Kết quả của các cuộc bầu cử tổng thống tại Nga (4/3) và Mỹ (6/11) sẽ rất quan trọng với tương lai chính sách tái thiết quan hệ hai nước.

Nước Nga bắt đầu bầu cử tổng thống. Ảnh: Rian

Được Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra không lâu sau khi nhậm chức, chính sách tái thiết đã và đang được áp dụng với ít nhiều thành công trong vòng hơn ba năm qua. Cao trào của nó là vào tháng 4/2010 khi HIệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới Nga - Mỹ được ký kết tại Prague.

Tuy nhiên, thành công của chính sách tái khởi động quan hệ hai nước đã nhanh chóng sụt giảm xung quanh kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa phòng thủ của Washington ở châu Âu với sự phản đối mạnh mẽ của Nga. Tiếp theo đó, các sự kiện bất ổn diễn ra ở Bắc Phi và Trung Đông đã cho thấy sự bất đồng nghiêm trọng giữa hai quốc gia về các tiếp cận với các vấn đề của thế giới Ảrập.

Tình hình Iran cũng gây nên diễn biến tương tự giữa Nga và Mỹ. Cuối cùng, chiến dịch tranh cử tổng thống tại Nga và Mỹ đã đẩy các vấn đề trong nước lên hàng đầu. Tuy vậy, mặc dù xảy ra những diễn biến trên và thực tế là cả hai bên luôn sát sao dõi theo lẫn nhau, thì quan hệ Nga - Mỹ về tổng thể đã được cải thiện dưới thời Obama.

Vậy chính sách khởi động lại quan hệ có được tiếp tục sau các cuộc bầu cử tổng thống tại Nga và Mỹ? Hầu hết các chuyên gia nhất trí sẽ là như vậy nếu Thủ tướng Vladimir Putin trở thành tổng thống tiếp theo của Nga và Barack Obama tiếp tục ở lại Nhà Trắng. Nhưng cũng có thể có các chọn lựa khác trong trường hợp ông Obama không giành thắng lợi ở nhiệm kỳ hai.

Hai sự kiện lớn diễn ra tại Washington ít ngày trước đây đã chứng minh rằng, tương lai quan hệ Nga - Mỹ thu hút sự quan tâm rất lớn. Một là bàn tròn về vấn đề này và hai là sự kiện Diễn đàn Nga và Thế giới với việc tham gia của các chính khách, chuyên gia nổi tiếng ở cả hai nước. Mặc dù có các quan điểm khác nhau, nhưng mọi người đều đồng thuận rằng, sự hợp tác lớn hơn trong nhiều lĩnh vực là điều cần thiết. Theo nghị sĩ Gregory Meeks, quan hệ hai nước sẽ phụ thuộc nhiều vào thương mại song phương. Tuy nhiên, luật sửa đổi Jackson-Vanik của kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh hạn chế thương mại với Nga vẫn còn hiệu lực.

Nghị sĩ cho biết, Chiến tranh Lạnh từ lâu đã trở thành điều của quá khứ, nhưng vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới kinh doanh, quan hệ thương mại. Khó có thể không đồng ý với ông Meeks. Nhưng không phải tất cả nghị sĩ Mỹ đều chia sẻ quan điểm này. Điều đó giải thích vì sao lời hứa của Tổng thống Obama để dỡ bỏ luật Jackson-Vanik vẫn chưa thể thực hiện.

Một cuộc thăm dò dư luận gần đây của Gallup cho thấy, số người Mỹ xem Nga như một mối đe doạ đã sụt giảm mạnh từ mức hơn 30% hai thập niên trước xuống chỉ còn 2% hiện tại. Và hãy hy vọng rằng, động lực xây dựng lòng tin tưởng lẫn nhau sẽ tiếp tục duy trì sau các cuộc bầu cử.

Thái An (theo The voice of Russia)