Sự trở lại của châu Á ở vị trí trung tâm các vấn đề thế giới là sự thay đổi quyền lực rất lớn của thế kỷ 21. Trong năm 1750, châu Á chiếm khoảng 3/5 dân số thế giới và 3/5 sản lượng toàn cầu. Năm 1900, sau cuộc Cách mạng Công nghiệp ở châu Âu và Mỹ, thị phần của châu Á trong sản lượng toàn cầu giảm xuống còn 1/5. Vào năm 2050, châu Á sẽ trở lại đúng con đường nơi nó đã đi 300 năm trước.

Tác giả bài viết là Giáo sư Joseph Nye. 

Ông Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, thay vì để mắt trên bàn cờ toàn cầu, Mỹ lại phí cả thập niên đầu tiên của thế kỷ này khi sa lầy vào cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Giờ đây, như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đề cập trong bài phát biểu gần đây rằng, chính sách đối ngoại Mỹ sẽ "xoay trục" hướng về Đông Á.

Quyết định của Tổng thống Barack Obama nhằm triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ tới một căn cứ ở phía bắc Australia là dấu hiệu sớm cho trục xoay ấy. Hơn nữa, tại diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tổ chức ở Hawaii, ông cũng đã thúc đẩy việc thiết lập mới những cuộc hội đàm thương mại gọi là Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Cả hai sự kiện đã củng cố thông điệp của Obama với khu vực này rằng, Mỹ có ý định vẫn là một cường quốc có sự can dự.

Trục xoay về phía châu Á không có nghĩa là các phần khác trên thế giới không còn quan trọng. Ngược lại, ví dụ như châu Âu có nền kinh tế lớn hơn và giàu có hơn Trung Quốc. Nhưng, như cố vấn aninh quốc gia của ông Obama - Tom Donilon - gần đây giải thích, chính sách đối ngoại Mỹ trong những năm qua đã bị dàn trải bởi các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, quan tâm tới nguy cơ khủng bố và phổ biến hạt nhân tại Iran hay Triều Tiên và mùa xuân Ảrập diễn ra gần đây. Chuyến công du hồi tháng 11 của Obama tới châu Á là một nỗ lực để sắp xếp các ưu tiên chính sách đối ngoại Mỹ với tầm quan trọng lâu dài của khu vực.

Donilon có nói: “Bằng cách nâng tầm khu vực năng động này trở thành một trong các ưu tiên chiến lược hàng đầu của chúng tôi, Obama đang thể hiện quyết tâm của ông trong việc không để cho con tàu của chúng tôi bị chệch hướng bởi các cuộc khủng hoảng hiện tại". Washington cũng tuyên bố rằng, bất kể xảy ra tranh luận nào về ngân sách quốc phòng, Mỹ vẫn đảm bảo sẽ bảo vệ các khả năng cần thiết để duy trì sự hiện diện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chuyến công du tháng 11 của Obama cũng là một thông điệp gửi tới Trung Quốc. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhiều người Trung Quốc bày tỏ niềm tin sai lầm rằng, Mỹ đang trong giai đoạn tụt dốc và Trung Quốc cần quả quyết hơn - đặc biệt là trong theo đuổi tuyên bố chủ quyền hàng hải tại Biển Đông - khi thể hiện với các đồng minh và bè bạn của Mỹ. Trong suốt năm đầu tiên Obama nhậm chức, chính quyền của ông đặt ưu tiên cao cho sự hợp tác với Trung Quốc, nhưng các nhà lãnh đạo Bắc Kinh dường như hiểu sai chính sách của Mỹ là một dấu hiệu của sự yếu đuối.

Washington đã đưa ra tuyên bố cứng rắn hơn khi bà Clinton phát biểu về vấn đề Biển Đông tại một hội nghị khu vực hồi tháng 7/2010. Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Washington tháng 1 năm nay rất thành công, nhưng nhiều nhà bình luận Trung Quốc phàn nàn rằng, Mỹ đang cố gắng "kiềm chế" Trung Quốc và ngăn chặn sự gia tăng hòa bình của họ.

Sự lo lắng của Trung Quốc về cái họ nghĩ là chính sách ngăn chặn từ Mỹ trở lại khi bà Clinton khẳng định rằng, vấn đề tranh chấp hàng hải của nước này với các nước láng giềng sẽ có mặt trong chương trình nghị sự tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á năm tới ở Manila - hội nghị sẽ có sự tham dự của ông Obama, Hồ Cẩm Đào và những nhà lãnh đạo khác trong khu vực.

Tuy nhiên, chính sách của Mỹ với Trung Quốc khác hẳn kiểu chính sách với khối Xô Viết thời Chiến tranh lạnh. Trong khi Mỹ và Liên Xô hạn chế thương mại và tiếp xúc xã hội, thì hiện Mỹ là thị trường nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc, hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, mở cửa các trường đại học của mình cho khoảng 125.000 sinh viên Trung Quốc mỗi năm. Nếu chính sách hiện nay của Mỹ với Trung Quốc bị cho là kiểu ngăn chặn thời Chiến tranh Lạnh thì dường như nó đang ấm áp bất thường.

Đánh giá Chiến lược Đông Á của Lầu Năm Góc - một chỉ dẫn về chính sách Mỹ kể từ 1995 - kêu gọi Trung Quốc tương tác vào hệ thống quốc tế thông qua thương mại và các chương trình trao đổi. Mặc dù Mỹ đang tăng cường quan hệ với các đồng minh, nhất là Nhật Bản thì điều này không có nghĩa là sự ngăn chặn. Sau tất cả, lãnh đạo Trung Quốc không thể dự đoán được những ý định của người kế nhiệm. Mỹ thì đặt cược rằng họ sẽ theo con đường hòa bình, nhưng không ai biết chắc điều đó.

Lực lượng quân sự Mỹ không mong muốn "kiềm chế" Trung Quốc theo kiểu Chiến tranh Lạnh, nhưng họ có thể giúp định hình môi trường trong đó các nhà lãnh đạo tương lai Trung Quốc sẽ đưa ra chọn lựa của mình. Nếu Trung Quốc trở nên gây hấn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì các quốc gia khác sẽ cùng với Mỹ đối phó lại điều đó.

Nhưng dù là hai bên ở vị trí cạnh tranh thế nào, thì hợp tác Trung - Mỹ trong các vấn đề như thương mại, ổn định tài chính, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu và đối phó thảm họa sẽ đều có lợi cho hai bên. Phần còn lại của khu vực cũng được hưởng lợi.

Và, trục xoay của chính quyền Obama về hướng châu Á sẽ là tín hiệu công nhận tiềm năng to lớn của khu vực, chứ không phải lời thúc giục để ngăn chặn bất kỳ ai.

* Tác giả: Giáo sư Joseph Nye Jr là nhà tư tưởng đối ngoại hàng đầu nước Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, tác giả học thuyết "sức mạnh mềm" và "sức mạnh thông minh". Ông là chuyên gia xuất sắc hàng đầu trên nhiều lĩnh vực trong quan hệ quốc tế: quốc phòng, ngoại giao, chính sách đối ngoại, châu Á, châu Âu, chủ nghĩa khủng bố, vũ khí hạt nhân và Liên hợp quốc.

Thái An (theo CNN)