Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến việc điều chỉnh giá điện, giá xăng.

Nhấn mạnh việc tăng giá xăng dầu, giá điện ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của DN và đời sống nhân dân, đại biểu Trương Thị Ánh chất vấn: Xin Bộ trưởng cho biết: Tại sao giá xăng dầu thế giới có lúc giảm mà giá trong nước của ta không giảm? Tại sao có lúc giá xăng dầu, giá điện điều chỉnh tăng liên tục năm 2011. Có phải do kinh doanh 2 ngành này thực sự lỗ hay do công tác quản lý điều hành về giá của Bộ thời gian qua lỏng lẻo, chưa thật sự kiên quyết điều hành giảm giá khi cần thiết?

Sắp tới, Bộ sẽ thể hiện vai trò điều hành của mình như thế nào để quản lý hiệu quả nhất giá cả hợp lý các mặt hàng nói trên, không gây đột biến làm biến động lớn giá cả sinh hoạt, ảnh hưởng đời sống nhân dân?

Trong văn bản trả lời, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho hay, nền kinh tế VN đang thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Chính phủ đã báo cáo Quốc hội lộ trình từng bước điều chỉnh giá để xóa bao cấp qua giá đối với một số hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu.

Ảnh: Minh Thăng

Xóa bao cấp qua giá

“Chủ trương điều chỉnh giá điện là việc bắt buộc không thể không làm để thực hiện xóa bao cấp qua giá”, Bộ trưởng Huệ cho hay.
Khi quyết định tăng giá điện, Chính phủ đã cân nhắc chỉ bù đắp một phần chi phí phát sinh cho ngành điện nói chung và EVN nói riêng...
Năm 2011 giá điện chỉ được điều chỉnh tăng một lần (từ ngày 1/3) và với mức độ điều chỉnh, theo Bộ trưởng Tài chính là “có kiềm chế”, “vẫn chưa tính đủ một số yếu tố giá đầu và của giá điện theo giá thị trường”.

Nếu tính đủ các yếu tố (giá than, tỉ giá, số lỗ lũy kế đến hết năm 2010 và lợi nhuận của ngành điện) vào giá điện thì giá điện phải điều chỉnh tăng cao hơn, chứ không phải mức 165đ/kwh, Bộ trưởng Huệ nói.

Việc tăng giá, theo ông Huệ, “là một bước đi trong lộ trình thị trường hóa giá điện và để giá điện thực sự trở thành tín hiệu thu hút đầu tư vào các công trình điện, đảm bảo cho hệ thống điện có đủ nguồn cung cấp, đủ năng lực truyền tải và phân phối điện, vận hành ổn định”.

Tăng có kiềm chế

Về giá xăng dầu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho hay, từ đầu 2011, trong bối cảnh giá thế giới những tháng đầu năm liên tục biến động theo xu hướng tăng, “lẽ ra các DN phải được quyền điều chỉnh giá tăng bám sát giá thế giới”.

Khác với những gì phát biểu tại buổi làm việc với các DN xăng dầu, ông Huệ cho biết, để thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, “các DN tạm thời chưa được thực hiện quyền được định giá xăng dầu quy định tại Nghị định 84, mà phải chấp nhận các biện pháp bình ổn giá của Nhà nước để cơ bản giữ bình ổn giá khi giá cơ sở tăng cao. Nếu được điều chỉnh tăng thì chỉ tăng ở mức độ có kiềm chế và giảm ngay khi có điều kiện”.

Bộ trưởng cũng làm rõ, nhập khẩu 70% nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào sự biến động của giá thị trường thế giới. Việc điều hành giá bán ở trong nước dựa vào giá cơ sở là giá xăng dầu thành phẩm Platt Singapore (không phải tính theo giá dầu thô) và được tính theo mức giá bình quân 30 ngày của số ngày dự trữ lưu thông, chứ không phải tính theo giá thế giới của từng thời điểm cụ thể.

Giá thị trường thế giới 2 năm qua diễn biến phức tạp, có những thời gian giá giảm nhưng phần lớn thời gian biến động theo chiều hướng tăng. Tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát ở trong nước cũng có những diễn biến không thuận lợi. “Để thực hiện mục tiêu bình ổn giá, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương điều hành giá xăng, dầu không chỉ bám sát các quy định của Nghị định 84/2009/NĐ-CP mà còn bám sát chỉ đạo của Chính phủ trong từng thời kỳ”.

Quý I năm 2010, DN tự quyết định giá thì điều chỉnh tăng giá xăng 2 lần.

Việc điều chỉnh các lần với tỉ lệ không lớn (2-4%), đã thực hiện đúng quy trình, đúng thẩm quyền và thực hiện đúng việc tính giá bình quân trong 30 ngày làm cơ sở xem xét điều chỉnh giá, thực hiện đúng quy định về khoảng cách giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp.
Từ quý II đến nay, Nhà nước thực hiện các biện pháp bình ổn giá xăng có kết hợp với việc cho phép DN tự định giá trong một số thời điểm.

Theo đó, sau khi sử dụng hết các công cụ bình ổn giá: thuế, quỹ bình ổn… giá xăng dầu thế giới vẫn tăng, nếu không điều chỉnh giá thì DN gặp khó khăn, chênh lệch giá giữa Việt Nam với các nước láng giềng sẽ tiếp tục doãng ra dẫn đến tình trạng buôn lậu phức tạp. Chính phủ đã chấp thuận để các DN đầu mối tăng giá 2 lần vào tháng 2 và 3/2011.

Cuối tháng 5/2011, giá xăng dầu thị trường thế giới có lúc tăng, lúc giảm nhưng chưa rõ xu hướng biến động và phải tính giá cơ sở bình quân 30 ngày nên giá vẫn đứng ở mức cao, chưa có cơ hội để giảm.

Cuối tháng 8/2011, căn cứ diễn biến thị trường thế giới và giá thực nhập của DN, với điều kiện cho phép, Bộ Tài chính đã yêu cầu DN giảm giá xăng 500đ/lít.

Minh bạch

Liên quan đến giải pháp thời gian tới, ông Huệ cho hay, trước mắt, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương kiện toàn quy chế hoạt động của tổ giám sát giá xăng dầu, thực hiện kiểm tra, công khai, minh bạch thông tin về kinh doanh xăng dầu, quản lý, điều hành giá theo quy định tại NĐ 84.

Về dài hạn, sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện NĐ 84 trong đó có nội dung về quản lý điều hành giá, quỹ bình ổn giá xăng dầu để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Thực hiện kiểm toán, thanh tra, kiểm tra toàn diện EVN và các đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu, có chế tài xử lí các vi phạm pháp luật về giá, ngăn ngừa sự biến động không hợp lý của giá cả.

Phương Loan