- Tạp chí Time của Mỹ nhìn nhận sự thay đổi chưa từng có ở Trung Đông và những nơi khác trong năm qua bằng cách chọn “người biểu tình” là nhân vật tiêu biểu năm 2011.



Trong thông tin đăng tải hôm qua, Time nói phong trào phản kháng phần lớn tập trung giới trẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội, họ quá chán ngán trước sự bất lực chính trị và yếu kém kinh tế.

Tại Trung Đông, các cuộc biểu tình bắt đầu tại Tunisia và lan sang Ai Cập, Yemen và Libya làm thay đổi các chính phủ. Làn sóng biểu tình có tên gọi "Mùa xuân Ả Rập" gồm các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa từng có trong tiền lệ tại các quốc gia ở thế giới Ả Rập như Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen và Jordan, Mauritania, Ảrập Xêút, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Morocco. Làn sóng được bắt đầu từ một cuộc nổi dậy và biến thành cuộc cách mạng tại Tunisia, sau vụ tự thiêu của Mohamed Bouazizi để phản đối tham nhũng và bị cảnh sát ngược đãi.

Tại Tây Âu là các cuộc biểu tình nhằm phản đối tình trạng kinh tế cùng cực và khoảng cách tài sản quá lớn giữa người giàu và người nghèo. Nợ công khổng lồ đã khiến hàng loạt nền kinh tế khu vực đồng euro, đặc biệt là tại Hy Lạp, nơi đề xuất cứu trợ từ IMF và châu Âu với yêu cầu cắt giảm ngân sách mạnh mẽ và hàng loạt biện pháp thắt lưng buộc bụng khác. Phản ứng trở lại, hàng chục nghìn người đã xuống đường ở Athens và những nơi khác để phản đối các tổ chức tài chính hiện hành và giới tinh hoa chính trị tắc trách đã đẩy họ vào hỗn loạn. Cuộc biểu tình tương tự đã làm rung chuyển Tây Ban Nha. Ở cả hai quốc gia, chính phủ đương nhiệm đã sụp đổ và thủ tướng đều phải ra đi.

Tại Mỹ, sự trì trệ về kinh tế đã châm ngòi cho phong trào biểu tình “Chiếm lấy phố Wall” của dân chúng với khẩu hiệu “99% dân Mỹ chống lại 1% kẻ giàu có”. Phong trào được bắt đầu từ ngày 17/9/2011 với cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra ở công viên Zuccotti ở Manhattan, New York (Mỹ) với nhiều hình thức như: biểu tình tuần hành, cắm lán trại tại các khu vực quanh thành phố… Phong trào này nhằm vào cộng đồng tài chính, mà chủ yếu là những người giàu, những kẻ được coi là tài phiệt - tuy chỉ chiếm một phần nhỏ dân số nhưng lại là những người có khả năng điều khiển, thậm chí xoay chuyển một cả một nền tài chính quốc gia. Những người giàu được “trục lợi” từ khủng hoảng kinh tế, thậm chí phải đóng thuế ít hơn tầng lớp trung lưu hoặc người nghèo, cũng như tình trạng thất nghiệp phổ biến của thanh niên ở các nền kinh tế phát triển… đều được xem như nguyên nhân chính đáng dẫn đến "Chiếm lĩnh phố Wall".


Phong trào này kéo dài nhiều tháng, thậm chí còn vượt biên giới nước Mỹ lan sang nhiều châu lục. Bên kia bờ Đại Tây Dương, các cuộc biểu tình chống Phố Wall thậm chí còn thu hút đông người tham gia hơn cả ở Mỹ. Lực lượng biểu tình này liên kết với các cuộc biểu tình kéo dài từ nhiều tháng nay nhằm phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ.

Tại Nga, biểu tình của người dân tại Moscow và nhiều thành phố khác những ngày gần đây lại mang sắc thái khác. Ngay sau cuộc bầu cử hạ viện, người dân đã xuống đường phản đối kết quả bỏ phiếu. Họ cho rằng, thắng lợi thuộc về đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất là do gian lận bầu cử. Tuy vẫn thắng thế, nhưng đảng cầm quyền của Thủ tướng Putin đã vấp phải "cú sốc" lớn khi bị suy giảm 14% phiếu bầu. Hàng chục nghìn người đã xuống đường tại Moscow, với các khẩu hiệu mạnh mẽ chưa từng thấy như "nước Nga thức tỉnh". Người biểu tình đòi chính quyền hủy bỏ kết quả bỏ phiếu hạ viện, tổ chức cuộc bầu cử mới. Thậm chí họ đe dọa, nếu chính quyền không đàm phán, họ sẽ tiếp tục phản đối quy mô lớn hơn nữa. Và, người đàn ông cứng rắn "bất khả chiến bại" của Kremlin - Thủ tướng Putin - đang phải đối mặt với những thách thức thực sự nghiêm trọng.

Như vậy là suốt trong 12 tháng qua, từ châu Phi tới châu Âu, từ Nga tới Mỹ, các cuộc biểu tình của người dân đã trở thành nét chính trong bối cảnh kinh tế xã hội toàn cầu có nhiều bất ổn. Tạp chí Time cho rằng, đa số các cuộc biểu tình năm nay xuất phát một cách độc lập, không dựa vào một chính đảng nào.

Giải thích về sự lựa chọn “Người biểu tình”, Time nhấn mạnh, năm 2011, mọi lục địa trên toàn cầu đều chứng kiến một làn sóng nổi dậy chưa từng thấy, diễn ra cả trong hòa bình lẫn bạo lực; những người biểu tình đã xác lập lại sức mạnh con người trên thế giới và tái định hình nền chính trị toàn cầu. “Họ bất bình, họ đòi hỏi, họ không tuyệt vọng thậm chí cả khi họ bị đáp trả bằng hơi cay hay những viên đạn. Họ đã hiện thực hóa suy nghĩ rằng hành động cá nhân có thể tạo ra sự thay đổi lớn”, Tổng biên tập Rick Stengel nói.

Theo thông lệ mỗi năm, sau "người biểu tình", các nhân vật được Time chọn còn có công nương Anh Kate Middleton, nghị sĩ Mỹ Paul Ryan và cả Đô đốc Mỹ William McRaven, người đã chỉ huy nhóm đặc nhiệm của hải quân tiêu diệt Osama bin Laden tại Pakistan...

Năm ngoái, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg được bầu chọn là Nhân vật của năm. Tiêu chí mà Time đặt ra là con người hay sự việc có ảnh hưởng lớn nhất tới văn hoá và tin tức trong suốt một năm dù về mặt tích cực hay tiêu cực. Chủ tịch Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke nhận tôn vinh này năm 2009. 2008 là Tổng thống Barack Obama.

Thái An - Ảnh: Discovery