- "Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tài chính hiện nay về lâu dài sẽ là một bất ổn cho nền kinh tế", ông Lê Đăng Doanh nói tại hội thảo công bố các kết quả sau nghiên cứu hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô do Ủy ban Kinh tế QH tổ chức sáng nay.

Nhóm nghiên cứu của Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành về vấn đề "các chỉ tiêu giám sát tài chính" đã nhận được nhiều góp ý của các chuyên gia. Đặc biệt là những ý kiến mổ xẻ về sở hữu chéo, đầu tư chéo gây rủi ro và nguy cơ bong bóng bất động sản.

Thiếu chuẩn mực

Phân tích các số liệu về thị trường tài chính cho thấy 5 hạn chế, bất cập hiện nay. Chẳng hạn, rất khó giám sát các rủi ro chéo trong toàn bộ thị trường tài chính bởi các cơ quan giám sát đang hoạt động độc lập.

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ Võ Trí Thành. Ảnh: LN
Trong bối cảnh thị trường tài chính đang phát triển nóng như hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một cơ quan giám sát tài chính vĩ mô có đủ thẩm quyền và năng lực để cảnh báo, ngăn ngừa và xử lý hữu hiệu các rủi ro của hệ thống.

Theo ông Võ Trí Thành, bản thân vị thế pháp lý còn yếu kém so với những trọng trách được giao của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng là nhân tố dẫn đến sự thiếu kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan giám sát tài chính.

Vấn đề giám sát tập đoàn tài chính hiện vẫn còn nhiều bất cập. Những năm gần đây, nhiều tổ chức tài chính đang có xu hướng chuyển sang mô hình tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, song quy định pháp lý lại chưa được ban hành đầy đủ. Các chuẩn mực về an toàn tối thiểu, về vốn... đang khuyết thiếu.

Một số đại biểu dự hội thảo đề xuất, nên phân tích sâu vấn đề sở hữu chồng chéo và tình trạng nợ xấu. Bởi khi rủi ro xảy ra có thể gây ra tác động dây chuyền trên thị trường.

Việc giám sát thị trường tiền tệ, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản... đều tồn tại nhiều bất cập. Thậm chí, cho đến nay vẫn chưa có một quy định nào chung về cách thức giám sát cho toàn hệ thống tài chính.

Thêm quyền cho Ủy ban giám sát tài chính?

Nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra nhiều khuyến nghị có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang xúc tiến lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Chẳng hạn, cần đổi mới hệ thống giám sát và xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát tài chính, ngưỡng cảnh báo an toàn để giảm thiểu rủi ro. Thực hiện giám sát chặt chẽ song cũng không được bóp nghẹt tính năng động, sáng tạo của thị trường tài chính.

Theo ông Võ Trí Thành, trong ngắn hạn nên xây dựng các quy chế về quy trình, tiêu chí giám sát chung cũng như chia sẻ, trao đổi thông tin, đưa ra khuyến nghị và cảnh báo. Ngoài ra, cần củng cố, xây dựng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước đủ năng lực và uy tín chuyên môn.

Để làm tốt những yêu cầu này, trong một thập kỷ tới, Việt Nam cần phân định rõ, tăng cường chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý, nhất là với Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban chứng khoán nhà nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần có mức độ độc lập hơn trong xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ - ngân hàng. Củng cố và nâng cao địa vị pháp lý cho Ủy ban giám sát tài chính quốc gia theo hướng có nhiều quyền lực hơn trong giám sát vĩ mô, xử lý vi phạm tại chỗ với tất cả các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

Tuy nhiên, các đề xuất cuối cùng này vẫn đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận khác nhau.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho biết, các công trình nghiên cứu và ý kiến tại hội thảo sẽ được tập hợp gửi tới cơ quan hoạch định chính sách và các đại biểu Quốc hội.

Lê Nhung