- Trong những gương mặt đại biểu Quốc hội nổi bật tại kỳ họp sôi động chưa từng có tiền lệ năm qua, nếu được hỏi "ông nghị" nào gây ấn tượng nhất, hẳn nhiều người sẽ bình chọn cho ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng.
>> Thủ tướng, nhân vật của năm 2010
>> Nhân vật 2010: tướng Nguyên và những trăn trở thời cuộc
>> Nhân vật 2010: Ngô Bảo Châu - hạn hán và cơn mưa

Một trong những lý do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được bình chọn là Nhân vật năm 2010 là vì sự thẳng thắn, không né tránh, khi trả lời những câu hỏi gai góc nhất. Như giới truyền thông thường nói, một bài phỏng vấn hay là bài phỏng vấn trong đó cả người hỏi và người trả lời đều phải thẳng thắn, sắc sảo.

Trong số những người đưa ra những câu hỏi thẳng thắn và sắc sảo đó nổi bật nhất là đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng.

Cũng nhờ những người như đại biểu Nguyễn Minh Thuyết mà năm 2010 có thể được coi là năm nghị trường "bùng nổ" với các phát biểu, chất vấn, thậm chí tranh luận trực diện, mạnh mẽ của nhiều đại biểu Quốc hội đối với các vấn đề, các quyết sách quan trọng của đất nước. Từ đó, người ta thấy sự lộ diện của một Quốc hội ngày càng dân chủ hơn, đảm bảo cho sự hoạt động ngày càng hiệu quả hơn của Chính phủ.

Cuộc trò chuyện dưới đây với ông Nguyễn Minh Thuyết, hi vọng phần nào nói lên tính cách và bản lĩnh của vị đại biểu để lại nhiều dấu ấn nơi nghị trường này.

Đằng sau tôi chỉ có các cử tri


Trong một bối cảnh chung là ít đại biểu quốc hội dám phát biểu công khai về những vấn đề có khả năng động chạm đến vị lãnh đạo nọ, lãnh đạo kia, vịêc ông dám hỏi rất thẳng, và hỏi đến cùng tại các phiên họp truyền hình trực tiếp ở nghị trường khiến nhiều người có cảm giác dường như ông có một sự hậu thuẫn nào đó. Có đúng không?


- Tôi là một nhà giáo được bầu vào QH nên không phải là nhà chính trị chuyên nghiệp và cũng không có nguyện vọng làm nhà chính trị chuyên nghiệp.

Tôi chỉ nghĩ đơn giản là trước những yếu kém, sai lầm trong điều hành việc nước, nếu Quốc hội (QH) nể nang, xuê xoa thì yếu kém, sai lầm sẽ không bao giờ khắc phục được.
Đất nước và nhân dân sẽ thiệt thòi và người dân sẽ giảm niềm tin vào lãnh đạo, vào tính nghiêm minh của pháp luật, như vậy thì rất tai hại. Tóm lại, chỉ có trách nhiệm của một đại biểu dân cử trước nhân dân và đất nước mới có thể thúc đẩy tôi lên tiếng.
Kiến nghị tôi nêu tuy chưa được thực hiện nhưng nó góp phần làm cho sinh hoạt của QH thẳng thắn, dân chủ hơn. Dân chủ có được tăng cường thì QH thực hiện được chức năng giám sát mà nhân dân giao phó.

Sau những chất vấn được coi là trực diện và gai góc đó, ông có bị ai "nhắc nhở khéo" gì không?


- Cho đến nay thì chưa. Tôi cho rằng đại biểu phải nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng pháp luật và tôi đã thực hiện đúng điều đó. Còn phát ngôn tuỳ tiện ngoài đường hay nói sau lưng thì mới phải nhắc nhở chứ!

Ông có mất nhiều thời gian chuẩn bị những phát biểu tại nghị trường và có phải tham vấn ai không?


- Bắt đầu kỳ họp, mẹ tôi nhập viện cấp cứu và ở trong tình trạng thập tử nhất sinh suốt 2 tháng trời (Bà mới mất giữa tháng 12 vừa qua. PV). Họp được một tuần, bố vợ tôi mất. Ở tuổi tôi, việc các bậc sinh thành ra đi là chuyện khó tránh. Nhưng dồn dập mấy chuyện lớn trong một thời gian thì cũng căng thẳng. Cho nên phải nói là kỳ họp này tôi bận hơn những kỳ trước nhiều.

Lần này, tôi không phải hỏi chuyên gia nào vì mọi việc đều rõ ràng. Nhưng nếu cần thì chắc các chuyên gia cũng sẵn sàng thôi. Lần chuẩn bị ý kiến về khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, có chỗ cần hỏi, tôi gọi điện xin gặp một chuyên gia đầu ngành, nhưng ông sẵn sàng trả lời qua điện thoại để tiết kiệm thời gian cho tôi.

Hôm chất vấn Thủ tướng thì tôi phải chuẩn bị câu hỏi tại chỗ vì ngay trước lúc Thủ tướng lên diễn đàn tôi mới nhận được bài phát biểu của ông.

Để được chất vấn Thủ tướng, ông có cần đến hội trường sớm không? Vì nhiều ĐB phàn nàn là họ bấm nút mà vẫn không đến lượt. Mà ông thì phiên chất vấn Thủ tướng nào cũng đều được hỏi. Vậy liệu có sự ưu ái, hay tín nhiệm của chủ tọa đối với riêng đại biểu Nguyễn Minh Thuyết không?


