- Chuyên gia Martin Painter ví giá trị của Đối thoại chống tham nhũng có nguy cơ bị giảm nếu nó chỉ đơn thuần là một "nghi lễ". Bởi tồn tại lớn nhất, theo một khảo sát, là thiếu cơ chế theo dõi thực hiện sau Đối thoại.

Đối thoại phòng, chống tham nhũng lần thứ 10 diễn ra hôm nay (29/11) tại Hà Nội không hướng vào chủ đề riêng biệt. Lần đầu tiên, các cơ quan phòng, chống tham nhũng Việt Nam cùng các đối tác phát triển nhìn lại hiệu quả, tác động của 9 kỳ liên tiếp đối thoại vừa qua.

Giữa tháng 8/2007 - khi vụ tham nhũng lớn PMU 18 chưa có kết quả điều tra chính thức, Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ chủ động phối hợp với Thụy Điển với tư cách là cơ quan điều phối các đối tác phát triển, thiết lập một diễn đàn trao đổi cởi mở và công khai về những vấn đề liên quan đến phòng, chống tham nhũng.

Một kênh đối thoại đặc biệt với những đối tác đặc biệt, diễn ra lần đầu tiên vào một thời điểm đặc biệt (bởi dư tiếng của một vụ tham nhũng lớn) không chỉ dừng ở câu chuyện hình ảnh quốc gia. Cho đến nay, hai bên đã trải qua 10 kỳ đối thoại chính thức, mà nhiều ý kiến đánh giá cho rằng, việc tổ chức được đối thoại đã là mục đích ý nghĩa nhất.

Trong một khảo sát độc lập, GS Martin Painter, chuyên gia tư vấn thuộc Đại học Hongkong cho hay, khi kênh đối thoại thiết lập, các nhà tài trợ đã coi đây là một "cơ hội vàng".

Với định kỳ mỗi năm 2 lần, cho đến nay, ít nhất diễn đàn này cho thấy tác dụng có tính tham khảo, định hướng cho công tác phòng, chống tham nhũng. Từ kỳ 1 đến kỳ 9 là một quá trình thay đổi theo hướng tích cực, với các vấn đề và trọng tâm đối thoại ngày càng được xác định rõ ràng hơn, công tác chuẩn bị nội dung cũng được cải thiện. Đặc biệt, việc tập trung đối thoại vào các chủ đề trọng tâm là một bước tiến lớn.

Theo khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện các kỳ đối thoại về phòng, chống tham nhũng của Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, kể từ Đối thoại lần 1 (tháng 8/2007) đến lần 9 (5/2011), đã có rất nhiều chuyển biến về thể chế và chính sách đối với công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và trong từng lĩnh vực trọng tâm.

Các nhà tài trợ trao đổi bên hành lang hội thảo trước Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 10. Ảnh: LX

Quan trọng nhất là việc xây dựng và kiện toàn thể chế chính sách về phòng, chống tham nhũng được thể hiện qua việc ban hành các nghị quyết TƯ, luật, nghị định của Chính phủ, quyết định và chỉ thị của Thủ tướng, các quyết định và thông tư hướng dẫn thực hiện. Với những chuyển biến tích cực trong thời gian qua, hệ thống thể chế và chính sách phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã được củng cố và về cơ bản là phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đối thoại giúp các nhà tài trợ hiểu thêm về cam kết và những chuyển biến trong công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ và tiếp tục thúc đẩy phòng, chống tham nhũng trong thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ. Các bộ, ngành có cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin về các "điểm nóng" trong công tác phòng, chống tham nhũng của ngành... Chia sẻ thông tin và bày tỏ cam kết cũng phần nào tạo sức ép nhất định với các bộ, ngành trong phòng, chống tham nhũng.

Sẽ ràng buộc hơn?

Ông Martin Painter ví von giá trị "tượng trưng" của Đối thoại có nguy cơ bị giảm nếu nó chỉ đơn thuần là một "nghi lễ". Theo khảo sát, tồn tại lớn nhất là thiếu cơ chế chỉ đạo và theo dõi thực hiện sau Đối thoại.

Tại các kỳ đối thoại, rất nhiều gợi ý và khuyến nghị được đưa ra. Tuy nhiên, việc thực hiện phụ thuộc chủ yếu vào sự tích cực của các bộ, ngành. Điều này một phần do các tổng kết của Đối thoại không có tính ràng buộc.

Bản thân nhiều đối tác phát triển cũng chưa tích cực trong việc triển khai các tổng kết của Đối thoại đối với các chương trình, dự án mà họ đang hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực.

Cùng "bắt mạch" điểm tồn tại này, ông Martin Painter cho rằng "vòng thông tin phản hồi" đánh giá các kết quả hay sự cải tiến không khép kín, khiến công việc chỉ là cung cấp một loạt "các bức ảnh chụp", không phải là hình ảnh để chuyển động.

Vì thế ông cho rằng nên tăng các loại "sự kiện" để có thông tin và phản hồi, ví dụ như tổ chức một số hội thảo cấp tỉnh, tăng cường sự tham gia với các bên liên quan có chọn lọc khác, như Ủy ban Tư pháp Quốc hội, thay đổi chương trình hoặc hình thức đối thoại để đề cập đến các vấn đề rộng hơn, xuyên suốt, mức độ cao hơn...

Khảo sát của Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng quá trình đối thoại nên được đặt vào một khung dài hơn như 5 năm. Trong khung thời gian đó, đặt ra các mục tiêu rõ ràng cần đạt được với phòng, chống tham nhũng trong những lĩnh vực trọng tâm được lựa chọn.

Bên cạnh đó, có thể kết luận của Đối thoại sẽ được trình Thủ tướng phê chuẩn và ra chỉ thị cho các bộ ngành, cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện và có báo cáo kết quả. Với các nhà tài trợ, những kỳ đối thoại có thể là cơ hội để các đối tác phát triển tìm ra "điểm xuất phát" cho những hỗ trợ phát triển của họ với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Linh Thư

Thủ tướng: Xử dứt điểm các vụ tham nhũng nghiêm trọng
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ nghiêm trọng, phức tạp.
 
Cần bảo vệ cả thân nhân người tố cáo tham nhũng
Đại biểu dự hội thảo quốc tế hôm nay ở Hà Nội đề xuất chủ động bảo vệ người tố cáo tham nhũng ngay từ đầu, kể cả khi họ không yêu cầu và phải bảo vệ cả thân nhân của họ.
 
Tham nhũng: Nói nhiều, xử lý không nhiều?
Tiếp tục thảo luận về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, ĐBQH băn khoăn việc phát hiện nhiều tội phạm tham nhũng và ai cũng nói có tham nhũng, nhưng xử lý chưa được bao nhiêu.
 
Đề xuất thí điểm bí thư đứng đầu ban chống tham nhũng
Tổng Thanh tra Chính phủ đề xuất thí điểm mô hình bí thư hoặc chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, thay cho chủ tịch tỉnh như hiện nay.
 
‘Tham nhũng ở đâu đó rất xa’
“Lãnh đạo và đảng viên đều nhận thức rõ tham nhũng là nội xâm, là nguy cơ, nhưng lại không phải ở chỗ mình mà ở đâu đó rất xa” - Bí thư huyện ủy Hoài Đức, Hà Nội nói.
 
Trung Quốc: Tham nhũng và cải cách chính trị
Chỉ có ân xá toàn bộ mới có thể giúp cho Trung Quốc thoát khỏi cảnh ì trệ. Nếu không thì cải cách chính trị vốn được mong đợi từ lâu sẽ chẳng bao giờ diễn ra.