- Thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sáng nay, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề xuất xây dựng Luật từ chức.

"Là phù hợp xu hướng chung"

Theo ông Đương, dự án Luật từ chức đáp ứng nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch.

gioi thieu
Hai lý do được đưa ra, theo ông Đương, đó là hiện nay có tới 1/3 công chức chính trị, công chức hành chính bị dân nói là làm việc theo kiểu "chân trong, chân ngoài". Phải giảm bớt những người làm việc không hiệu quả.

"Hai là những người đứng đầu, nhất là người đứng đầu nếu không đủ tài trí thì cũng nên từ chức. Đây cũng là phù hợp với xu hướng chung của nhiều nước mà cũng là phù hợp với truyền thống dân tộc ta là "treo ấn, từ quan". Nếu không đủ tài đức nữa thì có nên ngồi mãi không? Mà tác động của người đứng đầu đối với sự vận động xã hội quan trọng lắm và gắn liền với chống tham nhũng", ông Đương cho hay.

Ông Đương cũng đồng thời đề nghị phải xây dựng thêm Luật nông dân.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), phải coi trọng sáng kiến của các cá nhân đại biểu Quốc hội vì đã lâu lắm mới có các đại biểu đề xuất xây dựng luật. Trước đó, mới có đại biểu Nguyễn Minh Hồng đề xuất xây dựng Luật nhà văn. Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến đề xuất làm luật về bảo vệ quyền riêng tư, và hai dự án này đã được đưa vào chương trình dự bị.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) chia sẻ, nên khuyến khích sáng kiến pháp luật của các đại biểu Quốc hội, theo đó khi một sáng kiến được chấp nhận thì đại biểu đó có quyền đề nghị Quốc hội thông qua danh sách Ban soạn thảo mà mình đề xuất và đó là những cộng sự tích cực để hỗ trợ cho việc xây dựng luật.

Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) lại cho rằng, chuyện đại biểu đề xuất thêm luật khiến tình trạng ngày càng quá tải.

"Luật của chúng ta sản xuất quá tải. Bây giờ trên cơ sở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội đề xuất, trên cơ sở của các bộ, ngành đề xuất, tôi thấy thậm chí một cá nhân đề xuất cũng đưa thành dự thảo luật, chương trình luật quá tải, mà luật phải có thời gian nghiên cứu sâu", ông Kỳ nói.

Có nên khôi phục hội nghị đại biểu chuyên trách?

Thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng là dịp để các đại biểu bàn về cách thức thay đổi hoạt động làm luật, nâng cao chất lượng các dự án luật. Vấn đề được nhắc đi nhắc lại là tình trạng kỷ luật chưa nghiêm, dự án rút ra, rút vào quá đơn giản mà không ai phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, các phiên họp toàn thể thảo luận dự án trên nghị trường cũng chưa mấy chất lượng.

Nói như đại biểu Đỗ Văn Đương, một đổi mới cần thiết là giảm thiểu thời gian hoạt động tại nghị trường toàn thể. Vì thời gian để họp phiên toàn thể chỉ có nửa buổi. Đa số đại biểu lại là lãnh đạo các bộ ngành, địa phương "còn phải chăm lo việc điều hành, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nếu tất cả ngồi đây thảo luận về điều luật, về câu chữ thì e rằng không đủ thời gian".

Cũng theo ông Đương, các phiên truyền hình trực tiếp cho dân xem thì đại biểu nên có mặt 100%. Các phiên biểu quyết cũng vậy, "tránh tình trạng như vừa rồi thấy nhiều ghế vắng quá. Nếu có quay trực tiếp, cử tri băn khoăn, không đồng tình lắm", ông Đương nói.

Một mặt giảm thời gian họp toàn thể xuống còn 15 ngày, mặt khác, theo ông Đương, cần tăng cường thời lượng hoạt động của đại biểu chuyên trách.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) góp thêm ý kiến, nên khôi phục lại chế độ hoạt động của hội nghị đại biểu chuyên trách như quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Ngoài ra, cần thành lập các nhóm đại biểu có chuyên môn sâu theo các ngành, lĩnh vực để hỗ trợ cho các ban soạn thảo trong quá trình làm luật song song với các ủy ban của Quốc hội thẩm tra.

"Nói ở hội trường có 7 phút nên chúng ta không thể phát biểu hết những vấn đề, chỉ có những đại biểu chuyên sâu mới đi sâu vào những vấn đề mà nội dung luật đã đề cập. Đây là một hình thức để các đại biểu có tri thức chuyên sâu giúp cho Quốc hội làm trước một bước trong quá trình lập pháp", ông Vân nói.

96 dự án luật thuộc chương trình chính thức bao gồm các dự án luật về tổ chức và hoạt động các thiết chế chính trị, về quyền tự do dân chủ, về quốc phòng an ninh, về kinh tế, Luật Chủ tịch nước, Luật Thủ đô, Luật đầu tư mua sắm công, Luật biển Việt Nam...
38 dự án thuộc chương trình chuẩn bị: Luật báo chí sửa đổi, Luật tiếp cận thông tin, Luật về hội hoặc Luật lập hội, Luật biểu tình, Luật trưng cầu dân ý, Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo...

Lê Nhung