- Ở nước ta, năm 2011 mở đầu và kết thúc với hai sự kiện chính trị lớn trong đời sống của Đảng lãnh đạo và cầm quyền: Đại hội Đảng lần thứ XI và Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI).

Ảnh: Phạm Tuấn

Trong khoảng thời gian đó, tình thế đã biến động mạnh mẽ; đã xảy ra những sự kiện quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước và cuộc sống của từng người dân, thu hút hầu như toàn bộ tâm trí những người lãnh đạo có trách nhiệm và là mối quan tâm thường trực của mọi người Việt Nam có lương tri sống trong và ngoài nước.

Điều đáng mừng tuy không nhiều nhưng vẫn có. Mừng vì trước sức ép cường quyền, đất nước vẫn không đánh mất độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ, có mặt được tăng cường thế và lực tự vệ. Mừng vì trong điều kiện khó khăn nhiều bề, lạm phát cao mấy năm liền, đời sống khó khăn, nhưng xã hội không bị rối loạn. Mừng vì lực lượng lãnh đạo đã dần nhận biết đúng hơn, có chủ trương sát thực tế đối với một số vấn đề hệ trọng của đất nước, đã vượt qua một số tình huống gay gắt. Mừng vì đây đó đã xuất hiện những điểm sáng đáng trân trọng, khích lệ. Mừng hơn cả là trong khó khăn lòng người không lý tán, trái lại tinh thần yêu nước được khơi dậy, người dân muốn được lo toan việc nước với tư thế người làm chủ. Dù không tránh khỏi có sự khác nhau trong điểm nhìn, cách tiếp cận, chính kiến... nhưng thiện ý vẫn là điểm quán xuyến nổi bật.

Có mừng nhưng suy tư, lo lắng, trăn trở vẫn trĩu nặng tâm trí. Những mối lo nhiều vẻ, trải ra trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… có thể quy về ba chủ đề lớn. Một là, chưa an tâm với sự an nguy và con đường phát triển đất nước. Hai là, chưa an tâm với việc khắc phục và thoát ra những khó khăn kinh tế hiện nay. Ba là, thực sự lo lắng, trước sự suy thoái nhiều mặt chậm khắc phục, trước nạn tham nhũng trầm trọng, bệnh quan liêu, mất dân chủ phát triển, tâm trạng bất bình có chiều hướng tăng lên.

Đại hội XI, các Hội nghị Trung ương 3, 4 đã không dè dặt trong việc đánh giá yếu kém và đề ra biện pháp khắc phục, nhưng mối lo không giảm.

Những khó khăn hiện nay, có yếu tố thời sự quốc tế, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, phần lớn là hậu quả của những yếu kém để kéo dài từ nhiều năm trước. Thật khó mà phê phán các giải pháp đã được ban hành trong năm 2011 nhằm xử lý tình huống. Trong trường hợp tốt nhất, chúng cũng không thể giải quyết một cách căn cơ các vấn đề của đất nước.

Điều đáng nói là hầu hết các vấn đề cơ bản đã được nhận biết từ sớm và khá đầy đủ, đã đề ra mục tiêu phương hướng, chủ trương, biện pháp xử lý, từ việc đổi mới cơ cấu kinh tế, chính sách xã hội, xây dựng nền văn hóa mới, đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân lực, đổi mới quản lý nhà nước, đổi mới, chỉnh đốn Đảng, mở rộng và thực hành dân chủ trong xã hội và trong Đảng, chống tham nhũng, quan liêu... Đó là vấn đề chủ yếu thuộc nội bộ đất nước, nhìn chung được sự đồng tình cao trong nhân dân và trong Đảng, không bị cản trở gì đáng kể từ bên ngoài. Vì sao không thực hiện được những điều đó? Câu hỏi đó tập trung mối lo của toàn dân, toàn Đảng.

Đã có nhiều ý kiến về nguyên nhân của những yếu kém như: cơ chế không thích hợp, nhận thức không đầy đủ, lãnh đạo và chỉ đạo không nghiêm, cấp trên thiếu kiểm tra đôn đốc, cán bộ bất cập cả về phẩm chất, năng lực… Nếu tách rời từng mặt cụ thể, thì các nguyên nhân kể trên không sai, nhưng tự chúng không cấu thành nguyên nhân cuối cùng, nhiều trường hợp chúng chỉ là kết quả của một nguyên nhân khác.

Nguyên nhân có thể nằm ở tầng sâu, cơ bản hơn.

Ngôi nhà mà chúng ta đang sống đã tỏ ra không đủ an toàn. Những sửa chữa nhỏ để ở tạm là cần thiết, nhưng không đủ để giải quyết yêu cầu. Nó cần được kiểm tra lại tổng thể từ thiết kế đến thi công, từ nền móng đến kết cấu cơ bản.

Chỉ khi nào thực sự có nội lực về vật chất và tinh thần đủ mạnh, chúng ta mới có điều kiện chủ động kết hợp với sức mạnh thời đại, để bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền lãnh thổ và lợi ích chính đáng của mình.

Bùi Đức Lại