Bản dự thảo Chiến lược Quốc phòng mới của Lầu Năm Góc cân nhắc việc Bộ binh, Hải quân, Không quân và Lính thuỷ đánh bộ sẽ cần phối hợp các nguồn lực để ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của các nước như Trung Quốc hay Iran khi cố cản trở sự tiếp cận của Mỹ với Biển Đông, vịnh Ba Tư và các khu vực chiến lược khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta dự kiến sẽ công bố dự thảo cân nhắc lại chiến lược quốc phòng. Ảnh Wordpress

Các lực lượng sẽ phải hợp tác làm việc hơn để chia sẻ các khả năng tình báo, giám sát và do thám cũng như các công cụ an ninh mạng, quan điểm hoạt động..., một quan chức thông thuộc chi tiết dự thảo trên cho biết.

Vị quan chức khẳng định, Mỹ nên ngăn chặn bất cứ khả năng chống tiếp cận nào như kiểu tàu ngầm tấn công mà Trung Quốc đã phát triển hay tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc và Iran. Thậm chí, nếu cần thiết, Mỹ cần đánh bại họ.

Vào ngày 5/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta dự kiến sẽ công bố dự thảo xem xét lại chiến lược quốc phòng. Tài liệu này sẽ đặt ra những ưu tiên chính sách trong bối cảnh Lầu Năm Góc đối mặt với khả năng cắt giảm 490 tỉ USD ngân sách suốt thập niên tới.

Theo vị quan chức trên, dự thảo sẽ điều chỉnh chiến lược theo hướng Mỹ sẽ không còn dính líu với các hoạt động ổn định quy mô lớn, thời gian kéo dài kiểu như tại Iraq và Afghanistan, sẽ không đủ lực lượng có khả năng tham gia hai cuộc xung đột lớn cùng một lúc. Thay vào đó, Mỹ sẽ có thể tham gia một cuộc xung đột lớn và có khả năng đủ để triển khai lực lượng nhằm ngăn chặn một đối thủ tiềm năng.

Chiến lược mới sẽ tập trung vào khả năng sẵn sàng huy động nhanh chóng của lực lượng Phòng vệ quốc gia và các lực lượng dự bị cho những cuộc xung đột lớn. Chiến lược dự kiến sẽ vẫn duy trì cam kết tên lửa đạn đạo phòng thủ và ngăn chặn hạt nhân. Dự thảo quốc phòng mới cũng nhấn mạnh vai trò của các nỗ lực chính trị và ngoại giao trong ngăn chặn xung đột.

Tổng thống Mỹ Obama hồi tháng 11 đã tuyên bố các bước mở rộng hợp tác thương mại và quân sự với những quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Chiến lược đối ngoại của Washington hiện đang hướng trọng tâm trở lại ở châu Á. Cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama, Tom Donilon trong tháng 11 cho biết, chiến lược của Mỹ tại châu Á "không hề nhằm cô lập hay ngăn chặn bất cứ ai". Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tháng 11, hai bên đã đề cập tới tới vấn đề Biển Đông.

Trong khi quan chức Trung Quốc nói chung thường giảm nhẹ căng thẳng, thì Iran lại đe doạ sử dụng quân sự để ngăn chặn vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz trong trường hợp xảy ra lệnh cấm vận dầu hoặc xung đột với Mỹ về chương trình hạt nhân.

Iran hôm 3/1 đe dọa sẽ hành động nếu hải quân Mỹ đưa tàu khu trục trở lại Vịnh Ba Tư. Tướng Ataollah Salehi nói: "Iran không bao giờ lặp lại cảnh báo... tàu khu trục của kẻ thù buộc phải rời Biển Oman vì cuộc tập trận của chúng tôi. Tôi khuyên, đề nghị và cảnh báo Mỹ đừng đưa tàu khu trục trở lại Vịnh Ba Tư vì chúng tôi không có thói quen cảnh báo hơn một lần". Tướng Salehi không nêu tên tàu hay đề cập chi tiết hành động mà Iran sẽ đáp trả nếu tàu Mỹ trở lại vùng Vịnh.

Thái An (theo Bloomberg)