Sau Hy Lạp, Italy có khả năng trở thành tai ương mới của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 vừa kết thúc ở Cannes (Pháp), Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi đã phải “muối mặt” chấp nhận để nền kinh tế nước này đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).


Italy đang đứng trên “đỉnh núi” nợ nần, với tổng số nợ bằng 120% GDP. Đầu tuần qua, giá trị vay nợ nước này tăng vọt, với lãi suất trái phiếu chính phủ lên tới 6,4%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng lãi suất 7% là mức mà các nhà đầu tư sẽ ngưng mua trái phiếu chính phủ.

Mặc dù trái phiếu đang bị đe dọa, Italy vẫn chưa cần tới sự cứu trợ tài chính. Nhưng để đảm bảo không làm “chìm xuồng” kinh tế khu vực đồng euro, Italy phải thực thi rất nhiều lời hứa về việc cải tổ, tăng trưởng kinh tế và cân bằng ngân sách vào năm 2013.

Tại Hội nghị G-20, các nhà lãnh đạo thế giới đã gây sức ép buộc Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi đồng ý để cả IMF và Liên minh châu Âu (EU) giám sát các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của Rome. Nói một cách lịch sự, Italy “mời” IMF và EU giám sát họ. Nhưng ai cũng biết sự thực rằng chính phủ của ông Berlusconi đang đánh mất niềm tin.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng trường hợp của Italy “khác hoàn toàn” so với Hy Lạp, và bởi vậy nước này có thể vỡ nợ sớm. “Bản thân ông Berlusconi biết là sự nghi ngờ không nằm ở các biện pháp mà ở chỗ việc thực hiện các biện pháp ấy như thế nào”- ông Sarkozy nói.

Nét trầm tư của Thủ tướng Italy Berlusconi. Ảnh: Economist

Trong khi đó, các phe phái trong nước tiếp tục đòi ông Berlusconi từ chức, dọn đường cho chính phủ mới đủ năng lực giải quyết khủng hoảng nợ công. Trên tờ nhật báo Corriere della Sera của Italy, nhiều nhân vật từng trung thành với ông Berlusconi gửi thư ngỏ kêu gọi thay đổi giới chóp bu. Một cuộc “nổi dậy” có thể xảy ra đầu tuần tới, trong phiên bỏ phiếu về ngân sách.

Thực tế, hiện trạng của Italy còn tồi tệ hơn Tây Ban Nha - quốc gia từng bị đánh giá là có nguy cơ vỡ nợ cao ngay sau Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Triển vọng kinh tế Tây Ban Nha giờ bớt ảm đạm, nhờ sự cải tổ thành công và quyết định sẽ từ chức của Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero.

Trong những ngày sắp đổ, chính quyền của Thủ tướng Berlusconi bị đẩy vào hàng ngũ “các con bệnh cần điều trị gấp” của EU. Đó quả là một sự bẽ bàng cho Italy - nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực đồng euro, một thành viên sáng lập EU. 

Chỉ cách đây hơn nửa tháng, đối xử kiểu trên với Italy còn là điều không tưởng. Các quan chức ở Brussels từng thuật lại việc Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Van Rompuy gửi tới Thủ tướng Berlusconi một dự thảo tuyên bố cho Hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tháng 10, trong đó nhắc tới việc xem xét “những cam kết cụ thể của Italy và Tây Ban Nha”.

Khi ấy, Thủ tướng Berlusconi đã điện thoại cho ông Van Rompuy, chỉ trích rằng cách đối xử này là “một vụ bê bối”. Ông Berlusconi khăng khăng cho rằng nền tài chính Italy vững mạnh hơn phần lớn các thành viên khác trong khu vực đồng euro. Theo ông Berlusconi, mức nợ công cao của Italy là sản phẩm do các chính quyền trước đây để lại. Bởi vậy, ông ta không chịu trách nhiệm trước “núi” nợ này.

“Tôi luôn muốn cải tổ” - ông Berlusconi nói với ông Van Rompuy. Chủ tịch EC đáp: “Này ông Berlusconi, đã đến lúc để giấc mơ của ông biến thành hiện thực”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh của châu Âu tháng trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã phải “mời” ông Berlusconi tới để yêu cầu Thủ tướng Italy gấp rút đưa ra kế hoạch cải tổ đáng tin cậy trong vòng ba ngày, trước khi diễn ra vòng hai của Hội nghị thượng đỉnh châu Âu vào ngày 26/10.

Lãnh đạo các nước khu vực đồng euro hoan nghênh cam kết của Italy nhưng quyết định “tin tưởng song cần kiểm tra”. Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh châu Âu viết: “Chúng tôi yêu cầu Ủy ban châu Âu đưa ra đánh giá chi tiết về các biện pháp của Italy, đồng thời giám sát việc thực hiện của Italy. Nhà cầm quyền Italy cần cung cấp kịp thời tất cả thông tin cần thiết cho bản đánh giá này”. Một số nhà phân tích cho rằng, tuyên bố có những lời lẽ ngờ vực y như trong các hiệp ước hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh.

Một tuần lễ sau, IMF cũng được “mời” tham gia quá trình giám sát Italy. Động thái này là một tín hiệu cho thấy sự thiếu tin tưởng vào khả năng hành động của Ủy ban châu Âu trước tính chất khắc nghiệt của vấn đề nợ công Italy.

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết bà nhận được báo cáo hàng quý về tình hình tài chính Italy. IMF sẽ kiểm tra việc Italy thực hiện các chương trình mà nước này đã cam kết trước các thành viên khu vực đồng euro. Vấn đề then chốt mà cả chính quyền Italy và các đối tác thừa nhận là việc thiếu sự tin cậy đối với những biện pháp cứu chữa tài chính của Italy.

Bởi vậy, để xác nhận lòng tin, công cụ đặc thù mà châu Âu và IMF có thể sẽ sử dụng là “hạn ngạch tín dụng phòng ngừa”. Công cụ tiếp theo là giám sát tài chính.

Vấn đề “hạn ngạch tín dụng phòng ngừa” đã dẫn tới một sự cố nhỏ kỳ lạ, qua đó cho thấy Thủ tướng Berlusconi đúng là có vấn đề về lòng tin. Ông Berlusconi khẳng định rằng IMF đã đề nghị “hạn ngạch tín dụng phòng ngừa” đối với Italy. Tuy nhiên, bà Lagarde bác bỏ thông tin này. 

Tạp chí The Economist đặt câu hỏi: Vậy ai đáng tin? Câu trả lời là hầu hết mọi người sẽ nghe theo bà Lagarde. Trong vòng hai tuần tới, sinh mệnh chính trị của ông Berlusconi có thể ngã ngũ bằng một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Từ câu chuyện của Italy, người ta cũng có thể rút ra bài học: “Lời nói cần đi đôi với hành động”.

V.Giang