- Nằm sâu bên trong Đồi Capitol - trụ sở Quốc hội Mỹ - là một căn phòng được trải thảm đỏ, nơi gần đây nổ ra tranh cãi giữa nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về ngân sách Mỹ. Nhưng cũng tại đây, sự thân thiện nảy nở khi hai phe cất tiếng ca chung.

Xin mời tới phòng “Siêu ủy ban” số 200 của Quốc hội Mỹ! Đây chính là nơi mà hơn chục nghị sĩ đang thương thảo một thỏa thuận mà nếu đạt được, nó có thể tạo ra bước ngoặt giải quyết một trong những thách thức lớn nhất của nước Mỹ hiện nay: Thâm hụt ngân sách khổng lồ và gánh nặng nợ công gia tăng.

Bên trong Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters

Để tìm ra các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách vào cuối tháng 11/2011, Quốc hội Mỹ đã thành lập một “Siêu ủy ban” gồm 6 nghị sĩ Cộng hòa và 6 nghị sĩ Dân chủ. Kể từ đầu tháng 9 tới nay, trong phòng “Siêu ủy ban” số 200, 12 nghị sĩ đã nhiều lần quẳng cả đống ghế lên 4 chiếc bàn gỗ để lấy chỗ tranh cãi chuyện thuế má và chi tiêu ngân sách.

Thay cho việc ngồi cố định một chỗ, 6 nghị sĩ Đảng Cộng hòa và 6 nghị sĩ Đảng Dân chủ lần lượt đổi vị trí trong lúc cố tìm ra những cách thức mới để đạt được thỏa thuận nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách ít nhất 1.200 tỷ USD trong 10 năm. Thời hạn chót đưa ra thỏa thuận là ngày 23/11 tới.

Căng thẳng trong vấn đề ngân sách diễn ra đúng vào lúc tỷ lệ ủng hộ của người dân Mỹ đối với Quốc hội xuống thấp tới mức kỷ lục (dưới 10%), phần lớn bởi sự thất vọng trước tình trạng phe phái.

Một trợ lý của Siêu ủy ban nhận xét: “Các thành viên của Siêu Ủy ban ý thức rằng đây là thời điểm rất bấp bênh trong lịch sử nước Mỹ, đòi hỏi cần có một giải pháp. Nhưng cùng lúc, họ phải tranh đấu tư tưởng vì không thể từ bỏ lòng trung thành chính trị”.

Phe Dân chủ đang thúc đẩy cắt giảm  ngân sách lên tới 3.000 tỷ USD trong vòng 10 năm, thông qua biện pháp giảm chi tiêu công và tăng thu thuế. Tuy nhiên, phe Cộng hòa kịch liệt phản đối kế hoạch tăng thuế, cho rằng hành động này có thể  khiến tình trạng thất nghiệp trầm trọng hơn, đồng thời gây hại cho quá trình phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Không chỉ có mâu thuẫn, sự thân thiện cũng đã nảy nở trong phòng “Siêu ủy ban” số 200. Thượng nghị sỹ Dân chủ John Kerry và thượng nghị sỹ Cộng hòa Rob Portan bắt đầu cùng nhau đạp xe thư giãn buổi sáng. Trong nhóm nghị sỹ của Siêu ủy ban, ông Kerry nổi lên như một thủ lĩnh lưỡng đảng và không câu nệ nghi thức. Gần đây, ông còn mời một số thành viên Siêu ủy ban, gồm thượng nghị sỹ Portan, tới nhà ăn tối.

Lúc nóng, lúc mát

Bất chấp ứng xử linh hoạt của thủ lĩnh hai phe trong Siêu ủy ban, các ý kiến trái ngược dường như cứng rắn hơn, nhất là giữa thượng nghị sỹ Dân chủ Max Baucus và thượng nghị sỹ Cộng hòa Jon Kyl. Cũng giống như những người Dân chủ khác, ông Baucus muốn đặt tất cả các phương án ngân sách lên bàn thảo luận. Nhưng ông Kyl phản đối dữ dội bất cứ khoa mục cắt giảm ngân sách quốc phòng nào.

