- Như thông lệ, chuyện nhân sự bao giờ cũng là mối quan tâm hàng đầu của mỗi kỳ Đại hội Đảng. Vì vậy, bài viết "Nghĩ về bầu Tổng bí thư trong Đại hội XI" của chuyên gia Bùi Đức Lại đã nhận được nhiều ý kiến hưởng ứng của độc giả.

Quyết sách đúng tầm

Bạn đọc Minh Phong (Vĩnh Phúc) cho rằng, "nếu Đại hội bầu được những vị trí trọng trách có bản lĩnh và phẩm chất, thì các văn kiện có thể chưa thật tốt cũng có thể khắc phục. Tôi hoàn toàn tán thành với nhận định của chuyên gia Bùi Đức Lại, rằng, Tổng bí thư là tổng công trình sư, thường là người đề xuất chính các ý tưởng, là người ra quyết định cuối cùng trong các tình huống phức tạp. Không có sự ủng hộ của Tổng bí thư thì sáng kiến chính trị của các thành viên khác trong Ban lãnh đạo khó có thể được đưa ra xem xét, càng không thể được thực hiện".

Đại hội đảng bộ quận Tây Hồ, Hà Nội năm 2010. Ảnh: LAD
Tại các hội nghị Trung ương chuẩn bị cho Đại hội, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu phải chọn được các ủy viên TƯ khóa tới là những người có bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, phẩm chất đạo đức, uy tín, đủ năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới.

Độc giả Trí Khiêm (Hà Nội) phân tích, "ông Bùi Đức Lại đã đề cập đến một vấn đề tôi tâm đắc, đó là bầu bộ máy trên tinh thần có số dư. Tại Đại hội này, BCH Trung ương đã có những bước chuẩn bị để ĐH bầu BCH khóa mới trên tinh thần có số dư để lựa chọn. Điều quan trọng, như ông Lại nhấn mạnh, đó là số dư đó phải là số dư có tính tranh cử thực sự, không phải số dư hình thức. Số dư là bao nhiêu để đảm bảo dân chủ, cạnh tranh minh bạch và danh sách đại biểu được bầu thể hiện tinh thần "tâm phục, khẩu phục", không băn khoăn của người bỏ phiếu.

Với nhân sự cho chức danh chủ chốt là Tổng bí thư, dù tiến hành bầu ngay tại Đại hội hay trong Ban chấp hành TƯ khóa XI cũng nên nhất thiết có số dư. Thúc đẩy dân chủ bầu cử, tạo sự cạnh tranh lành mạnh cũng để hướng tới mục tiêu tối thượng là bầu chọn những đại biểu ưu tú nhất với bản lĩnh chính trị vững vàng, mang tinh thần đổi mới, có đức, năng lực, uy tín với Đảng và trong xã hội".

"Trăn trở lớn nhất hiện nay của những đảng viên kỳ cựu, những người yêu nước, tâm huyết với sự nghiệp của Đảng, sự nghiệp của đất nước và toàn thể xã hội là phương án nhân sự của Hội nghị lần này liệu có chọn ra được những lãnh đạo xứng tầm nếu vẫn giữ những tập quán, phương pháp làm cũ. Chính vì vậy, rất mong các đề xuất của ông Bùi Đức Lại được lãnh đạo cao cấp lắng nghe. Một kỳ Đại hội thực sự dân chủ và có những quyết sách sáng suốt là trông đợi của người dân. Bảy ngày cho Đại hội, nếu không đủ cho chương trình nghị sự, thì vẫn có thể kéo dài tiếp", bạn Hoài Thanh (Nha Trang) khẳng định.

Theo bạn đọc Hoài Thanh, phải thay đổi từ quan niệm trong cách làm lâu nay như "cơ cấu vùng miền", "tuần tự vi tiến", "đến hẹn lại lên", sự câu nệ vào "quá trình" (thường áp dụng đối với những người được đề cử vào Bộ Chính trị và dự kiến Tổng bí thư), sự phân vai các chức vụ lãnh đạo chủ chốt (Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng).

Với bạn đọc Tiến Thành (Lĩnh Nam - Hà Nội): "Lòng tin của dân vào Đảng cũng thể hiện ở chính những con người mà Đảng lựa chọn tham gia vào bộ máy lãnh đạo cao nhất của mình. Mọi yếu tố như số dư để bầu cạnh tranh mà chuyên gia Bùi Đức Lại đặt ra xét cho cùng là yếu tố kỹ thuật trong quy trình lựa chọn nhân sự, kể cả những vấn đề như công khai tiêu chuẩn, thành phần, tuổi tác, tỷ lệ ngành nghề, dân tộc. Quan trọng nhất là bầu được ai, đó có phải là người "xứng đáng nhất", được chờ đợi, được kỳ vọng nhất? Tất cả thể hiện trong sự uy tín của người đó đối với không chỉ trong Đảng mà cả trong nhân dân.

