- Trưng cầu dân ý, biểu tình, trực tiếp đối thoại quan chức nhà nước... là những cách thức mở rộng dân chủ trực tiếp Việt Nam có đủ điều kiện và cần làm tốt hơn. Nội dung này nên được bổ sung trong sửa đổi Hiến pháp 1992 - thành viên MTTQ Việt Nam kiến nghị tại hội thảo sáng 7/12.

Dân chủ trực tiếp

Chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân tộc, UB TƯ MTTQ Lù Văn Que cho rằng, về cách thức sử dụng quyền lực nhà nước của dân, đến nay, Việt Nam vẫn thực hiện các cách thức sử dụng quyền lực nhà nước của dân thông qua cơ chế dân chủ trực tiếp và cơ chế dân chủ đại diện (Quốc hội và Hội đồng nhân dân). Những ai là công dân đủ 18 tuổi trở lên được trực tiếp bầu cử, đủ 21 tuổi được ứng cử đại biểu QH và Hội đồng nhân dân, được bầu cử và ứng cử làm trưởng bản...

Ông Lù Văn Que: Việt Nam có đủ điều kiện mở rộng dân chủ trực tiếp
Song theo ông Que, cách thức dân chủ trực tiếp mới chỉ có bầu đại biểu như vậy là hạn chế. Còn cách thức dân chủ đại diện, tuy một số việc quan trọng có lấy ý kiến dân nhưng vẫn ở dừng mang tính tham khảo. Trong bối cảnh mới của đất nước và thế giới, cần sửa đổi, bổ sung cách thức sử dụng quyền lực nhà nước của dân trong Hiến pháp mới theo hướng mở rộng hơn.

"Những cách thức mở rộng dân chủ trực tiếp như trưng cầu dân ý, biểu tình, trực tiếp đối thoại quan chức nhà nước... Việt Nam có đủ điều kiện và cần làm tốt hơn" - ý kiến của ông Lù Văn Que.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng cần nâng cao trách nhiệm dân chủ đại diện, như đòi hỏi các cơ quan quyền lực, các công chức nhà nước phải làm tốt trách nhiệm đại diện của dân, nâng cao chất lượng và hiệu quả các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu dân bầu... Xác định rõ dân là chủ nước nhà, quyền lực nhà nước là quyền lực của dân thì việc phát huy dân chủ trong Đảng là quan trọng. "Trong Đảng phải thực sự dân chủ thì trong dân mới có dân chủ, khi dân có dân chủ thực sự thì người dân mới thực sự có quyền lực nhà nước" theo tư tưởng Hồ Chí Minh....

Kiểm soát quyền lực Nhà nước

Góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, GS Trần Ngọc Đường, ủy viên UB TƯ MTTQ, chuyên viên cao cấp Văn phòng Quốc hội muốn "cập nhật" nguyên tắc "Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Nguyên tắc này được Đại hội Đảng XI vừa qua xác định thêm yếu tố mới, đó là "kiểm soát quyền lực Nhà nước" mà ông đánh giá mang ý nghĩa tích cực.

Bởi lẽ, yếu tố kiểm soát quyền lực được khẳng định nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước do nhân dân giao phó không bị lạm dụng, không bị tha hóa thành những hành vi chuyên quyền, độc đoán, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, đi ngược lại lợi ích của nhân dân từ phía bất kỳ cơ quan nhà nước nào. Do đó, yếu tố mới này bổ sung cho nguyên tắc về quyền lực Nhà nước cần được thể hiện xuyên suốt trong bản Hiến pháp sửa đổi sắp tới.
Ông Trần Ngọc Đường: Thông qua kiểm soát quyền lực mới tạo nên thống nhất quyền lực trong bộ máy nhà nước

"Kiểm soát quyền lực bao gồm cơ chế kiểm soát bên trong bộ máy nhà nước đồng thời phải có một cơ chế kiểm soát từ bên ngoài để phòng chống sự tha hóa của quyền lực, chống sự lạm quyền và lộng quyền. Chỉ có thông qua kiểm soát quyền lực mới tạo nên thống nhất quyền lực trong bộ máy nhà nước"- GS Đường phân tích thêm.

Ngoài ra, ông kiến nghị phương tiện thông tin đại chúng có thể đóng vai trò là kênh kiểm soát quyền lực nhà nước quan trọng và hiệu quả.

Lấy ví dụ về Quốc hội, ông cho hay hiện nay nhân dân giám sát nhưng chưa có cơ chế nên chưa giám sát được hoạt động của Quốc hội.

"Đại biểu Quốc hội sau khi trúng cử rồi có chịu sự giám sát của nơi mình bầu ra nhưng họ không có gắn bó gì ngoài “xuân thu nhị kỳ, mỗi năm hai lần họp ở Quốc hội, 4 lần tiếp xúc rồi đi về, hoạt động như thế nào dân khó biết... Mối quan hệ đại biểu - cử tri vì thế không gắn bó, không giám sát nhau được gì cả. Đại hội 10 đã nói phải thiết lập một cơ chế để kiểm soát việc tuân theo Hiến pháp của 3 cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp, tức bật đèn xanh cho chúng ta xây dựng một cơ chế để mà kiểm soát hoạt động hợp hiến của 3 nhánh quyền lực" - ông phân tích.

Linh Thư - Ảnh: Minh Thăng

Sửa Hiến pháp để loại trừ lấn át quyền lực
Tại hội thảo "Sửa đổi Hiến pháp", có đại biểu cho rằng phải phát huy vai trò nguyên thủ quốc gia của Chủ tịch nước, có ý kiến đề xuất nghiên cứu lại mối quan hệ giữa Chính phủ - Quốc hội sao cho thực chất hơn.
 
Tổng kết Hiến pháp: Tránh hình thức, hời hợt
Tổng kết thi hành Hiến pháp được quán triệt triển khai khẩn trương nhưng bảo đảm chất lượng, tránh hình thức, hời hợt, với sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
 
Sửa Hiến pháp: Giải mã 'quyền lực nhà nước thuộc về dân'
Thảo luận về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp và lập UB dự thảo sửa đổi, các ĐBQH đề nghị làm rõ tư tưởng "quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân".
 
Hiến pháp và Điều lệ Đảng, mấy điều suy nghĩ
Điều 4 Hiến pháp khẳng định: "Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Điều lệ Đảng viết: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền". Lãnh đạo và cầm quyền không phải là những khái niệm tương đương.
 
Sửa Hiến pháp để dân nắm mọi quyền lực
Theo Bộ trưởng Tư pháp, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là một trong các trọng tâm của cải cách sắp tới, với nguyên tắc "tất cả quyền lực thuộc về nhân dân".