- Cơ chế tiếp xúc cử tri hiện nay thiên về gặp đồng chí, ít gặp đồng bào. Chúng ta đang rất cần những cán bộ “4 chịu” - chịu học, chịu đọc, chịu nghe, chịu đi cơ sở để tổng kết thực tiễn.

1. Chịu học:

Như tôi đã nói, điều đáng sợ nhất là cán bộ dốt mà không biết mình dốt. Muốn xóa dốt cho mình thì trước hết phải chịu học. Lenin dạy “Học, học nữa và học mãi. Học phải trở thành bộ phận khăng khít của cuộc sống chúng ta. Học để cải thiện đời sống của chính mình”. Bác Hồ cũng dạy: “Học để làm người, học để phục sự đoàn thể và nhân dân”. Cha ông mình cũng đề cao việc học hành thi cử, ngày xưa làm quan cũng phải thi. 

Thực tiễn đã chứng minh chưa có mô hình nào cán bộ dốt mà dân sướng. Ngạn ngữ đã có câu “Quan đần, dân khổ”. Một cán bộ chân chính là suốt đời phải học qua trường, qua dân, qua thực tế để phụng sự nhân dân ngày một tốt hơn.

2. Chịu đọc:

Tri thức ở trong trường, trong sách, trong dân. Thời đại ngày nay không thiếu thông tin, chỉ sợ không chịu tiếp cận thông tin. Trên lĩnh vực thông tin, Internet ra đời là một bước tiến ngoạn mục của loài người. Theo quan điểm của riêng tôi: đọc báo là để làm giàu, đọc sách mới để làm người. Cha ông mình đã quen gọi là sử sách. Đọc sách nào cũng quý, nhưng có 3 loại sách quý nhất cần được ưu tiên đọc trước là: triết học, lịch sử và kinh tế chính trị học. Đó là 3 loại sách chung mở đường, ngoài ra làm nghề gì nên đọc sâu các loại sách chuyên ngành để làm chủ kiến thức khi hành động.

3. Chịu nghe:

Làm lãnh đạo mà chịu nghe là một đức tính cần thiết và quý giá. Nghe để xóa dốt cho mình, nghe để tập hợp trí tuệ, nghe để biết mong muốn và khát vọng của nhân dân mà hành động. Cơ chế tiếp xúc cử tri của chúng ta hiện nay thiên về gặp đồng chí, ít gặp đồng bào. 

Thực tiễn cũng chỉ ra rằng: Một cán bộ đúng nhiều hơn sai thường quan tâm mở rộng dân chủ, chịu nghe góp ý của cán bộ dưới quyền. Ngược lại, một cán bộ sai nhiều hơn đúng thì rất sợ phát huy dân chủ, đe nạt cấp dưới, nói dối cấp trên, khống chế người trung kiên, thích người xu nịnh, đam mê thành tích, quan liêu độc quyền. Vì thế chịu nghe là một tiêu chuẩn cần có của cán bộ chủ trì, là điều kiện cần và đủ để cán bộ ít phạm sai lầm.

4. Chịu đi cơ sở để tổng kết thực tiễn:

Thực tiễn là thước đo chân lý, toàn bộ nhu cầu đổi mới luôn luôn xuất hiện và đặt ra từ cơ sở. Ai đi cơ sở nhiều thì người đó có nhu cầu đổi mới mạnh hơn, người đó có ích cho dân hơn, người đó thương dân hơn. Mọi nguyên nhân dẫn đến quan liêu đều do xa dân, xa cơ sở. 

Khi cấp trên đủng đỉnh, lừng khừng, chậm trễ là vì cấp trên xa cơ sở, không cảm nhận hết sự nóng hổi, bức xúc của cuộc sống. Nên khuyết điểm chung của bộ máy công quyền chúng ta là xa cơ sở nên chậm trễ, thậm chí là “chậm, chờ, chán, chạy”, khi giải quyết các kiến nghị của dân của doanh nghiệp.

Đi cơ sở để tổng kết thực tiễn, chỉ ra những việc cần làm từ tầm vĩ mô đến vi mô; từ lý luận đến thực tiễn, từ khát vọng của dân đến trách nhiệm người đứng đầu các cấp. Bác Hồ đã dạy: Sợ nhất của một Đảng cầm quyền là xa dân, không làm đúng những điều dân muốn, dân mong.

Lê Doãn Hợp
Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông