- Muốn làm khu công nghiệp phải lên phía vùng trung du, miền núi chứ tại sao lại cứ nhảy vào ruộng lúa. Phải có chính sách giải quyết hài hòa lợi ích của người dân có đất, Nhà nước, doanh nghiệp - Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng 10/11, giữa phiên thảo luận về kế hoạch sử dụng đất trong 5 và 10 năm tới.

Giữ bằng được đất lúa

Nhiều đại biểu khi thảo luận tại hội trường đề xuất cơ chế ưu đãi cho người trồng lúa và các tỉnh trọng điểm để giữ đất lúa. Vậy Chính phủ tiếp thu các ý kiến này thế nào?

- Chính phủ đã dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ nông dân, đảm bảo người trồng lúa lãi 30%. Tới đây chúng tôi sẽ bàn cụ thể hơn với các ngành kế hoạch - đầu tư, tài chính, nông nghiệp để hỗ trợ việc sản xuất lúa.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Giảm diện tích trồng lúa nữa sẽ rất gay. Ảnh: MThăng

Thái Lan đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng lúa. Do vậy, việc đầu tư cho những vùng trọng điểm lúa như đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng là rất quan trọng. Trong phân bổ ngân sách của Quốc hội, những tỉnh trọng điểm chuyên trồng lúa cũng cần phải có hệ số cao hơn.

Nhưng nhiều nơi không muốn tiếp tục giữ nhiều diện tích đất lúa mà muốn chuyển sang phát triển công nghiệp để tăng thu ngân sách. Vậy thông qua cơ chế gì để địa phương thực hiện đúng quy hoạch đã duyệt khi thẩm quyền giao đất thuộc địa phương?

- Đây là vấn đề khá nan giải. Quan điểm của Chính phủ là kiên quyết giữ bằng được 3,8 triệu ha đất lúa. Chúng tôi rất chia sẻ với các tỉnh vùng trọng điểm lúa. Địa phương nào cũng muốn làm giao thông, khu công nghiệp trong khi diện tích chủ yếu là đất nông nghiệp. Nhưng việc sử dụng đất phải hết sức tiết kiệm.

Thực tế, hiện đất trồng lúa được 2 vụ trở lên chỉ còn 3,2 triệu ha, còn lại là đất lúa 1 vụ và đất lúa nương năng suất thấp. Do vậy, nếu giảm diện tích xuống nữa thì sẽ rất gay. Các tỉnh phải có nhận thức đầy đủ. Đất ông cha để lại từ nghìn đời thì không thể sử dụng lãng phí được.

Tới đây, Luật Đất đai sửa đổi sẽ sửa nhiều vấn đề liên quan đến thẩm quyền giao đất.

Vậy ông muốn gửi thông điệp gì đến các địa phương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất?

- Chúng ta phải giữ được đất lúa, bởi đó là dành cho con cháu sau này. Thái Lan có tới 10,5 triệu ha đất lúa, trong khi chúng ta quy hoạch chỉ 3,8 ha thì không thể giảm được nữa. Muốn làm khu công nghiệp phải lên phía vùng trung du, miền núi chứ tại sao lại cứ nhảy vào ruộng lúa. Đi cùng với đó phải có chính sách giải quyết hài hòa lợi ích trong đó có lợi ích của người dân có đất, nhà nước, doanh nghiệp.

Với quỹ đất phát triển khu công nghiệp, đại biểu cho rằng quy hoạch thì quá lớn mà phải hàng chục năm nữa mới lấp đầy được trong khi Chính phủ lại tiếp tục đề xuất mở rộng thêm quỹ đất?

- Đây là quy hoạch để dự phòng, dự trữ thôi. Còn trong thực tế có mở rộng khu công nghiệp hay không tùy thuộc vào tỷ lệ lấp đầy. Ví như, phải lấp đầy hơn 60% mới cho hình thành khu mới.

