- Một chương trình hoạt động cộng đồng, liên kết người Việt tại Việt Nam và Mỹ, đặc biệt dành cho những người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi ưu tú.

Susan Hồng Nguyễn, 25 tuổi, cựu sinh viên Havard, quyết định gác lại công việc ở San Francisco trong vài tuần để đến Việt Nam theo chương trình VIET Fellows 2011, hỗ trợ bởi AAPIP, một tổ chức phi chính phủ (trụ sở tại San Francisco), có sứ mệnh hỗ trợ cộng đồng người châu Á ở Mỹ.

Susan - mọi người thường gọi cô thân mật như vậy - được sắp xếp làm công việc thiện nguyện 2 tuần giúp đỡ sinh hoạt hàng ngày cho những trẻ mồ côi trong Trung tâm bảo trợ Thị Nghè.

Mọi trải nghiệm nơi đây, theo như cách chương trình kỳ vọng, là để cô và những bạn đồng lứa tham gia chương trình "học" và trải nghiệm, chia sẻ đời sống của nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương, không may trong xã hội: trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin...

"Ít nhất em là người gốc Việt, em cần hiểu và chia sẻ với cuộc sống của những người không may. Trong khả năng nào đó, mình có thể giúp các em nhỏ" - Susan nói.

AAPIP, trên tinh thần kiến tạo những chương trình hỗ trợ cộng đồng, bắt đầu hỗ trợ dự án VIET Fellows cách đây hai năm - một chương trình liên kết người Việt tại Việt Nam và người Việt tại Mỹ, đặc biệt dành cho nhóm đối tượng là những người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi ưu tú, có tiềm năng trở thành "những nhà lãnh đạo tương lai”.

Các thành viên VIET Fellows dự một hội thảo quốc tế ở Hà Nội về chất độc da cam. Ảnh: XLinh
Tham gia cạnh tranh tuyển chọn là các sinh viên, cựu sinh viên theo học quan hệ quốc tế, kinh tế, chính trị, luật, hoạt động xã hội, y tế công cộng, kinh doanh từ nhiều đại học danh tiếng của Mỹ. Họ phải nộp đơn thi tuyển và người được chọn không chỉ có thành tích học tập xuất sắc mà cả những ý nguyện, cam kết nổi bật đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

VIET Fellows do AAPIP hỗ trợ, vốn khởi sự nhờ sự giúp đỡ của một nhân vật có ảnh hưởng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ: tiến sĩ Charles Bailey, nguyên giám đốc sáng kiến đặc biệt về chất độc dacam/dioxin của Quỹ Ford, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ tại Việt Nam.

Tony Lương, giám đốc VIET Fellows tại Mỹ, cho hay, mục tiêu lớn nhất mà các thành viên tham gia chương trình là "học". Sự học của các bạn trẻ gói gọn trong hành trang: đi - trải nghiệm - chia sẻ - hành động. Kéo dài thông thường 6-7 tuần, các bạn trẻ được sắp xếp hoạt động tình nguyện tại các trung tâm bảo trợ xã hội, Hội Phụ nữ, Hội Chữ Thập Đỏ, các trường khuyết tật... ở TP.HCM và Đà Nẵng.

Ai-Tram Bui (phải) - thành viên VIET Fellows 2011 tình nguyện tại Làng Hòa bình - Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: VIET Fellows

Các thành viên của VIET Fellows cũng tham gia xây dựng kế hoạch giúp đỡ người khuyết tật cải thiện cuộc sống. Trở lại Mỹ, họ sẽ chia sẻ rộng rãi những trải nghiệm và những điều đã học hỏi được tới cộng đồng Mỹ, cộng đồng người Mỹ gốc Việt để qua đó đóng góp tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ cho những giải pháp, hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân da cam ở Việt Nam. 

Sau chương trình thực tế tại Việt Nam, tháng 10/2011, nhóm VIET Fellows 2011 vừa qua đã tham gia một cuộc hội thảo về chất độc da cam/dioxin tại Đại học California, Berkeley.

Tony Lương cho hay, được sáng lập hai năm, nhưng đến nay, VIET Fellows ngày càng nhận được nhiều đơn ứng cử tham gia chương trình cho niên khóa mới. Hàng trăm ứng viên có thành tích học tập tốt tại các trường đại học danh giá, năng động muốn có cơ hội được tham gia trải nghiệm chương trình này. Năm 2011, có 14 người được lựa chọn và năm 2012 là 20 người.

Từng bước phát triển, Tony Lương kỳ vọng, khi VIET Fellows lớn mạnh sẽ tạo ra một mạng lưới kết nối giữa các cựu thành viên. Khi đó, họ, với những hoạt động công việc chuyên môn, sức bật và các mối quan hệ xã hội rộng rãi, sẽ cùng chung tay thực hiện những dự án cộng đồng xã hội mạnh mẽ, táo bạo, tham vọng hơn cho những người khuyết tật, những người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, trẻ mồ côi ở Việt Nam.

Nhưng, vượt lên mục tiêu chung của dự án, VIET Fellows đã mang đến những cơ hội cho các bạn trẻ, người Mỹ gốc Việt, hiểu hơn về quê hương, cội nguồn, cùng nhau thiết lập mạng lưới hỗ trợ cộng đồng, đóng góp cho Việt Nam.

"Lâm Kim Dung. Bé Dung. Mọi người đều ngưỡng mộ em, dù sinh ra, đến giờ em vẫn chỉ là cô bé mang hình hài nhỏ bé như đứa trẻ 6 tháng tuổi. Khuôn mặt em trong sáng, thiên thần. Tôi cũng như mọi người không được bế giữ em vì cơ thể xương yếu ớt. Ngày đầu tiên đến tình nguyện tại Làng Hòa Bình - Bệnh viện Từ Dũ, đến lại gần, cô bé bò đến chỗ tôi. Tôi ngỡ đó là đứa trẻ sơ sinh cho đến khi cô bé bỗng dưng cất tiếng nói. Dung tỏ ra vô cùng thông minh, đôi mắt cô bé chớp khi hỏi tôi "Ủa, chị tên gì vậy?" "Tên của bạn là gì?" - tôi hỏi lại cô bé.

Tôi nói với cô tôi tên là Trâm, và cô nhớ ngay lập tức. Tôi hỏi tuổi của cô, và Dung nói cô ấy đã bốn tuổi rồi. Có lẽ bốn tuổi không chính xác nhưng không có ai trong bệnh viện biết được cô bé chính xác bao nhiêu tuổi. Dung tỏ ra đặc biệt thông minh, lanh lẹ hơn tuổi của mình, thậm chí cô bé còn biết tiếng Anh. Cô bé hỏi tên tôi bằng tiếng Anh và tự nhanh nhảu giới thiệu mình.

Nếu quả thực thế giới này là bóng tối, cô bé sẽ là ánh sáng của thế gian này...

Tôi sẽ nghĩ về tất cả mọi người nơi đây mỗi ngày. Tôi sẽ trở lại....".

Trích nhật ký Ai-Tram Bui - thành viên VIET Fellows 2011 tình nguyện tại Làng Hòa bình - Bệnh viện Từ Dũ

Linh Thư