven đô, cùng với việc mở rộng địa giới hành chính, đô thị Hà Nội còn phình ra do phát triển nhảy cóc và theo tuyến hành lang giao thông.

Trong 10 năm (1999-2009), tỉ lệ dân số đô thị ở Hà Nội tăng từ 34,2% lên 40,5%, mật độ dân số tăng từ 1.296 lên 1.926 người/km2. Nhưng dân số Hà Nội sống tập trung ở các quận nội thành, vốn có diện tích rất bé so với các quận, huyện xa trung tâm. Theo ông Hải, đó là nguyên nhân dẫn đến tắc nghẽn giao thông ở nội đô, hệ thống dịch vụ đô thị quá tải, suy giảm chất lượng sống, ảnh hưởng cấu trúc đô thị và cảnh quan môi trường, gia tăng sức ép đối với công tác quản lý...

Mật độ xây dựng dày đặc ở nội đô chủ yếu để đáp ứng nhu cầu nhà ở và thương mại thay vì không gian công cộng, "mấy chục năm không tăng thêm bệnh viện, trường học", ông Hải phân tích. Mảng xanh giảm, các hồ bị thu hẹp cũng làm môi trường nội đô đáng báo động. Chưa kể việc các công trình di sản, lịch sử, tôn giáo bị đe dọa.

Ngược lại, vùng ven đô mất dần hình ảnh cây đa, giếng nước, cổng làng để thay bằng nhà cửa lô xô, các khu công nghiệp xám xịt, các khu đô thị mới tách biệt... Làng trở thành phố làng, nhà sân vườn trở thành nhà lô, nhà ống, kiến trúc truyền thống bị chen vào những thiết kế lai căng...

Tuy đô thị hóa nhanh nhưng Hà Nội vẫn có tỉ lệ đô thị hóa thấp, dân số nông nghiệp vẫn nhiều hơn dân số thành thị. Ông Hải ví vùng ven đô Hà Nội đang phát triển rời rạc, tự phát này không khác một bát xôi đỗ hay các mảng da báo lốm đốm.

Theo ông Nguyễn Quang, chuyên gia nghiên cứu độc lập của UN-HABITAT, sự phát triển thiếu tổng thể của Hà Nội có nguyên nhân từ chính trị - kinh tế vĩ mô. Sau Đổi mới, kinh tế tư nhân phát triển cùng với các dòng vốn nước ngoài đổ vào đã giảm bớt vai trò đầu tư của nhà nước, cơ chế đối với đất đai và nhà ở đã thông thoáng, mở rộng hơn...

Song, sự can thiệp hành chính của nhà nước và cơ chế xin - cho rơi rớt lại từ thời bao cấp vẫn ở mức độ đáng kể làm hạn chế việc tiếp cận vốn và đất đai, các thị trường đất đai và nhà ở chưa minh bạch, thiếu hiệu quả... Cũng đang có tình trạng "xôi đỗ" trong vai trò của nhà nước và xã hội trong quá trình đô thị hóa của Hà Nội.

Với dự báo dân số có thể hơn 10 triệu người vào năm 2050, "siêu thành phố" Hà Nội cần có một tầm nhìn chiến lược để giải quyết các thách thức như quá tải hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế, quản lý đô thị, bảo tồn di sản...

Một góc đô thị Hà Nội. Ảnh: Chung Hoàng

Lấy ai làm trung tâm?

Bình luận về Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 do KTS Ngô Trung Hải trình bày, các ý kiến tại diễn đàn đều đánh giá cao bản quy hoạch tham vọng này song vẫn muốn thấy được những ý tưởng cụ thể, thiết thực hơn để giải quyết tình trạng "xôi đỗ" trên.

Ông Hoàng Sỹ Động, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, thấy quy hoạch cần đưa ra giải pháp cho hậu quả của tình trạng "xôi đỗ" là đất đai và cơ sở hạ tầng đang bị sử dụng lãng phí trong tổ chức đô thị. Theo ông Động, cần có sự đánh giá toàn diện hơn về đất đai để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm.

Một đại biểu Pháp cho rằng quy hoạch nên cụ thể đến từng quận huyện, thậm chí xã phường để tránh sự chênh lệch giữa kỳ vọng và thực tiễn hay gặp trong các quy hoạch chung, tổng thể, giảm tình trạng phát triển mang mún, tự phát.

Đồng tình với điểm này, ông Nguyễn Quang cho rằng quy hoạch này vẫn theo hướng tiếp cận cứng nhắc từ trên xuống nên các bất cập thực tiễn không thể được giải quyết trên mặt bản quy hoạch. Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ chỉ ra bất cập nảy sinh chính là do quy hoạch đất đai thì "từ trên xuống" trong khi quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội là "từ dưới lên".

Theo ông Quang, cần thay đổi phương pháp luận quy hoạch, theo đó tăng tính chủ động và kiểm soát của các cấp gần dân, giảm bớt cơ chế xin - cho. Nhà nước chỉ can thiệp bằng cách tạo điều kiện thông qua các quy hoạch vùng.

Ông Jacob đồng tình với tư duy này. Quy hoạch đất đai nên theo vùng với tầm nhìn dài hạn để các nhà đầu tư thấy rõ và yên tâm, tránh được đầu tư dàn trải, thiếu quy hoạch, ông nhận định.

Ông Nguyễn Quang cũng cho rằng có vậy mới phát huy tối đa được các nguồn lực vốn không nhiều mà Hà Nội đang có. Quy hoạch như vậy cũng thể hiện được quan điểm lấy người dân chứ không phải lấy cơ quan quản lý làm trung tâm.

Chung Hoàng