Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sẽ là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới Bắc Kinh ngày mai (25/12) để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc sau cái chết của cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Il.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda. Ảnh AP
Theo các chuyên gia Nhật Bản, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có thể sử dụng cơ hội này để trấn an cộng đồng quốc tế rằng, Bắc Kinh đang làm việc nhằm đảm bảo sự chuyển giao quyền lực ổn định tại Triều Tiên. "Không chắc là Trung Quốc sẽ tiết lộ mọi thứ họ biết, nhưng có thể các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ đưa ra thông điệp rằng, họ đang kêu gọi Bình Nhưỡng đảm bảo ổn định và trật tự", Shin Kawashima, phó giáo sư tại Đại học Tokyo nói.

Chuyến công du của ông Noda dự kiến diễn ra ngày 12 và 13/12 nhưng sau được đổi thành vào chủ nhật và thứ hai theo yêu cầu của Trung Quốc.

Hồi tháng 11, ông Noda đã gặp gỡ ông Hồ Cẩm Đào bên lề hội nghị APEC ở Honolulu và nhất trí sẽ cùng nỗ lực để tăng cường quan hệ hai bên, vốn thường bị căng thẳng bởi các vấn đề kinh tế và tranh chấp lãnh thổ.

Tuy nhiên, cái chết của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il có thể sẽ làm thay đổi chương trình nghị sự song phương Nhật - Trung khi quốc tế có những bất an về quốc gia hạt nhân Triều Tiên trong thời kỳ chuyển giao quyền lực. "Trung Quốc giữ chìa khóa cho sự đảm bảo ổn định ở Triều Tiên", Takehiko Yamamoto, giáo sư Đại học Waseda nói. Ông nhấn mạnh, Nhật Bản, nước không có quan hệ với Triều Tiên, có thể không làm gì khác hơn là ủng hộ cam kết của Trung Quốc với Bình Nhưỡng. "Bạn có thể gọi đó là một thành tựu nếu Nhật Bản và Trung Quốc khẳng định quyết tâm chung là cùng làm việc để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á bao gồm cả bán đảo Triều Tiên", ông nói.

Ở phương diện song phương, hai nhà khổng lồ châu Á sẽ có cả danh sách những vấn đề nhạy cảm như tranh chấp năng lượng, lãnh thổ ở biển Hoa Đông cũng như vị thế hải quân đang trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. Nhật Bản sẽ thúc giục Trung Quốc hướng tới một khuôn khổ đối thoại để đưa ra những quy định cho việc phát triển trong lĩnh vực khí đốt tại biển Hoa Đông, gần quần đảo tranh chấp gọi là Senkaku theo tiếng Nhật hay Điếu Ngư theo tiếng Trung Quốc.

Hai bên vẫn đang cố gắng chữa lành "vết thương ngoại giao" từ một năm trước đây khi Trung Quốc phản ứng giận dữ với việc Nhật bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc. Phía Nhật cho rằng, vị thuyền trưởng đã cố tình đâm tàu vào tàu tuần tra của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản. Lãnh đạo hai bên dự kiến cũng sẽ nhất trí tổ chức những cuộc gặp giữa các quan chức ngoại giao và quân sự cấp cao Nhật - Trung để tránh những vụ việc tương tự.

Thái An (theo Channelnewsasia)