Chế độ chính trị ở Việt Nam đặc biệt hơn các nước khác, đó là duy nhất một Đảng lãnh đạo, cầm quyền. Thời đại mới, Đảng cũng đang từng bước đổi mới để thích ứng với thời cuộc. Những con người lãnh đạo nhất định phải là con người xuất sắc. Và để lựa chọn người xuất sắc, phải tiến hành công khai nhân sự lựa chọn - yếu tố kỹ thuật cần thiết nhất tôi cho là cần phải làm. Công khai sẽ cạnh tranh, dân chủ".

Rõ ràng, cho dù có rất nhiều phỏng đoán về vị trí và tên tuổi các ứng cử viên, nhưng điều mà độc giả kỳ vọng cao nhất, chính là những đại biểu tham dự Đại hội sẽ thực sự phát huy trách nhiệm cá nhân, để lựa chọn được người có tư duy và tầm nhìn vào vị trí lãnh đạo cao nhất.

Bỏ phiếu kín giới thiệu nhân sự

Ý tưởng của chuyên gia Bùi Đức Lại về việc các đại biểu giới thiệu bằng phiếu kín 2 ứng cử viên cho chức danh Tổng bí thư để tổng hợp, lập danh sách bầu cử Tổng bí thư gồm 2 người có phiếu giới thiệu cao nhất cũng được nhiều độc giả tán thành.

Độc giả Vũ Phạm Anh (Đà Nẵng) cho rằng, cách làm mới này phải được mạnh dạn áp dụng ngay từ nhiệm kỳ ĐH Đảng để tạo tiền lệ tốt cho sinh hoạt dân chủ trong Đảng.

"Những người ứng cử và nhận đề cử ngoài danh sách được giới thiệu phải vượt qua được sức ép tâm lý thông thường cho rằng mình háo danh, tranh giành chức vụ. Chỉ có như vậy thì Đại hội mới có được số dư đúng nghĩa", bạn Vũ Phạm Anh phân tích.

Còn theo độc giả Lê Chất (Hà Nam): "Chắc chắn ngoài Đảng có nhiều người có đức, có tài, có kinh nghiệm về chuyên môn ở nhiều lĩnh vực. Xem xét và mạnh dạn giao trọng trách cho họ cũng là điều nên cân nhắc và thảo luận.  Dân chủ, cạnh tranh minh bạch đảm bảo việc lựa chọn người đứng đầu tổ chức Đảng, nhà nước và chính quyền các cấp cũng nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý Nhà nước, phát huy quyền dân chủ trong Đảng và nhân dân".

Bạn Nguyễn Hồ (TP.HCM) cũng bổ sung, trong mỗi kỳ Đại hội Đảng, chúng ta luôn kỳ vọng về một đội ngũ lãnh đạo kế nhiệm mới làm nên những thành công tức thời. Một đại hội thành công chính là đại hội chọn được đội ngũ nhân sự xứng tầm, hợp lòng dân.

"Lâu nay chúng ta vẫn nói chuyện nhân tài không thiếu, chỉ lo không phát hiện ra, không có đủ cơ chế hấp dẫn để nhân tài phát lộ. Nhân việc chuyên gia Bùi Đức Lại đặt ra chuyện nên khuyến khích những người ứng cử, nhận đề cử và đề cử ngoài danh sách được giới thiệu vào bộ máy lãnh đạo của Đảng, tôi cũng nghĩ đến đội ngũ những người Việt Nam đang sinh sống và học tập, nghiên cứu ở nước ngoài với nhiều người tâm huyết, trăn trở vì sự phát triển đất nước", bạn Nguyễn Hồ nói.

Còn với độc giả Minh Nguyệt (Hà Nội), "tỷ lệ số dư hợp lý sẽ là yếu tố cần thiết để thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các ứng viên. Đó là cơ sở thực tiễn để so sánh năng lực, phẩm chất thực sự và cũng để đảm bảo cho Đại hội chọn được người tài vào vị trí lãnh đạo. Nếu quy trình chọn lựa dân chủ thì Đại hội sẽ có số dư mang tính tranh cử thực sự, chứ không phải là số dư hình thức kiểu quân xanh, quân đỏ làm nản lòng những người trông đợi vào đổi mới thực sự".

Làm được như vậy, chắc chắn đây sẽ là bước đi đầu tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đổi mới xây dựng Đảng, sự mở đầu quá trình dân chủ hóa hệ thống chính trị của đất nước.

  • Anh Thư tổng hợp