- Giải đáp băn khoăn của báo chí về tồn tại trong các phiên chất vấn, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nói, sở dĩ nhiều bộ trưởng trả lời chưa như mong muốn là do đa phần đại biểu lẫn bộ trưởng đều mới.

>> Thủ tướng: Luật biểu tình đảm bảo quyền tự do, dân chủ

>> 'Sao Bộ lại để các trường lừa như vậy?'

>> Bộ trưởng Thăng không thể nói bao giờ hết tắc đường


Kết thúc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 13, Văn phòng Quốc hội chiều nay (26/11) đã tổ chức họp báo thông tin các nội dung tổng kết kỳ họp. Việc thay đổi cách thức tiến hành các phiên chất vấn tại hội trường vừa qua, đặc biệt cách điều hành mới mẻ của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã làm nóng buổi họp báo.

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc
Theo ghi nhận của báo giới bên hành lang Quốc hội, nhiều ĐBQH phàn nàn rằng Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng điều hành hơi gọn nhẹ quá, thậm chí nhiều lúc cắt ngang câu hỏi của đại biểu và câu trả lời của bộ trưởng. Điều này khiến đa số ĐBQH không được dùng hết hai phút như ấn định để đặt câu hỏi. Các phiên chất vấn vì thế tuy tập trung theo nhóm vấn đề nhưng không còn tính chất trao đổi, đối thoại để đi đến cùng. Điều này ảnh hưởng phần nào đến không khí dân chủ trong hoạt động nghị trường.

Tuy nhiên, theo giải thích của Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc, chất vấn luôn là hoạt động được ưu tiên, với rất nhiều đổi mới, chọn lọc. Sau hai ngày rưỡi chất vấn vừa qua, Quốc hội đã ban hành nghị quyết, ghi nhận từng lời hứa của các bộ trưởng.

Theo ông Phúc, mong muốn của chủ tọa điều hành là rút ngắn thời gian, muốn đại biểu hỏi ngắn gọn, không vòng vo, diễn giải nên mới quy định thời gian hỏi gói gọn trong một phút.

"Nhưng thực tế, nhiều đại biểu thích hỏi dài. Còn tâm lý là bộ trưởng khi trả lời muốn kéo dài thời gian và muốn diễn giải chi tiết. Mà Chủ tịch Quốc hội lại muốn cho nhiều đại biểu được hỏi nên mới có cách điều hành như vậy", ông Phúc giải thích.

Riêng với việc Chủ tịch điều hành thường gọi một lượt có khi tới hơn hai mươi đại biểu đứng lên chất vấn cùng một lúc, ông Phúc cho rằng, đó cũng là cách để từng vị bộ trưởng có thể theo dõi và nhanh chóng nắm bắt, khái quát được trọng tâm các vấn đề chính, từ đó trả lời được tập trung.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng thừa nhận, đa phần đại biểu lẫn bộ trưởng đều mới. "Ngày đầu chưa quen, đường cày chưa thẳng ngay", vị ĐBQH đến từ Thái Bình đọc câu thơ ví von.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sĩ Dũng, các ý kiến thảo luận ngoài nghị trường vừa qua cũng phần nào tác động đến các quyết định của Quốc hội. Chẳng hạn, dự án Luật nhà văn đã được đưa ra khỏi chương trình chuẩn bị.

Lê Nhung