"Cái gì cũng muốn thì rất khó"

Liên quan đến tình hình thủy điện được xây tràn lan trên các lưu vực sông, đến khi xả lũ gây thiệt hại lớn cho người dân hạ lưu, phải chăng chúng ta bỏ lọt trách nhiệm của nhà đầu tư?

- Thủy điện rất cần nhưng chúng ta phải tính toán kỹ trong quản lý. Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã đề cấp việc quản lý các hồ chứa. Thực tế, việc xả nước còn liên quan đến an toàn công trình. Cái gì chúng ta cũng muốn được cả thì rất khó.

Các hồ đều có quy trình xả lũ và Nhà nước phải kiểm soát. Tất nhiên, có thể hồ này, hồ khác có vấn đề thì cần khắc phục. Trong mùa lũ, các ngành chức năng, chủ đầu tư phải tăng cường kiểm tra.

Theo quy trình, phải báo trước 48 giờ trước khi xả lũ, nhưng các địa phương cho rằng như vậy là quá gấp để di chuyển, sơ tán dân, vậy Bộ có kiến nghị sửa quy trình này?

- Thực tế, khi có mưa lũ người dân vùng hạ lưu phải hết sức chủ động. Chúng tôi sẽ xem lại quy định này.

Chuyện thủy điện xả lũ gây ngập lụt đã bức xúc trong thời gian dài, nhưng xem ra chúng ta chưa có giải pháp hạn chế nên tình trạng vẫn lặp lại?

- Đây là vấn đề liên quan đến nhiều bộ. Bởi những công trình thủy điện không phải Bộ TN&MT quản lý và đầu tư mà là ngành điện. Ngoài ra, còn liên quan đến nông nghiệp, phòng, chống lụt bão. Ở đây là trách nhiệm của nhiều bộ, ngành trong đó có Bộ TN&MT.

Khi thảo luận về Luật Tài nguyên nước, đại biểu Nguyễn Lâm Thành tỉnh Lạng Sơn cho rằng chúng ta đã bỏ qua trách nhiệm của chủ đầu tư thủy điện xả lũ?

- Tôi tiếp thu ý kiến này. Đương nhiên khi gây ra lũ lụt vì nguyên nhân chủ quan thì chủ đầu tư thủy điện phải bồi thường cho dân. Quy định này rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải xem lại nội dung này đã được các luật khác điều chỉnh chưa. Quy trình vận hành hồ chứa đã được triển khai ở một số nơi rồi.

Theo ông có nên tạm dừng xây dựng các nhà máy thủy điện mới để đánh giá toàn diện lại xem lợi, hại của thủy điện nhỏ và vừa ra sao?

- Tôi cho rằng trách nhiệm đó thuộc Chính phủ, còn các bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ về vấn đề trên.

Lê Nhung ghi

Quản đất đai lỏng lẻo, khó kiểm soát thị trường ngầm
"Quản lý lỏng lẻo dẫn đến tình trạng cán bộ lợi dụng quyền hạn, chức vụ hoặc lợi dụng các chương trình, dự án của nhà nước để chiếm dụng, chia chác đất đai, hình thành thị trường ngầm không thể kiểm soát", một ĐBQH nói.
 
Lọc cán bộ để khống chế tham nhũng đất đai
Cán bộ, công chức tham gia ban hành quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải giải trình thường xuyên về thu nhập, theo GS Đặng Hùng Võ.
 
Không có cách giúp nông dân, không cho lấy đất
ĐB Trần Du Lịch thẳng thắn ra điều kiện cho việc lấy đất nông nghiệp làm công nghiệp: phải có phương án cụ thể giải quyết đời sống cho nông dân mất đất.
 
Lo khó giữ được 3,8 triệu ha đất lúa
Bàn kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất trong 5 và 10 năm tới do Chính phủ trình, UBTVQH không khỏi băn khoăn về việc giữ và bảo vệ diện tích đất trồng lúa.