Sức mạnh toàn cầu đã chuyển dịch về châu Á - Thái Bình Dương và chúng ta đang đi giữa một ranh giới. Lịch sử của chúng ta là quá khứ với những lúc thăng trầm. Và tương lai nằm ở vị trí địa lý...

 

Tổng thống Mỹ Obama, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Australia Julia Gillard. Ảnh: AP

Tác giả bài viết là Richard Woolcott, nguyên là một nhà ngoại giao kỳ cựu của Australia. Bài viết này rút ra từ tài liệu đệ trình của ông cho Sách Trắng ''Australia trong thế kỷ châu Á”.

 

Tầm quan trọng tiềm năng của châu Á và sự cần thiết điều chỉnh môi trường địa lý với Australia không phải là điều mới mẻ. Các chính phủ nối tiếp đã chủ trương việc này, nhưng phản ứng của chúng ta tới nay vẫn không theo kịp các tuyên bố đưa ra và không thích hợp.

 

Một lưu ý mới và cấp bách là sự chuyển dịch thịnh vượng chưa từng có từ Tây sang Đông, và được dự báo sẽ tiếp tục trong tương lai. Tình hình thay đổi rất lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bắt nguồn từ sự trỗi dậy đặc biệt của Trung Quốc, nhưng cũng còn là sự gia tăng mạnh mẽ của Ấn Độ, của nền kinh tế tiếp tục được củng cố Nhật Bản và Hàn Quốc, của tiềm năng đang lên Indonesia và Việt Nam... Đó là một bước ngoặt lịch sử mà Australia phải đối mặt.

 

Châu Á - Thái Bình Dương giờ đây là khu vực mà quan hệ giữa các cường quốc lớn trên thế giới “giao cắt” nhau gần nhất. Nó cũng là nơi khuôn mẫu cho quan hệ Mỹ - Trung phần lớn sẽ định hình. Và cũng là “chảo lửa” thử thách các vấn đề châu Á trong quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Indonesia, Hàn Quốc và các nền kinh tế lớn của ASEAN.

 

Để củng cố vị trí ở châu Á, Australia cần thay đổi căn bản tâm lý quốc gia, tập trung nhiều hơn vào châu Á thay vì mối quan hệ truyền thống với Mỹ, Anh và châu Âu. Và một nhiệm vụ quan trọng khác cần xác định là sự tiếp cận cân bằng hợp lý, hợp thời hơn trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc - một nước lớn đang trỗi dậy.

 

Chúng ta cần phải thẳng thắn trong đánh giá rằng, Mỹ - mặc dù sẽ tiếp tục là một cường quốc chính trong thế giới ở tương lai gần - có thể tương đối yếu đi.

 

Australia có thể chậm chân trong mối quan hệ với các nước lớn, với khu vực và quan hệ song phương với Trung Quốc.

 

Chúng ta không nên e ngại sự thay đổi hướng tới tương lai. Ví dụ, hiệp ước ANZUS giờ đây đã trải qua 60 năm nghĩa là có thể lỗi thời và không nên được xem là sự đảm bảo tuyệt đối của những hỗ trợ quân sự Mỹ, cũng không phải lá bài chính trị. Australia nên gửi đi một tín hiệu rõ ràng với Trung Quốc và Mỹ rằng, trong khi chúng ta có các giá trị khác biệt so với Trung Quốc và một mối quan hệ đồng minh với Mỹ, thì chúng ta hoan nghênh sự gia tăng của Trung Quốc, phản đối các chính sách nhằm “ngăn chặn” Trung Quốc và không có lý do gì Trung Quốc không thể tiếp tục trỗi dậy hòa bình.

 

Thất bại trong việc thích nghi với một Trung Quốc đang lên có thể dẫn tới bất ổn trong tiến trình hợp tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng ta không nên tham vấn và trao đổi với người Trung Quốc ở cấp nhà nước, cấp bộ và cộng đồng doanh nghiệp như cách thông thường chúng ta làm trong thế kỷ châu Á. Chúng ta nên đặt mục tiêu tiếp cận như những gì chúng ta đã phát triển với Mỹ, khi các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp có thể trao đổi với nhau thường xuyên qua điện thoại.

 

Chúng ta vẫn thiếu cam kết sâu sắc với Trung Quốc và khả năng hiểu toàn diện các quan điểm của người Trung Quốc. Cũng như liên minh không tương đương với sự tuân thủ, hiểu biết không đánh đồng với thỏa thuận.

 

Chúng ta cần xây dựng và cải thiện thói quen thường xuyên tham vấn, đặc biệt với các nước chính ở châu Á trước khi quyết định những chính sách lớn, đặc biệt là chính sách ấy sẽ ảnh hưởng tới họ.

 

Một ví dụ cho sự thất bại của chúng ta gần đây là quyết định (sau đó hủy bỏ) cấm xuất khẩu gia súc sống tới Indonesia. Rồi tuyên bố sẽ thành lập trung tâm tị nạn ở Đông Timor. Và thứ ba là tuyên bố trong khuôn khổ chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama năm ngoái về việc triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ tới Darwin.

 

Chúng ta phải tránh gây ra bất kỳ nhận thức nào ở các nước châu Á rằng, phân biệt chủng tộc và tôn giáo vẫn hiện diện trong quan điểm chính trị của Australia. Vì lịch sử và một số chính sách, chúng ta vẫn khiến nhiều người châu Á chưa chắc chắn bởi các cam kết sâu sắc và thành thật của chúng ta với châu Á, với khu vực láng giềng tây nam Thái Bình Dương.

 

Chúng ta có xu hướng giảng giải quá nhiều và lắng nghe quá ít. Hình thức thể hiện ưu thế đạo đức, thái độ “anh cả” và sự tập trung quá mức vào chủ nghĩa khủng bố có thể làm sai lệnh các ưu tiên của Australia.

 

Chìa khóa cho một tương lai tốt đẹp hơn với Australia là tập trung vào các nguồn lực giới hạn trong khu vực, không để bị lôi kéo và các cuộc xung đột ở xa khiến chúng ta có thể đi sai đường trong các lợi ích quan trọng.

 

Thái An (theo Sydney Morning Herald)