- Dự án Luật bảo vệ bí mật nhà nước sẽ được xem xét trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13. Ngoài ra, đề xuất của đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến về dự án Luật bảo vệ quyền riêng tư cũng được đưa vào chương trình chuẩn bị.

Sáng nay, Ủy ban Thường vụ đã báo cáo trước Quốc hội dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 13.

Nâng pháp lệnh thành luật

Theo thuyết trình của Chính phủ, thời gian qua, tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước diễn biến phức tạp. Báo cáo của các bộ, ban ngành cho hay, thời gian qua đã phát hiện 229 vụ với tổng số 757 tài liệu thuộc bí mật nhà nước bị lộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung LýẢnh: Minh Thăng
Ngoài ra, trước tình hình trong nước và quốc tế diễn biến ngày càng phức tạp, tác động trực tiếp đến an ninh, thu thập bí mật nhà nước là mục tiêu hướng tới của các cơ quan nước ngoài. 

Ngoài ra, việc lộ, mất các thông tin có nội dung bí mật nhà nước trên Internet, báo chí, hội thảo quốc tế... cũng đang xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, do chưa có quy định pháp lý về mức độ tuyệt mật, tối mật hay "mật" nên dẫn đến những cách hiểu khác nhau và việc xác định tùy tiện: không mật lại đóng dấu mật...

Từ thực tế trên, Thủ tướng đã giao Bộ Công an tổng kết pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước và tiến tới nâng cấp lên thành dự án luật để trình trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13.

Theo đó, Luật bảo vệ bí mật nhà nước sẽ quy định những vấn đề quan trọng về phạm vi, biện pháp, thẩm quyền trong bảo vệ bí mật nhà nước. Quy định về bảo vệ bí mật trên các lĩnh vực như thông tin liên lạc, truyền thông báo chí... Việc quy định cụ thể về bảo vệ bí mật nhà nước trong hợp tác quốc tế (hội thảo, hội nghị quốc tế) sẽ góp phần hạn chế tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước.

Ngoài các dự án luật về bảo vệ bí mật nhà nước và bảo vệ quyền riêng tư, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 sẽ xây dựng nhiều dự án luật khác về đảm bảo quyền công dân, quyền tự do dân chủ của con người.

Theo dự kiến, sẽ có 96 dự án chính thức và 38 dự án luật dự bị.

Thu hút chuyên gia

Đọc tờ trình giới thiệu khái quát dự kiến chương trình trước Quốc hội sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, kết quả thực hiện kế hoạch xây dựng luật của Quốc hội khóa cũ chưa đạt kết quả.

Việc lên chương trình vẫn còn bị động, tính khả thi chưa cao nên đã phải điều chỉnh nhiều lần. Sự phối hợp giữa các cơ quan còn bị động, thiếu chặt chẽ. Nhiều dự án luật chậm trễ, chưa bảo đảm tiến độ. Tài liệu của các cơ quan Chính phủ gửi tới các ủy ban Quốc hội để thẩm tra vẫn chậm. Thậm chí, nhiều dự án luật đã được thông qua nhưng các cơ quan Chính phủ còn trì hoãn ban hành các nghị định hướng dẫn.

Đây là những tồn tại cần khắc phục để chất lượng làm luật của Quốc hội khóa này được nâng cao hơn.

Theo ông Phan Trung Lý, các ủy ban Quốc hội trong quy trình thẩm tra cần có kế hoạch thu hút các chuyên gia, nhà khoa học giỏi tham gia vào quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận tại tổ về các vấn đề trên. Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp.

96 dự án luật thuộc chương trình chính thức bao gồm các dự án luật về tổ chức và hoạt động các thiết chế chính trị, về quyền tự do dân chủ, về quốc phòng an ninh, về kinh tế, Luật Chủ tịch nước, Luật Thủ đô, Luật đầu tư mua sắm công, Luật biển Việt Nam...

38 dự án thuộc chương trình chuẩn bị: Luật báo chí sửa đổi, Luật tiếp cận thông tin, Luật về hội hoặc Luật lập hội, Luật biểu tình, Luật trưng cầu dân ý, Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo...

Lê Nhung