- Các phiên họp, nếu cần phát biểu, tôi đều đi sớm một chút để đăng ký hoặc bấm nút đăng ký tại chỗ. Riêng các phiên chất vấn, tôi chủ yếu đến nghe thôi, nghe mà chưa thông thì mới hỏi.

Trường hợp cần phát biểu mà có khả năng nhiều ĐB cũng sẽ đăng ký tôi mới nhờ anh em chuyên viên trong Đoàn ĐBQH của tỉnh đi sớm bấm nút đăng ký hộ.

Phiên chất vấn Thủ tướng hôm 24/11 vừa rồi, tôi đăng ký trong nhóm đầu tiên nên được chất vấn sớm. Sau phiên chất vấn, một số anh em nói, chỉ sợ chủ toạ không cho ông phát biểu. Tôi bảo: "tôi đăng ký thứ 3 thì phải được phát biểu chứ!".

Đèn xanh không bật, ai có thể đi được?


Trên thực tế, việc một số ĐB tỏ ra mạnh dạn vào cuối nhiệm kỳ đã khiến người ta có cảm giác, họ chỉ dám nói, khi không có gì để mất. Ông nghĩ sao?


- Dĩ nhiên càng nhiều thời gian hoạt động, các ĐBQH càng có kĩ năng thuần thục hơn, do đó phát biểu càng sâu sắc hơn, thể hiện bản lĩnh vững vàng hơn.

Nhưng theo sát hoạt động 9 năm nay, tôi thấy những ĐB được người dân đánh giá cao như Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng, Lê Văn Cuông, Nguyễn Đình Xuân v.v... ngay từ khóa XI cũng luôn thể hiện là những người có chính kiến và thẳng thắn, không ngại đụng chạm.

Còn ở khoá XII này, ngay từ kỳ họp đầu tiên, dư luận đã đánh giá cao ý kiến xây dựng thẳng thắn, sâu sắc của các ĐB mới tham gia như Vũ Hoàng Hà (Bình Định), Danh Út (Kiên Giang), Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Phạm Thị Loan (TP. Hà Nội), Vũ Quang Hải (Hưng Yên) v.v...

Xét bản thân mình, tôi tự thấy kể từ ngày đầu làm ĐBQH mình cũng chưa hề né tránh những vấn đề gai góc. Nếu hiểu rằng người dân bầu và trả lương cho ĐBQH là để giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước thì việc ĐB có ý kiến thẳng thắn là bình thường, là làm đúng bổn phận.

Như vậy, có thể nói sinh hoạt dân chủ trong Quốc hội phần lớn được tạo ra từ bản lĩnh của các đại biểu QH?


- Trước hết, sinh hoạt QH ngày càng dân chủ là do đường lối Đổi mới của Đảng. Cũng giống như ta tham gia giao thông trên đường, đèn xanh không bật thì ai có thể đi được?

Nghe nói ở một số khóa QH trước Đổi mới, đại biểu phát biểu ý kiến phải bằng văn bản, mà văn bản phải được cấp có thẩm quyền thông qua mới được đọc.

Nhưng từ Đổi mới đến nay thì không có việc đó. ĐB có thể phát biểu bằng văn bản chuẩn bị trước hay "nói vo" và chuyển tải ý kiến của người dân đến diễn đàn Quốc hội một cách độc lập hơn.

Từ ngày Đổi mới, đã xuất hiện những ĐB rất bản lĩnh, mạnh mẽ, được cử tri nhớ mãi như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Việc tổ chức truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và chất vấn từ năm 1994 đã tạo ra bước ngoặt, làm cho hoạt động QH minh bạch, công khai hơn.

Qua đó, người dân đánh giá được ĐB của mình và các chính khách khác. Đồng thời, ĐB và các chính khách nói chung cũng cảm nhận được sức ép của cử tri, sức ép của trách nhiệm rõ rệt hơn.

Ở nhà thì bà xã ông có lo lắng không, sau mỗi lần nghe ông nói mạnh trên hội trường?


- Bà xã tôi, giống như nhiều phụ nữ khác, ít quan tâm đến chính trị nhưng từ khi tôi làm ĐBQH thì quan tâm nhiều hơn. Là một trí thức, nhà tôi luôn chia sẻ với chồng. Tôi nghĩ, nếu mình hành xử theo cách khác thì đã không nhận được sự tôn trọng của vợ.

Phản hồi của người dân sau kỳ họp khi ông đi tiếp xúc cử tri thế nào?


- Sau mỗi lần phát biểu trên diễn đàn QH, tôi đều nhận được điện thoại, tin nhắn, thư hoặc email của bạn bè, cử tri quen biết và chưa quen biết tỏ ý hoan nghênh, ủng hộ. Những cuộc hội ngộ trên đường phố cũng khá nhiều.

Tôi chỉ kể một chuyện diễn ra gần đây: Cuối tháng 12 vừa rồi, tôi đi công tác Đà Nẵng. Một hôm, đang đi bộ qua đường, thấy một người đàn ông tuổi chừng 30, 35 vòng xe máy, ghé sát tôi, hỏi: "Bác có phải bác Thuyết không?".

Nghe tôi bảo phải, anh xuống xe, nắm tay tôi nói: "Em là một người dân. Em chỉ muốn nói với bác là dân Đà Nẵng rất quý mến bác".

Bốn mươi mốt năm lao động, tôi chưa được Nhà nước tặng thưởng tấm huân chương nào. Nhưng tôi đã được những người lao động bình thường tặng cho tấm chân tình như vậy. Đó là phần thưởng vô giá đối với một ĐBQH như tôi.

  • Lê Nhung