Dự hội thảo Báo chí, truyền thông với quyền con người do Bộ TT-TT tổ chức tuần qua, thoạt đầu nhà sử học Dương Trung Quốc thắc mắc tại sao WB lại đồng tổ chức một cuộc thảo luận về nhân quyền.

"Ngân hàng Thế giới xem đây như một hoạt động từ thiện hay vì quyền con người đang là một chủ đề thời thượng hiện nay?", nhà sử học đại biểu QH băn khoăn.

Một ngày hội thảo với gần chục tham luận và rất nhiều lượt hỏi đáp đã không những trả lời câu hỏi của ông Quốc mà còn thuyết phục cử tọa về mối liên kết chặt chẽ giữa đảm bảo nhân quyền và phát triển kinh tế.

Chuyên gia thể chế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), ông James Anderson, chỉ ra "quyền con người không chỉ là về những giá trị đạo đức, mà còn là về những nền kinh tế vững mạnh". Các nhà kinh tế có vẻ không dùng nhiều các thuật ngữ nhân quyền, nhưng thực sự họ thường xuyên nói về chủ đề này.

Đối với họ, hiệu quả của một nền kinh tế đến từ các yếu tố, và không cái nào có vai trò thấp hơn cái nào, gồm lao động, năng suất, thị trường, vốn, đất đai và các định chế. Vậy quyền con người có ở đâu trong những yếu tố này? Câu trả lời là "khắp mọi nơi".

Nếu có sự phân biệt đối xử trong tuyển dụng về giới tính, dân tộc, khuyết tật..., lao động sẽ được phân phối không hợp lý, sẽ có những lĩnh vực mà chất lượng nguồn nhân lực không được đầu tư đúng mức và khó có tiến bộ, năng suất lao động khó có đột phá.

Báo cáo phát triển năm 2012 của WB về bình đẳng giới đã chỉ ra khi phụ nữ được đảm bảo các quyền như không bị bạo hành, được quyết định các vấn đề gia đình, được nắm các nguồn lực, được di chuyển tự do, cũng như được tham gia các hoạt động chính trị, họ có thể tạo ra nhiều giá trị có ý nghĩa cho xã hội. Không chỉ là chất lượng lao động nữ giới được nâng cao, mà phúc lợi xã hội cho trẻ em cũng như quá trình hình thành ý thức và hành vi của những thế hệ tương lai cũng được đảm bảo.

Nếu cũng có sự phân biệt đối xử như vậy trong những khoản vay của ngân hàng, sẽ có những bộ phận trong xã hội khó tiếp cận với các nguồn vốn để phát triển kinh tế, mục tiêu xoá đói giảm nghèo sẽ không đạt được. Cũng như vậy đối với đất đai, nguồn tư liệu sản xuất có ý nghĩa quạn trọng trong một xã hội đa phần dân số sống dựa vào nông nghiệp như Việt Nam, sẽ có những mảnh đất màu mỡ không được khai thác và những mảnh đất cằn cỗi không được cải tạo.

Một nghiên cứu năm 2005 có tên "Tìm hiểu tác động kinh tế của bất lợi tích tụ" của tác giả Rebecca M. Blank chỉ ra những bất lợi về nhà đất sẽ dẫn đến những bất lợi khi vay mượn, do không có hoặc không đủ tài sản để cầm cố, thế chấp, từ đó làm giảm khả năng cải thiện kinh tế cũng như tự tạo việc làm.

Sự việc cưỡng chế xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng gần đây được nêu ra như một ví dụ cho thấy sự không hoàn thiện của luật pháp về đất đai, dẫn đến những mâu thuẫn trong cách hiểu về quyền của cá nhân đối với đất đai, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội.

Vì nhân quyền có thể trở thành tác nhân thúc đẩy hoặc cản trở phát triển kinh tế như vậy, càng ngày các nhà tài trợ, tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế càng lồng ghép vấn đề này nhiều hơn vào các dự án. Nhân quyền có thể là mục tiêu cơ bản hoặc một yếu tố đối thoại hoặc một điều kiện trong các dự án. Kể cả khi họ không dùng từ "nhân quyền" mà nói đến "bảo vệ", "trao quyền", "quản trị tốt" thì cũng là nói đến nhân quyền.

Từ những phân tích của chuyên gia quốc tế, ông Dương Trung Quốc nghiệm ra rằng quyền con người không chỉ là một khái niệm kiến trúc thượng tầng liên tục được nói đến vì mỗi người lại muốn hiểu theo một cách khác nhau, mà nhân quyền chính là một vấn đề cơ sở hạ tầng, là một trong những yếu tố quyết định trả lời cho câu hỏi tưởng chừng thuần tuý kinh tế: "Đầu tư vào đâu thì hiệu quả?"
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại QH khoá XI, kéo những diễn giải của chuyên gia quốc tế về một câu chuyện của Việt Nam để thấy nhân quyền không xa vời: câu chuyện khoán 10. "Khi người nông dân có quyền quyết định làm gì với phần nông sản còn lại sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước, nghĩa là quyền quyết định về kinh tế, quyền phát triển, thì năng suất nông nghiệp được nâng cao rõ rệt", bà phân tích.

Chính vì vậy, ông Quốc thấy nói chuyện nhân quyền không hề xa lạ mà rất gần, rất thời sự, ở đó có vai trò quan trọng của báo chí. “Các giá trị nhân quyền sẽ đạt được khi báo chí trở thành diễn đàn toàn xã hội, mỗi người dân đều có quyền phát biểu ý kiến của mình”, nhà sử học khẳng định.

Chung Hoàng