- Tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, Hà Nội sáng nay (1/12), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay chưa thể bác tư cách đại biểu của bà Đặng Thị Hoàng Yến.

Nhiều cử tri đã hoan nghênh phần trả lời chất vấn của Thủ tướng về biển đảo, việc QH báo cáo rộng rãi kết quả xác minh tư cách đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến. Người dân cũng phản ánh nhiều vấn đề bức xúc về tiền lương, giao thông, tham nhũng.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, đoàn ĐBQH đã thông báo kết quả xác minh tư cách đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, chưa thể bác tư cách đại biểu của bà Đặng Thị Hoàng Yến. Vừa  qua, sau khi nhận đơn tố cáo của công dân,  Ban công tác đại biểu của Quốc hội đã đi xác minh, và đã làm việc một cách quyết liệt.
"Tuy nhiên, vì liên quan đến sinh mệnh chính trị của một người nên việc xác minh phải làm thận trọng, chi tiết, chặt chẽ", Tổng bí thư nói
Ông Trọng khẳng định, riêng với một vấn đề vẫn còn tồn tại thì vẫn đang được cơ quan chức năng xác minh tiếp để sáng tỏ hết.
Lộ trình tăng lương hợp lý

Về tăng lương và áp lực đời sống của người lao động, ông Vương Trọng Hiệp (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) phàn nàn mức tăng như hiện nay không đáp ứng được nhu cầu của đời sống. "Thông báo tăng lương trước 6 tháng, sau đó mới nhân, còn tăng lương thế này lại càng tăng khoảng cách giàu nghèo. Cho nên chưa nên tăng lương mà nên thực hiện bù giá, như vậy không làm tăng chênh lệch giữa giàu - nghèo", ông Hiệp đề xuất.


Cũng theo ông Hiệp, sự bất bình đẳng còn thể hiện rõ ở chỗ tại các tổng công ty chủ đạo của nhà nước, lương bổng, phúc lợi xã hội cao hơn hẳn trong khi đa phần tài sản đem ra kinh doanh đều là tài sản của nhà nước, là tiền thuế dân đóng góp. Ông Hiệp cho rằng, lãnh đạo các tập đoàn này không được tùy tiện phân chia lợi nhuận mà phải giao cho Chính phủ, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ.

Cử tri Lưu Huy Vinh (phường Thành Công, Ba Đình) bổ sung thêm, ngành điện tuy báo cáo lỗ, nhưng lương lại rất cao. Lợi nhuận từ xăng dầu cũng vậy. "Lỗ - lãi bây giờ rất lơ mơ, đưa lên sàn nói lãi, nhưng công bố giá thì cứ vin vào lý do đang lỗ. Đề nghị QH phải giám sát làm rõ", ông Vinh đề xuất.

Cử tri Lê Thanh Giang (phường Phúc Xá, Ba Đình) than thở, "tăng lương nhưng đời sống không tăng, chưa kể sắp tới tăng giá điện kéo theo giá nhiều mặt hàng khác. Xin QH nghiên cứu vấn đề này hoặc có lộ trình tăng lương hợp lý để bảo đảm tăng lương là tăng đời sống".

Chưa chủ tịch tỉnh nào chịu trách nhiệm

Liên quan đến tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông đã làm nóng diễn đàn QH những ngày qua, nhiều cử tri cũng đưa ra đề xuất rằng lãnh đạo địa phương phải cùng chung tay với Chính phủ thì vấn nạn trên mới giảm.

Ông Nông Quang Lộc (phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm) phân tích, khi trả lời chất vấn, lãnh đạo các bộ đều đã nêu quyết tâm rất cao nhưng chưa nêu rõ trách nhiệm của địa phương. "Chính phủ thì đã quyết tâm nhưng địa phương phải có trách nhiệm thế nào cũng nên xác định rõ. Thủ tướng từng chỉ đạo nếu còn để xảy ra tai nạn giao thông thì chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm. Nhưng tôi chưa thấy địa phương nào đứng ra chịu trách nhiệm hết", ông Lộc phàn nàn.

Cử tri muốn Quốc hội giám sát, làm rõ lỗ lãi của ngành điện

Vị cử tri lớn tuổi này còn kiến nghị, lãnh đạo, đảng viên hãy học tập Bác tiết kiệm, đi xe chung để phần nào giảm bớt lượng xe lưu thông trên đường.

Cử tri Lê Thanh Giang đề xuất thêm, phải có ngay biện pháp quyết liệt cấm xây nhà cao tầng ở các quận trung tâm. Quốc hội đã có thái độ quyết liệt, nên cử tri cũng mong Chính phủ có lộ trình dứt điểm và rõ ràng để giải quyết ngay các vấn nạn trên.

Tiếp thu ý kiến cử tri, Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi khẳng định, Hà Nội đang phối hợp với Trung ương để triển khai các giải pháp như đổi giờ làm, hạn chế xe cá nhân (trước mắt) và xây dựng hệ thống đường xe lửa trên cao (lâu dài)...

Về việc thực hiện trách nhiệm cử tri sau nửa năm được bầu, Tổng bí thư chia sẻ, cá nhân ông và các đại biểu Hà Nội cho đến giờ vẫn hoàn thành nhiệm vụ, chưa có vấn đề gì phải kiểm điểm tư cách cá nhân.

Tổng bí thư cũng cảm ơn những ý kiến đóng góp cho việc đổi mới của Quốc hội và cho hay, sắp tới, Ủy ban Thường vụ QH sẽ tiếp thu và tổng kết chính thức kết quả kỳ họp vừa diễn ra. Theo đó, vẫn còn "mặt nọ xen lẫn mặt kia" cần rút kinh nghiệm. Vì thực tế vẫn còn nhiều điểm băn khoăn, chưa phải tất cả đã tốt hết.

"Một số vấn đề chưa đi đến cùng, đại biểu còn vắng mặt. Khi tiến hành chất vấn vẫn còn trường hợp gọi tới 22 đại biểu hỏi một lúc đã làm giảm bớt tính chất đối thoại chưa chắc đã hay. Ngoài hành lang, các đại biểu Quốc hội cũng có xầm xì. Rồi nghị quyết về chất vấn trùng với nghị quyết về kinh tế - xã hội...", Tổng bí thư dẫn chứng một số mặt tồn tại.

Lê Nhung