BCH Trung ương thống nhất phải ban hành Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" với 3 nội dung trọng yếu.

 

 

Sau 6 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 4 khóa XI ngày 31/12/2011 đã bế mạc tại Hà Nội.

Phát biểu bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đã có gần 400 lượt ý kiến phát biểu ở tổ và Hội trường. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; BCH Trung ương đã thống nhất cao thông qua nội dung các nghị quyết của Hội nghị.

Hội nghị đã tập trung thảo luận về hai vấn đề: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng Đảng.

Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại hội nghị này, BCH Trung ương đã thảo luận và quyết định ban hành Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng từ nay đến năm 2020.

Hội nghị nhất trí đánh giá, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dành sự quan tâm lớn đến đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Nhờ đó hệ thống kết cấu hạ tầng đã có bước phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giảm nhẹ thiên tai và bảo đảm an ninh - quốc phòng…

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng kịp yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, tập trung phát triển mạnh mẽ hơn nữa hệ thống kết cấu hạ tầng trong 10 năm tới, Hội nghị nhấn mạnh phải quán triệt các quan điểm và tư tưởng chỉ đạo như phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phải đồng bộ giữa các ngành, từng bước hiện đại hoá trên phạm vi cả nước, từng ngành, từng vùng và từng địa phương; có phân kỳ đầu tư và thứ tự ưu tiên.

Trung ương đã xác định mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng từ nay đến năm 2020 là tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư, giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, bức xúc và từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối đồng bộ, bảo đảm cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Trên cơ sở đó, chỉ rõ những định hướng phát triển 10 lĩnh vực hạ tầng chủ yếu, bao gồm: giao thông, năng lượng, thuỷ lợi, đô thị, khu công nghiệp, thương mại, thông tin, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, y tế, văn hoá - thể thao và du lịch. Trong đó tập trung cho 4 lĩnh vực trọng tâm là: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng đô thị, hạ tầng thuỷ lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về định hướng các giải pháp, Trung ương yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về đầu tư; bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra.

Xác định rõ trách nhiệm cá nhân

BCH Trung ương đã thẳng thắn thảo luận với tinh thần trách nhiệm rất cao và thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Trung ương "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" với 3 nội dung trọng yếu: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.

“Ba nội dung này có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cũng là vấn đề cấp bách nhất”, Tổng bí thư nói.

Theo ông Nguyễn Phú Trọng, Trung ương quyết định phải tiếp tục tiến hành củng cố xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực và kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, nhằm tạo ra một bước chuyển biến mới trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định về mục tiêu lý tưởng cách mạng… coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta.

Ông cũng nêu rõ, tự phê bình và phê bình là khâu mấu chốt nhất nhưng thực hiện cũng có nhiều khó khăn nhất. Bởi vì nó đòi hỏi mỗi người phải tự phân tích, mổ xẻ những ưu điểm, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác. Mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác, trung thực, đánh giá mình cho thật khách quan. Tập trung kiểm điểm trên các vấn đề trách nhiệm đối với công việc, đối với đơn vị; phẩm chất cá nhân của mình về các mặt: nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, quan hệ với quần chúng...

Kinh nghiệm cho thấy, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải gương mẫu và phải có những hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên, và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn.

Tuy nhiên, Tổng bí thư cũng nhấn mạnh, công tác xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng nói chung, tự phê bình và phê bình nói riêng, là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất hệ trọng, phức tạp, tinh tế, không thể làm nóng vội, làm một lần là xong.

Khẳng  định Hội nghị đã thành công tốt đẹp, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, bước sang năm 2012, đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bước đầu đã có những thành quả của năm 2011 tạo đà để đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI. Vấn đề mấu chốt sau Hội nghị là phải chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhất là những quyết sách mà Trung ương vừa thông qua tại Hội nghị này.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