- Với trọng tâm là kinh tế, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (30/10 đến 2/11) đạt nhiều kết quả nổi bật, tiếp tục khẳng định vị trí của đối tác kinh tế thương mại hàng đầu, đối tác chiến lược thực chất, hiệu quả của Việt Nam trong khu vực.

Trong các thỏa thuận ký kết nhân chuyến thăm, Bản ghi nhớ về cơ chế Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý có bằng cấp của Việt Nam sang Nhật Bản là một kết quả đáng chú ý, mở ra một lĩnh vực hợp tác mới trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam và Nhật Bản.

Với Bản ghi nhớ ký kết, phía Nhật Bản sẽ chính thức tiếp nhận ứng cử viên điều dưỡng viên, hay gọi là y tá và hộ lý Việt Nam đủ tiêu chuẩn tiếng Nhật và chuyên môn, sang làm việc tại Nhật Bản. Thời hạn làm việc là 3 năm với điều dưỡng viên và 4 năm với hộ lý. Không chỉ vậy, các ứng viên được tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản. Nếu thi đỗ, họ có thể làm việc lâu dài tại các bệnh viện và trại điều dưỡng tại Nhật Bản.

Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản tại hội đàm song phương. Ảnh: VOV

Bản ghi nhớ là kết quả đàm phán giữa hai bên trong một năm rưỡi qua. Bộ Công Thương, dưới chỉ đạo của Thủ tướng, đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ Y tế, Lao động - Thương binh - Xã hội, Ngoại giao…để đàm phán với Nhật Bản khai phá lĩnh vực hợp tác mới này.

Như vậy, Việt Nam là nước thứ ba trong ASEAN, sau Philippines và Indonesia chính thức có thỏa thuận cử điều dưỡng viên, hộ lý sang Nhật Bản.

Nhật báo hàng đầu về kinh tế của Nhật Bản, tờ Nikkei cho hay, dự kiến Nhật sẽ tiếp nhận mỗi năm khoảng 200 y tá và hộ lý Việt Nam, và nhóm đầu tiên sẽ lên đường vào năm tài khóa 2013.

Quyết định tiếp nhận y tá và hộ lý từ Việt Nam sẽ góp phần giải bài toán thiếu nhân lực trầm trọng trong ngành y tế và phúc lợi của Nhật Bản - theo bình luận của Nikkei.

Đối tác ODA hàng đầu

Cùng với văn kiện nói trên, hai bên đã ký Tuyên bố chung về triển khai hành động trong khuôn khổ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản, thỏa thuận về dự án hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, thỏa thuận về hợp tác khai thác và phát triển ngành công nghiệp đất hiếm ở Việt Nam và trao đổi công hàm về việc Chính phủ Nhật Bản cung cấp ODA cho Việt Nam đợt 1 tài khóa 2011.

Ký hiệp định vay vốn trị giá 1,2 tỷ USD phục vụ cho 5 chương trình, dự án. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Về ODA, Chính phủ Nhật Bản cũng cam kết tiếp tục duy trì ODA ở mức cao, giúp Việt Nam phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu.

Trên cơ sở các điều kiện khung của công hàm trao đổi về ODA, tại Tokyo, Bộ trưởng Tài chính Việt Nam và đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký Hiệp định vay vốn trị giá 1,2 tỷ USD phục vụ cho 5 chương trình, dự án.

Đó là dự án xây dựng công trình cảng Lạch Huyện - dự án ODA đầu tiên ứng dụng mô hình hợp tác đầu tư giữa khu vực nhà nước và tư nhân (PPP), dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam (ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai sử dụng công nghệ vệ tinh), xây dựng nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, chương trình hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam (Bến Lức  -Long Thành).

Trong Tuyên bố chung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao quyết định của Chính phủ Nhật Bản cung cấp khoản vay ODA với tổng trị giá 71,6 tỉ yên cho Việt Nam...

Một trong những kết quả nổi bật, đó là việc Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố không áp dụng đoạn 255 trong báo cáo của Ban công tác về việc gia nhập WTO của Việt Nam. Điều này có nghĩa Nhật Bản đã công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

Liên quan đến hạt nhân, phía Nhật Bản cam kết tăng cường an toàn hạt nhân thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và những bài học vừa qua liên quan tới sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi với sự minh bạch cao nhất. Nhật Bản cũng bày tỏ ý định cung cấp cho Việt Nam những công nghệ đảm bảo mức an toàn hạt nhân cao nhất trên thế giới.

Tuyên bố chung về triển khai hành động trong khuôn khổ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản cho thấy quyết tâm của lãnh đạo cấp cao làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước trong thời kỳ mới. Và, chuyến thăm chính thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

Hội nghị cấp cao Đông Á - EAS và vấn đề Biển Đông cũng đã được hai Thủ tướng đề cập. Hai bên khẳng định hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Hai bên hoan nghênh việc thông qua Quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và kêu gọi thực hiện đầy đủ DOC, sớm xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử (COC), phù hợp với luật pháp quốc tế.

Khẳng định tự do hàng hải, giao thương không bị cản trở, và tuân thủ luật pháp quốc tế hiện hành bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, hai bên cũng cho rằng việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình là phù hợp với lợi ích của các nước trong toàn khu vực, cùng thừa nhận rằng những lợi ích này cũng cần được thúc đẩy và bảo vệ tại Biển Đông.

Linh Thư