Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sẽ không để chiến dịch cắt giảm ngân sách Washington dính líu tới lời hứa mở rộng tầm nhìn và sự hiện diện quân sự nhằm khẳng định Mỹ là một siêu cường hàng đầu Thái Bình Dương.

Trong thông điệp hướng tới cả một khu vực năng động mà ông xem là chìa khóa với tương lai kinh tế Mỹ và cả các nghị sĩ nhiều bất đồng trong nước, ông Obama nói trước quốc hội Australia ngày 17/11 rằng, châu Á - Thái Bình Dương cực kỳ quan trọng với Mỹ.

Ông Obama: Chúng tôi sẽ duy trì khả năng của mình để thể hiện sức mạnh và ngăn chặn các mối đe dọa với hòa bình". Ảnh: Reuters

"Khi Mỹ cần thiết lập trật tự tài chính, chúng tôi đang giảm bớt chi tiêu", ông Obama cảnh báo việc cắt giảm ngân sách cho cỗ máy quân sự Mỹ là không thể tránh khỏi sau nhiều năm chi tiêu cho chiến tranh.

Nhưng ông nhấn mạnh: "Khi chúng tôi kết thúc các cuộc chiến hôm nay, tôi đã yêu cầu đội ngũ an ninh quốc gia đặt sự hiện diện và các sứ mệnh của chúng tôi ở châu Á - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu. Theo kết quả đó, việc cắt giảm trong chi tiêu quốc phòng Mỹ sẽ không, tôi nhắc lại là sẽ không - dính líu tới chi phí của châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ là một siêu cường Thái Bình Dương, và chúng tôi tới đây để ở lại".

Tìm kiếm sự thay đổi sau một thập niên đẫm máu và phí tổn ở Trung Đông, Nhà Trắng đang chuẩn bị sắp xếp lại và tăng cường thế trận quốc phòng của Mỹ ở châu Á. Theo đó, Mỹ sẽ điều động 2.500 lính thủy đánh bộ tới Australia và thắt chặt quan hệ hợp tác giữa lực lượng phòng không hai nước, đồng thời cam kết duy trì sự hiện diện hải quân mạnh mẽ cũng như tăng cường đồn trú ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, lời hứa của ông Obama được đưa ra trùng với việc nợ quốc gia của Mỹ lần đầu tiên đã vượt quá 15 nghìn tỉ USD chỉ vài giờ trước khi Obama phát biểu trước quốc hội Australia. Phe Cộng hòa có thể lên tiếng chỉ trích Tổng thống "tiêu hoang".

Trong suốt bài phát biểu, ông Obama đã đề cập tới mối quan hệ nhiều trắc trở với Trung Quốc, thúc giục cải cách nhiều hơn ở Myanmar và cảnh báo Triều Tiên sẽ phải trả giá đắt cho việc phổ biến hạt nhân. "Mỹ sẽ tiếp tục các nỗ lực để xây dựng quan hệ hợp tác với Trung Quốc", Tổng thống Obama nói. 

"Chúng tôi sẽ làm điều này, ngay cả khi chúng tôi tiếp tục trao đổi thẳng thắn với Bắc Kinh về tầm quan trọng của việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế và tôn trọng các quyền con người của nhân dân Trung Quốc", ông Obama cho biết.

Bình luận của ông chủ Nhà Trắng về chi tiêu ngân sách đại diện cho thời điểm bước ngoặt trong chính sách của Mỹ hướng tới một khu vực đang nóng lên bởi những tranh chấp lãnh thổ, bởi giới hạn với các lộ trình thương mại sống còn với sự thịnh vượng Mỹ và cả ít nhiều bất an trước sự trỗi dậy Trung Quốc.

Trong khi đó, một siêu ủy ban quốc hội Mỹ đang vật lộn để đạt được thỏa thuận cắt giảm thâm hụt 1,2 nghìn tỉ USD vào ngày 23/11. Nếu không thành công, việc cắt giảm chi tiêu lớn hơn sẽ được áp dụng, trong đó bao gồm 500 tỉ USD cho quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta từng cảnh báo về việc cắt giảm tương tự. Theo giới phân tích, chuyện này có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Mỹ và giới hạn các hoạt động của Mỹ ở nước ngoài. Ông Obama đã đưa ra cam kết của mình trong chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du tới Thái Bình Dương với sứ mệnh, khẳng định Mỹ vẫn là người chơi chủ chốt trong an ninh châu Á - Thái Bình Dương.

"Chúng tôi sẽ duy trì khả năng của mình để thể hiện sức mạnh và ngăn chặn các mối đe dọa với hòa bình", Tổng thống Mỹ tuyên bố. "Chúng tôi sẽ không ngừng tăng cường các khả năng để đáp ứng các yêu cầu của thế kỷ 21. Những mối quan tâm lâu dài trong khu vực đòi hỏi chúng tôi hiện diện lâu dài ở khu vực này".

Ông Obama tin rằng, sự bùng nổ của vành đai Thái Bình Dương, trị giá hàng nghìn tỉ USD trong thương mại với Mỹ, là điều sống còn cho tương lai kinh tế đất nước và sẽ tạo ra nhiều việc làm cũng như khả năng thịnh vượng cho nhiều thập niên tới.

Trong bài phát biểu trước quốc hội Australia, ông Obama cũng nêu một cách tổng quát về chính sách của Mỹ với châu Á. "Ở đây, chúng tôi nhìn thấy tương lai. Là khu vực đang phát triển nhanh nhất thế giới, nơi chiếm hơn một nửa kinh tế toàn cầu - châu Á rất quan trọng để đạt được ưu tiên cao nhất của tôi: tạo công ăn việc làm và cơ hội cho người dân Mỹ", ông nói.

Ông Obama đang phải đối mặt với một cuộc chiến tái cử khó khăn vào năm tới giữa lúc tỉ lệ thất nghiệp Mỹ ở mức 9% và công cuộc phục hồi kinh tế diễn ra khá chậm chạp, cùng nhiều bất đồng chính trị trong nước.

Thái An (theo defense)

Mỹ, Australia 'mở cửa' vào Ấn Độ Dương
Sau các cuộc hội đàm với chính quyền Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Australia để ngỏ “cánh cửa” xuất khẩu uranium sang Ấn Độ, mở đường cho sự can dự sâu rộng hơn giữa Washington và New Delhi.
 
Hai mục tiêu của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ
Quản lý mối quan hệ với Trung Quốc và phát triển quan hệ với Ấn Độ là hai mục tiêu chính đặt ra với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, chỉ huy bộ này cho biết.
 
Đưa Biển Đông ra thượng đỉnh Đông Á: Mỹ - Trung ngược nhau
Không có liên kết nào giữa Biển Đông và thượng đỉnh Đông Á - Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố. Trong khi đó, Mỹ lên tiếng bảo vệ quyền của Tổng thống Obama trong việc đưa chủ đề này ra trước hội nghị.
 
Mỹ đưa Biển Đông ra thượng đỉnh Đông Á
Đáp trả những phàn nàn từ Bắc Kinh, Mỹ lên tiếng bảo vệ quyền của Tổng thống Obama trong việc đưa tranh cãi lãnh thổ ở Biển Đông ra trước hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Bali.