Các thành viên Siêu ủy ban Mỹ. Ảnh: CNN

Hôm 25/10, căng thẳng tăng lên khi phe Dân chủ đưa ra kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách trị giá 3.000 tỷ USD. Khi ông Bucus chưa kịp giải thích rốt ráo, các nghị sĩ Cộng hòa trong Siêu ủy ban đã ngắt lời phản đối ông. “Chúng tôi không ký bất cứ thuế nào” - một trợ lý trích lời ông Kyl.

Khi tranh luận lên cao trào, tất cả nhân viên trong phòng số 200 phải ra ngoài, chỉ còn lại các thành viên Siêu ủy ban cố nuốt cơn giận để tìm cách phá vỡ bế tắc. Trên một cái bàn nhỏ ở góc phòng, người ta đặt sẵn một số cốc thủy tinh và hộp đựng hạt cà phê. Ở góc khác của phòng, có một khay chất đầy đồ “nhắm” như bánh quy, nho khô, quả hạch, khoai tây chiên…

Thông thường, thành viên Siêu ủy ban không.. nhai tóp tép trong các phiên thương lượng. Nhưng một hôm, ông Kery đã mời các đồng nghiệp ăn bánh nướng. Lần khác, ông Kyl mua bánh sandwich mang vào phòng. Vào tháng 10, các nghị sỹ trong Siêu ủy ban thậm chí gác lại những khác biệt để cùng nhau hát bài “Happy Birthday” mừng sinh nhật nữ thành viên duy nhất là bà Murray.

Các trợ lý cho biết đối thoại nhiều lúc khá thân mật, bởi không có nghị sỹ nào trong Siêu ủy ban có ý định trở thành “những cái đầu nóng nhất” của Quốc hội Mỹ. Mặc dù ủng hộ quan điểm của phong trào Đảng Trà về việc cắt giảm chi tiêu và không tăng thuế, song thượng nghị sĩ Cộng hòa Pat Toomey vẫn “bật đèn xanh” rằng ông muốn các bên đạt được thỏa thuận.

Thượng nghị sĩ Kerry - ứng viên chạy đua chức Tổng thống Mỹ năm 2004 - nổi lên như một nhân vật… nói nhiều nhất, song nhận được sự tôn trọng của cả hai phe trong Siêu ủy ban. Thượng nghị sĩ Portman - cựu Giám đốc ngân sách dưới thời chính quyền Tổng thống George W.Bush - nằm trong số các nghị sĩ hàng đầu chủ trương cải tổ hệ thống thuế khóa phức tạp, nhiều lỗ hổng của Mỹ.

Một số thành viên Siêu ủy ban gần đây ăn tối cùng nhau trong một nhà hàng Trung Quốc ở khu vực Đồi Capitol, ngay sau khi phe Cộng hòa đề xuất kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách trị giá 2.200 tỷ USD, dựa phần lớn vào việc cắt giảm các chương trình xã hội. Kế hoạch này đã bị phe Dân chủ trong Siêu ủy ban bác bỏ.

Nếu phe Dân chủ và Cộng hòa không thống nhất, gói cắt giảm ngân sách 1.200 tỷ USD sẽ tự động kích hoạt vào năm 2013. Với kịch bản này, phe Dân chủ có thể la ó vì các chương trình xã hội bị cắt, còn phe Cộng hòa phản đối vì ngân sách quốc phòng bị giảm. Các nhà đầu tư khắp thế giới thêm lo ngại rằng, hệ thống chính trị Mỹ mất khả năng kìm hãm số nợ công ngày càng lớn.

Chỉ chưa đầy ba tuần nữa là tới thời hạn chót, không mấy ai mạo hiểm dự báo về triển vọng thỏa thuận ngân sách của Mỹ. Theo kế hoạch, cuối tuần này, ông Obama bắt đầu chuyến thăm 9 ngày tới Hawaii, Australia và Indonesia, nhằm đẩy mạnh quan hệ kinh tế giữa Mỹ và châu Á, đồng thời khẳng định vai trò đảm bảo an ninh lâu dài của Mỹ đối với khu vực.

Khi ông Obama đi vắng, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức khác của Nhà Trắng sẽ phải theo sát hoạt động của Siêu ủy ban và Quốc hội Mỹ. Cùng lúc, các nghị sỹ Mỹ tiếp tục “trận chiến” tìm kiếm thỏa thuận cung cấp thêm tiền ngân sách cho chính phủ liên bang, trước thời hạn chót 18/11.

V.Giang (theo Reuters, The New York Times)