Các sáng kiến nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông sẽ được Tổng thống Philippines Aquino đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Bali tuần tới.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Erlinda F. Basilio, ông Aquino sẽ tập trung vào việc thiết lập Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác ở Biển Đông (ZoPFF/C).

Tổng thống Philippines Aquino. Ảnh: asiancorrespondent

“Đó sẽ là tâm điểm trong các cuộc thảo luận của ông Aquino tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á cũng như thượng đỉnh ASEAN”, bà Basilio nói trong một cuộc họp báo.

“Kế hoạch sẽ được đề cập trong các buổi thảo luận tại cuộc họp ngoại trưởng ASEAN, cuộc gặp ASEAN+3 và thậm chí có lẽ cả trong hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc, và hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3, cũng như sẽ được mang tới trong các cuộc gặp song phương khác nhau của tổng thống”, bà nhấn mạnh.

Đề án ZoPFF/C đã được giới thiệu với các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hồi đầu năm nay, là một sáng kiến mới lần nữa thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông mà ASEAN ký với Trung Quốc năm 2002.

Theo bà Basilio, để “khởi đầu”, Ngoại trưởng Albert F.del Rosario sẽ đưa ra các đề xuất của Philippines với những người đồng cấp ASEAN và cả trong một cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. “Các kế hoạch sắp tới sẽ do Ngoại trưởng  del Rosario đệ trình. Quan điểm của chúng tôi là tạo điều kiện thuận lợi hơn để Trung Quốc có thể cùng ngồi xuống với chúng ta và thảo luận về vấn đề này”, bà Basilio nói.

Vấn đề Biển Đông sẽ được thúc đẩy theo cách để nhằm “ngừng các vụ xâm nhập, sự hiện diện trên cơ sở hàng ngày của các tàu giám sát, việc quấy nhiễu tàu cá và ngư dân”, bà Basilio cho biết. “Chúng tôi mong muốn thấy lãnh đạo ASEAN sẽ đóng vai trò tích cực thúc đẩy sáng kiến sắp tới của Philippines về vấn đề này. ASEAN phải thể hiện vai trò lãnh đạo của mình. Trong quá khứ, chúng ta luôn nghe về vai trò trung tâm của ASEAN, và đây là lúc ASEAN cần tiếp cận các thách thức, dẫn dắt con đường hướng tới một giải pháp hòa bình cho tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng cách thu hút tất cả các bên liên quan tham gia”.

Các cuộc họp dự kiến diễn ra trong hội nghị lãnh đạo ASEAN thường niên còn bao gồm những cuộc trao đổi với Hội đồng cố vấn kinh doanh ASEAN, với lãnh đạo Mỹ và LHQ cũng như các đối tác ASEAN như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Là nhà điều phối viên của Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN - Mỹ, Tổng thống Philippines Aquino cùng với Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đề xuất một kế hoạch hành động chung từ 2012 - 2015 bao gồm cả việc tăng cường liên minh thương mại.

Ba thỏa thuận dự kiến được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN 19 gồm: một về thành lập Trung tâm phối hợp ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thiên tai; Tuyên bố về thống nhất và đa dạng văn hóa ASEAN; và Tuyên bố Bali sẽ dựa trên chủ đề của một Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu.

Thái An (theo bworldonline)

Biển Đông: Phải tôn trọng nguyên tắc 'đất thống trị biển'
Các học giả dự hội thảo quốc tế ở Hà Nội về Biển Đông cho rằng yêu sách về vùng biển dựa trên cơ sở lịch sử là không phù hợp với quy định của Công ước Luật biển LHQ 1982.
 
Tự do hàng hải ở Biển Đông là sống còn
Nhìn nhận Biển Đông mang ý nghĩa toàn cầu, các đại biểu quốc tế cho rằng bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải là vấn đề mang tính sống đối với các nước trong khu vực.
 
Việt - Nhật khẳng định tự do hàng hải ở Biển Đông
Việt Nam và Nhật Bản khẳng định tự do hàng hải, giao thương không bị cản trở và tuân thủ luật pháp quốc tế hiện hành bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.